Tại phiên họp lần thứ 12, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình đã quyết định các tỉnh thuộc nhóm 2 đã được phủ sóng truyền hình số mặt đất, đã được hỗ trợ đầu thu cho một phần địa bàn theo chuẩn cũ, hoặc đã phủ sóng một phần địa bàn gồm: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog (các trạm phát sóng chính) trước ngày 1/7/2017.

Đối với các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa và các địa bàn được phủ sóng bằng các trạm phát lại truyền hình tương tự mặt đất tại các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ ngừng phát sóng truyền hình mặt đất ở những giai đoạn sau.

Trong số các tỉnh sẽ số hóa truyền hình trước ngày 1/7/2017, chỉ có 7 tỉnh đồng bằng có địa bàn thuận lợi đã được phủ sóng truyền hình analog toàn bộ địa bàn tỉnh bao gồm: Thái Bình, Nam Định, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, riêng tỉnh Ninh Bình sóng truyền hình analog chỉ phủ sóng phần lớn diện tích.

7 tỉnh có địa hình phức tạp bao gồm cả đồng bằng, đồi núi, truyền hình analog không phủ sóng toàn bộ địa bàn tỉnh là: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận. Các tỉnh này sử dụng nhiều trạm phát lại có công suất nhỏ phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất, do đó khi triển khai truyền hình số ở những địa bàn miền núi có dân cư ít sẽ gặp nhiều khó khăn và hiệu quả thấp.

Do đó hiện có nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải xem xét, đánh giá lại hiệu quả sử dụng truyền hình mặt đất, đặc biệt là tại các địa bàn miền núi có các trạm phát lại truyền hình analog có công suất thấp. Để từ đó điều chỉnh chính sách phát triển truyền hình số mặt đất, truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất kết hợp với truyền hình qua vệ tinh, hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo trong các khu vực không thể phủ sóng truyền hình số mặt đất bằng đầu thu truyền hình vệ tinh.

Theo đại diện Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng của VTV, tại các tỉnh VTV chỉ quản lý các trạm phát sóng chính, còn các trạm phát lại do các huyện quản lý. Hiện tại có khoảng 700 trạm phát lại tại các tỉnh sẽ số hóa truyền hình thuộc giai đoạn 2.  VTV chỉ có thể đảm bảo phát sóng truyền hình số mặt đất tại các trạm phát chính, còn trạm phụ, trạm phát lại thì không thể đảm bảo. Đại diện VTV đề nghị, Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình xem xét dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ các trạm phát lại tại các địa phương.

Tại buổi làm việc với Bộ TT&TT hôm 9/2/2017, ông Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc VTV cũng cho hay, VTV đang gặp một số khó khăn khi triển khai phủ sóng số mặt đất, cụ thể: địa hình một số khu vực có nhiều đồi núi nên khó lắp đặt và triển khai phủ sóng truyền hình số mặt đất. Ở một số nơi khác, phải tăng cường thêm các trạm phát lại bằng máy phát công suất nhỏ, làm tăng chi phí. Việc triển khai cấp phát thiết bị đầu cuối (set top box) cho hộ nghèo và cận nghèo còn chậm. Tại các thành phố lớn nơi có nhiều khối nhà cao tầng tạo ra các vùng lõm về phủ sóng, làm tăng chi phí mở rộng vùng phủ sóng…

Liên quan đến việc tận dụng cơ sở vật chất tại các trạm phát lại khi triển khai số hóa truyền hình, tại một hội nghị của Bộ TT&TT hồi đầu năm 2016 ông Lê Thế Lữ, Phó giám đốc Sở TT&TT Thanh Hóa cũng đã nêu ra việc giải quyết các vấn đề phát sinh khi triển khai số hóa truyền hình ở nhóm 1 và nhóm 2 không phải là lớn, do các tỉnh nằm trong 2 nhóm này phần lớn ở các tỉnh đồng bằng, số lượng thiết bị và các trạm phát lại không nhiều.

Tuy nhiên, ông Lữ cho rằng, đối với các tỉnh thuộc nhóm 3, nhóm 4 khi thực hiện số hóa truyền hình sẽ có nhiều phát sinh. Tại Thanh Hóa do địa bàn trải rộng, có cả đồng bằng, miền núi và vùng biển cho nên hiện tại để phủ sóng truyền hình analog ở Thanh Hóa đang phải sử dụng tới 52 trạm phát lại. Tại 52 trạm phát lại này có 300 lao động đang làm việc.

Ông Lữ đặt ra vấn đề khi thực hiện số hóa truyền hình thì cơ sở vật chất tại các trạm phát lại và những con người đang làm việc tại các trạm phát lại này sẽ giải quyết thế nào. Đây là vấn đề rất khó khăn mà Sở TT&TT Thanh Hóa vẫn chưa thể có biện pháp giải quyết.

Đúng 0h ngày 30/12/2016, 8 tỉnh thuộc giai đoạn 2 của Đề án Số hóa truyền hình đã chính thức tắt sóng truyền hình analog gồm: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang. Trước đó vào 24 giờ ngày 15/8/2016 (tương đương với 0h ngày 16/8/2016) tại 4 thành phố  Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cần Thơ cũng đã ngừng phát sóng các kênh truyền hình tương tự mặt đất. Đà Nẵng là địa phương hoàn thành sớm nhất số hóa truyền hình mặt đất và ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất từ ngày 1/11/2015, trở thành thành phố đầu tiên của ASEAN thực hiện thành công số hóa truyền hình. Như vậy tính đến hết năm 2016 đã có 13 tỉnh, thành phố hoàn thành số hóa truyền hình, đánh dấu sự thành công lớn của Đề án Số hóa truyền hình.