Mặc dù xã hội đã có nhiều tiến bộ, nhưng trên thế giới này cứ 7 phút qua đi vẫn có 1 trẻ em bị tước đi sự sống vì bạo hành. Hàng năm trên thế giới vẫn có hàng ngàn trẻ em bị xâm hại ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần của các em. ¾ trẻ em thổ lộ bị bạo hành từ người lớn. Đó là trách nhiệm của các cơ quan tổ chức nhà nước, với trẻ em và sự tham gia của từng người dân,  từng ông bố, bà mẹ...

{keywords}
Hội nghị về chính sách phát triển toàn diện trẻ em.

Cách nay 30 năm, vào năm 1989, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này.

Việt Nam xác định, chăm sóc, bảo vệ cho trẻ em chính là sự đầu tư cho tương lai, bảo đảm sự phát triển bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt với những trẻ em ở vùng khó khăn, thiệt thòi, khuyết tật. Trên tinh thần đó, những cam kết chính trị cũng như sự lãnh đạo mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống cho hàng triệu trẻ em trên đất nước.

{keywords}
Những tiến bộ quan trọng trong thực thi quyền trẻ em

Về hành lang pháp lý, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến trẻ em đã đều thể hiện rõ quan điểm nhất quán về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là vấn đề có tính chiến lược của quốc gia.

Cụ thể, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 dành một chương quy định về quyền con người và các điều khoản cụ thể về quyền trẻ em.

Tiếp theo các điều khoản trong Hiến pháp, Luật Trẻ em năm 2016 đã đưa ra một khung pháp lý nền tảng nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền cho mọi trẻ em với các điều khoản phù hợp hơn với Công ước về Quyền trẻ em.

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều điều khoản tiến bộ nhằm tăng cường phục hồi cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, Bộ luật này vẫn cần sửa đổi để phù hợp với những cam kết của Việt Nam theo CRC về bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại tình dục.

Tháng 9/2019, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao thông qua Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định về các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Nghị quyết đã tạo nên cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để bảo vệ một cách công bằng cả trẻ em gái và trẻ em trai dưới 18 tuổi khỏi xâm hại tình dục, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và quy định nhiều biện pháp để quá trình xét xử thân thiện hơn, nhạy cảm hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đặc biệt của người chưa thành niên, theo tinh thần của CRC và các điển hình tốt trên thế giới.

Để hướng tới phát triển bền vững và công bằng xã hội, nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển toàn diện trẻ em, Chính phủ Việt Nam đang triển khai chiến lược chăm sóc trẻ em mang tính toàn diện hơn và chăm sóc tập trung vào những năm đầu đời của trẻ. Ngày 19/10/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025”. Với quyết định này, Việt Nam trở thành một trong 69 quốc gia đã ban hành đề án tổng thể cấp quốc gia về “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em”.

{keywords}
Việt Nam trở thành một trong 69 quốc gia đã ban hành đề án tổng thể cấp quốc gia về “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em”. Ảnh minh họa

Nhìn lại 30 năm thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, không thể phủ nhận những kết quả và tiến bộ của Việt Nam trong việc thực hiện các quyền trẻ em, mang lại cho trẻ em Việt Nam cuộc sống ngày càng tốt hơn. Cụ thể, tỷ lệ trẻ dưới năm tuổi tử vong đã giảm ¾; hơn bảy triệu trẻ em đã được tiêm chủng và tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp thanh toán bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh và kiểm soát được bệnh sởi; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi giảm một nửa; với 95% trẻ em nhập học đúng tuổi, Việt Nam đã đạt mốc phổ cập tiểu học, số trẻ em được đến trường cao nhất trong lịch sử; các lĩnh vực như nước sạch và vệ sinh môi trường cho trẻ em cũng đạt được nhiều tiến bộ đáng kể.

Thời gian tới, bảo vệ trẻ em vẫn còn là vấn đề cần hành động mạnh mẽ hơn. Việt Nam cam kết tiếp tục đẩy mạnh khung pháp lý để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó Việt Nam cũng xác định ưu tiên 3 nhóm vấn đề bao gồm: Chính sách phát triển toàn diện trẻ em trong độ tuổi 0 - 8 tuổi; hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách liên quan đến nhóm vị thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi; và việc lồng ghép chỉ tiêu về bảo vệ trẻ em và thực hiện quyền trẻ em trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phân bổ ngân sách Nhà nước.

Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers đánh giá, Việt Nam có thể tự hào về những tiến bộ quan trọng trong thực thi quyền trẻ em, đặc biệt là việc nội luật hóa các điều khoản và nguyên tắc của Công ước các bộ luật, chính sách và chương trình quốc gia. Tuy nhiên bà Rana Flowers cũng khuyến cáo, thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa vào các nguyên tắc hướng dẫn của Công ước quốc tế về quyền trẻ em. “Các nguyên tắc hướng dẫn sẽ bảo đảm giúp Việt Nam thực hiện đúng lời hứa với trẻ em trong 30 năm tới”, bà Rana Flowers nhận định.

Trần Hằng