Pantech

Trước khi Samsung nổi lên như một đế chế vững vàng ở Hàn Quốc, Pantech là một công ty nhỏ bé nhưng đầy thách thức và từng là hãng điện thoại bán chạy thứ hai ở Hàn Quốc vào năm 2012. Khi đó, các dòng sản phẩm Sky và Vega của Pantech được người tiêu dùng Việt Nam đánh giá rất cao bởi cấu hình và đi đầu trong thiết kế. Nhưng đến năm 2014, Pantech đã tuyên bố phá sản và bị các công ty khác thâu tóm. Hãng cũng đã phải bán toàn bộ bằng sáng chế và ngừng sản xuất smartphone để ổn định tình hình tài chính.

Những thương hiệu điện thoại vang bóng một thời
Pantech từng tự hào với thiết kế smartphone sang trọng, quý phái

Hiện tại, thương hiệu Pantech vẫn còn nhưng chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực như VR/AR, IoT và không còn liên quan gì đến smartphone.

BlackBerry

BlackBerry có lẽ là một cái tên đầy hoài niệm với những người dùng văn phòng nhờ tính bảo mật cao và thiết kế bàn phím QWERTY trứ danh. Tuy nhiên, cái chết được dự báo trước của BlackBerry đã đến vào năm 2007 khi Apple ra mắt iPhone thế hệ đầu tiên. Trong cuộc chiến phần mềm, Android và iOS đã khiến các hệ điều hành của Microsoft hay BlackBerry chết dần chết mòn bởi sự ghẻ lạnh của các nhà phát triển.

Những thương hiệu điện thoại vang bóng một thời
BlackBerry nổi tiếng với bàn phím cứng QWERTY và hãng vẫn trung thành với thiết kế này ở kỷ nguyên màn hình cảm ứng, phím ảo

Hệ quả là đến năm 2016 với chỉ 23 triệu người dùng trên toàn cầu (so với thời hoàng kim năm 2012 với 80 triệu người), Dâu đen buộc phải chuyển sang mô hình kinh doanh nhượng quyền cho đối tác Trung Quốc. Đến tháng 08/2020, hợp đồng với TCL chính thức chấm dứt khiến điện thoại BlackBerry tiếp tục “chết” thêm lần nữa.

Hiện tại, BlackBerry đã bán 90% thương hiệu cho Huawei để tập trung hoàn toàn cho IoT và lĩnh vực phần mềm bảo mật. 

HTC

Xuất phát điểm là một nhà sản xuất Đài Loan chuyên gia công điện thoại cho nhà mạng viễn thông của Mỹ, HTC đã dần làm chủ công nghệ và tự cho ra đời các dòng sản phẩm mang thương hiệu riêng như máy tính bỏ túi (PDA) rồi điện thoại có phím bấm chạy hệ điều hành Windows Mobile.

Ở kỷ nguyên Android, HTC đã liên tục cho ra đời các dòng điện thoại One, Desire để mau chóng chiếm lĩnh thị phần. Kết quả là đến cuối năm 2010, HTC thống trị thị trường smartphone ở Mỹ với đội ngũ nhân lực trải khắp toàn cầu lên tới 19.000 người. 

Những thương hiệu điện thoại vang bóng một thời
HTC từng chiếm lĩnh thị trường Mỹ với hai dòng sản phẩm chủ lực là One và Desire

Những năm sau đó, HTC bắt đầu đuối sức trong cuộc đua bằng sáng chế và đốt tiền với các đối thủ như Apple hay Samsung ở Mỹ. Năm 2016, hãng bắt đầu tái cấu trúc bộ phận smartphone nhưng không thành và đến năm 2017 đã bán phần lớn bằng sáng chế với cái giá 1,1 tỷ USD đi kèm việc chuyển giao hơn 2.000 nhân sự cho Google. 

Ngày nay, thương hiệu HTC vẫn còn bán smartphone nhưng tập trung chủ yếu vào dòng sản phẩm VR hợp tác với Valve trong lĩnh vực gaming. 

Motorola

Motorola là công ty viễn thông lâu đời và có truyền thống của Mỹ, từng sáng tạo ra chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thế giới. Nhưng hãng này cũng không tránh khỏi kết cục bi đát dành cho kẻ ngủ quên trên chiến thắng. Công ty thua lỗ kỷ lục 4,3 tỷ USD vào năm 2009 dẫn tới sự kiện chia tách Motorola Mobility và Motorola Solutions vào năm 2011.

Những thương hiệu điện thoại vang bóng một thời
Dòng sản phẩm của Motorola với logo chữ M quen thuộc

Trong đó, Motorola Mobility tiếp tục bị Google mua lại vào năm 2012 với giá 12,5 tỷ USD mà chủ yếu là kho bằng sáng chế khổng lồ mà công ty này nắm giữ khi đó. Nhưng gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm cũng không thể cứu vớt nổi con tàu sắp đắm này và đành cắn răng bán lại cho Lenovo vào năm 2014 với giá chỉ vỏn vẹn 2,91 tỷ USD.

Ngày nay, thương hiệu Motorola dưới cái bóng của Lenovo vẫn tồn tại, nhưng chỉ chiếm dưới 10% thị phần ở Mỹ và gần như rất khó để tìm thấy sự hiện diện ở các thị trường khác. 

Sony Ericsson

Được thành lập vào năm 2001, Sony Ericsson là liên doanh giữa công ty điện tử Sony của Nhật Bản và nhà mạng viễn thông Ericsson của Thụy Điển. Năm 2007, Sony Ericsson nắm giữ 9% thị phần toàn cầu, là nhà cung cấp điện thoại lớn thứ tư thế giới mà đỉnh cao chính là dòng máy nghe nhạc Walkman và sau đó là dòng điện thoại Xperia.

Tuy nhiên, việc chậm chân trước đối thủ đã khiến liên minh này mất dần thị phần, đồng thời phải gồng mình chịu lỗ cho mỗi chiếc điện thoại bán ra. Điều này buộc Sony phải bỏ ra 1,47 tỷ USD thâu tóm toàn bộ cổ phần của Ericsson nhằm tái cấu trúc liên doanh dưới cái tên mới Sony Mobile. 

Những thương hiệu điện thoại vang bóng một thời
Liên minh Sony Ericsson từng rất nổi tiếng với dòng sản phẩm điện thoại Walkman

Dù vậy, dưới thương hiệu mới, smartphone của Sony vẫn bán ra vô cùng ế ẩm và lần này đến lượt các mảng khác của Sony phải gồng mình chịu lỗ cho Sony Mobile. Trong cả năm tài chính 2019, Sony chỉ bán được 3,2 triệu chiếc điện thoại trên toàn cầu so với thời hoàng kim 103 triệu máy tiêu thụ năm 2007.

Chưa có số liệu mới nhất của năm tài khóa 2020, nhưng Sony Mobile chỉ dám đặt kỳ vọng vào một quý có lãi đầu tiên sau nhiều năm chìm trong thua lỗ.

Nokia

Là một cái tên vô cùng quen thuộc với người Việt Nam, điện thoại Nokia từng thống trị thế giới những năm 2000 cho tới khi những kẻ tham vọng như Apple, Google hay Samsung trỗi dậy. Chiến lược bắt tay với Microsoft làm Windows Phone vào đầu thập niên 2010s cũng không đem lại kết quả tích cực cho Nokia. Dẫu vậy, gã khổng lồ phần mềm Hoa Kỳ vẫn quyết định chơi “tất tay” khi bỏ 7 tỷ USD mua lại mảng di động của Nokia năm 2014 để thành lập Microsoft Mobile. 

Những thương hiệu điện thoại vang bóng một thời
Microsoft mua lại Nokia để thúc đẩy thị phần Windows Phone nhưng cuối cùng vẫn phải chịu thất bại cay đắng

Nhưng chưa đầy hai năm sau, Microsoft đã phải bán tống bán tháo thương hiệu Nokia cho HMD của Phần Lan với cái giá 350 triệu USD. Một phần của thỏa thuận này, nhà máy Microsoft Mobile Bắc Ninh (mà trước kia là của Nokia) đã được bán lại cho một công ty con của Foxconn (Trung Quốc). 

LG

Mảng điện thoại của LG chính là cái tên xấu số mới nhất gia nhập hàng ngũ những thương hiệu chết dần chết mòn vì vinh quang của quá khứ. Sau 5 năm thua lỗ số tiền kỷ lục 4,5 tỷ USD, CEO Kwon Bong-seok của LG đã cân nhắc đến việc bán mảng smartphone và rút chân hoàn toàn khỏi thị trường vào năm 2022, theo báo Hàn. Trong đó, nổi lên một bên mua tiềm năng đến từ Việt Nam sẽ nhảy vào thương vụ mua lại mảng điện thoại của LG ở Mỹ. 

Những thương hiệu điện thoại vang bóng một thời
LG từng có những sản phẩm ấn tượng nhưng chưa đủ tốt

Nhưng lần cuối cùng người ta có thể nhìn thấy LG cạnh tranh sòng phẳng với Apple hay Samsung ở thị trường này là vào năm 2015. Sau đó, LG có cho ra đời một vài sản phẩm nổi bật nhưng hoặc là quá sớm, hoặc là quá muộn và không thể tiếp cận người dùng cuối.

Phương Nguyễn (tổng hợp)

Có thể Apple không ra mắt iPhone 13

Có thể Apple không ra mắt iPhone 13

Nhiều khả năng, phiên bản smartphone tiếp theo của Apple sẽ mang tên iPhone 12S vì hãng muốn tránh số 13, bị cho là không may mắn.