Căn nguyên gây ra vụ ngộ độc hàng loạt tại cơ sở kinh doanh bánh mì Phượng (ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) hồi tháng 9 được cơ quan chức năng kết luận là do mẫu thịt lợn xíu mại có trong bánh mì nhiễm vi khuẩn salmonella.
Vi khuẩn này cũng là nguyên nhân của hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn xảy ra những năm qua.
Các chuyên gia y tế cho rằng bất cứ nguồn thực phẩm tươi sống nào có nguồn gốc động vật như thịt gia súc, gia cầm, các sản phẩm bơ sữa, trứng, hải sản và một số loại trái cây, rau, quả… đều có thể bị nhiễm Salmonella.
Vi khuẩn này có trong máu, thịt, nhất là tồn tại nhiều trong các phủ tạng như gan, lá lách, ruột của động vật. Ở gia cầm bị bệnh, Salmonella có thể tồn tại ở buồng trứng. Do đó, ngay sau khi gia cầm đẻ trứng thì trứng này đã bị nhiễm Salmonella.
Ngoài ra, thịt động vật cũng có thể bị nhiễm Salmonella trong và sau khi bị giết mổ. Nguyên nhân là dụng cụ chứa đựng, nguồn nước bị ô nhiễm hoặc lây lan từ ruồi, nhặng... Các loại thịt xay, nghiền, băm nhỏ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này phát triển. Bên cạnh đó, thực phẩm nguội hoặc thực phẩm chế biến để quá lâu, khi ăn không đun lại cũng có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do Salmonella.
Để phòng nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella, các chuyên gia khuyến cáo, khi giết mổ gia súc, gia cầm, tuyệt đối không để phân, lông dính vào phần thịt và các phủ tạng khác. Ngoài ra, thức ăn dự trữ hoặc còn thừa cần được bảo quản đúng cách trong tủ lạnh và phải nấu lại trước khi ăn. Đặc biệt, với những món nguội như thịt đông, pa tê, giò, chả... cần phải cảnh giác vì rất dễ bị nhiễm khuẩn.
Với thức ăn để dành, sau khi nấu chín, để nguội, nhớ cho vào tủ lạnh ngay, chậm nhất là 4 giờ sau khi nấu xong. Luôn tuân thủ khi lấy thức ăn chín ra khỏi tủ lạnh thì phải đun kỹ lại và ăn ngay, không để quá 4 giờ.
Hoàng Linh