1. Nhãn năng lượng

Đây là nhãn thể hiện biểu tượng tiết kiệm năng lượng được dán trên các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường khi các phương tiện, thiết bị này có mức hiệu suất năng lượng đạt hoặc vượt mức hiệu suất năng lượng cao do Bộ Công Thương quy định – từ 1 sao đến 5 sao.

Nhãn năng lượng dán trên máy lạnh.

Thông thường trên nhãn năng lượng của thiết bị điện sẽ thể hiện các thông tin sau: Hãng sản xuất, Tên/mã sản phẩm, Mức tiêu thụ điện, Số chứng nhận, Cấp hiệu suất năng lượng. Hiểu nôm na là nhãn năng lượng có số sao càng cao thì thiết bị càng tiết kiệm điện và nhãn 5 sao là cấp độ tiêu thụ và sử dụng điện năng tiết kiệm nhất.

Thế nên khi sắm máy lạnh, ta cần lưu ý đến thông tin nhãn năng lượng được dán trên máy lạnh để biết được khả năng tiết kiệm năng lượng của chúng.

Bên cạnh việc tìm hiểu nhãn năng lượng trên máy lạnh thì để đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng khi sử dụng ta cũng cần lưu tâm đến việc chọn máy lạnh Inverter thay vì máy lạnh thường và cân nhắc chọn loại điều hòa có công suất làm lạnh phù hợp với diện tích phòng…

2. Inverter hay không Inverter

Về mặt kỹ thuật, máy lạnh Inverter sử dụng công nghệ máy nén biến tần cho khả năng làm lạnh linh hoạt thay vì chỉ duy trì hai trạng thái tắt/mở như máy lạnh thông thường.

Ưu điểm của công nghệ Inverter thể hiện ở khả năng tiết kiệm điện năng tiêu thụ vì động cơ sẽ khởi động từ từ rồi tăng tốc dần lên đến hết tải chứ không liên tục tắt/mở như động cơ thông thường. Khi hệ thống làm lạnh tiến gần đến nhiệt độ được cài đặt, động cơ máy sẽ quay chậm lại chứ không tắt hẳn, vì thế mà tiêu hao ít điện năng và giúp nhiệt độ luôn ổn định.

Thực tế cho thấy máy lạnh Inverter có thể tiết kiệm từ 30% đến 60% điện năng so với máy lạnh thông thường. Chính bởi ưu thế tiết kiệm năng lượng, khả năng hoạt động êm ái, chế độ làm lạnh ổn định nên giá thành của máy lạnh Inverter luôn cao hơn so với máy lạnh thường cùng công suất và nhãn hiệu. Vì vậy, khi mua máy lạnh người dùng cần cân nhắc đến nhu cầu sử dụng của chính mình để tối ưu chi phí mua sắm.

Các nhà sản xuất thường có tên gọi riêng cho công nghệ Inverter, ví dụ như Real Inverter (Gree), J-Tech Inverter (Sharp), Digital Inverter (Samsung), Dual Inverter (LG), Hybrid Inverter (Toshiba)…

Nhờ được trang bị công nghệ biến tần Real Inverter, máy lạnh Gree có khả năng tiết kiệm hơn 60% điện năng. 

3. Chỉ số BTU hay HP

Khi mua máy lạnh, đa số chúng ta sẽ được tư vấn công suất với đơn vị quen thuộc như 1HP, 2HP… Ngoài đơn vị HP (mã lực hay ngựa) kể trên thì chỉ số công suất của máy lạnh cũng được ghi nhận bằng đơn vị BTU thường thấy trên các nhãn năng lượng.

Cụ thể thì BTU (viết tắt tiếng Anh: British Thermal Unit – đơn vị nhiệt Anh) là một đơn vị năng lượng được sử dụng ở Mỹ được dùng để đo công suất của các thiết bị sưởi hoặc làm lạnh. BTU hay BTU/h phản ánh lượng năng lượng cần thiết để 1 pound (454g) nước tăng lên 1 độ F (Fahrenheit). Việc quy đổi từ BTU sang các đơn vị khác cũng khá dễ dàng: 1 BTU tương đương 1055 J = 0,293 kW và 1HP tương đương 9000 BTU.

Việc biết thêm về đơn vị BTU cho phép người dùng hiểu được công suất làm lạnh của thiết bị với các nhãn năng lượng thể hiện bằng đơn vị này. Loại máy lạnh nhỏ nhất tại thị trường Việt Nam có công suất khoảng 9.000 BTU/h tương đương với 1HP có năng lượng sinh ra trong 1 giờ là 9.000 x 0,293W=2637W. Cần chú ý, BTU chỉ phản ánh công suất làm lạnh của máy lạnh chứ không phải công suất tiêu thụ điện. 

Chọn đúng công suất phù hợp với diện tích phòng giúp máy lạnh hoạt động hiệu quả hơn.

4. Khí gas R32, R410A hay R22

Công nghệ làm lạnh chủ yếu dựa trên phản ứng thu nhiệt của khí gas, đặc biệt thông qua chu trình hoạt động của máy nén. Vì thế, loại gas được sử dụng cũng quan trọng không kém các công nghệ động cơ máy nén và các thành phần khác trong hệ thống máy lạnh.

Các dòng máy lạnh đời mới ngày nay luôn ưu tiên sử dụng những dung môi làm lạnh thế hệ mới, an toàn và thân thiện với môi trường. 

Hiện tại có 3 loại khí gas được sử dụng phổ biến trong các máy lạnh gồm: R22, R410A và R32. Trong đó, gas R22 là loại gas được sử dụng đầu tiên trên máy lạnh với ưu điểm không độc, không gây cháy nổ nhưng loại gas này có thể gây hại đến tầng ozon nên gần như đã không còn được sử dụng.

Tiếp đến là sự ra đời của Gas R410A với mục tiêu thay thế R22 với năng suất làm lạnh cao hơn 1,6 lần giúp tiết kiệm điện hơn, thân thiện với môi trường vì không gây thủng tầng ozon nhưng khó bơm, bảo trì và giá thành cao hơn R22.

Cuối cùng là Gas R32 đang dần được sử dụng phổ biến trên các máy lạnh thế hệ mới. Gas R32 có độ an toàn cao, đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường, hạn chế gây hiệu ứng nhà kính và có hiệu suất làm lạnh cao gấp 1,6 lần R410A nên tiết kiệm năng lượng hơn.Hiện các mẫu máy lạnh mới đã chuyển sang dùng Gas R32 vì những ưu điểm của nó so với các loại Gas trước. Và khi sắm máy lạnh mới, bạn cũng có thể hỏi người bán về loại Gas được sử dụng trong máy lạnh để càng thêm yên tâm hơn khi sử dụng.