Bản chất của việc chơi game là không xấu. Thế nhưng thú vui giải trí này cũng là một phần tạo nên những thói quen không đẹp cho game thủ. Đa phần những thói xấu này đều tổn hại đến sức khoẻ và trí não người chơi.
Cày game thâu đêm
Theo một cuộc khảo sát nhỏ của nhóm sinh viên Hà Nội (năm 2013) về thời gian chơi game của giới trẻ, họ cho biết có rất nhiều bạn thường chơi game về đêm và có khi thức trắng để cày. Lý do có thể đơn giản là vì ngày bận học, bận làm nên đêm về tranh thủ kéo chuột. Hoặc có bạn tính toán kỹ hơn thì cho rằng: “Chơi ban đêm, game ít lag, đánh quái, săn boss, train kinh nghiệm cũng dễ hơn, lại hạn chế bị thiên hạ đồ sát. Nói chung chơi về đêm thoải mái và an tâm hơn, nhanh tăng cấp”. Bên cạnh đó, cũng không ít đối tượng thật thà rằng chơi game vào ban đêm ít bị phụ huynh soi, không gian yên tĩnh, dễ tập trung, cảm giác chơi game ban đêm thật… an toàn.
Thế nhưng vệc cày đêm lại là nguyên nhân chính dẫn đến sức khoẻ suy giảm, học hành, công việc cũng từ đó mà bị ảnh hưởng. Hệ luỵ của việc thức thâu đêm có thể là một ngày nào đó, bạn phải vào bệnh viện và được nghe bác sĩ phán rằng suy kiệt cơ thể và trí não?
Ăn uống "tạp nham"
Mì gói, trà đá, nước ngọt, thuốc lá, bánh mì và các loại thức ăn nhanh là những thực phẩm mà game thủ thường ưu tiên sử dụng. Mấy món này đặc biệt thích hợp với các chú “cú đêm” bởi tính chất tiện lợi. “Ngồi một chỗ quá lâu, lại không muốn gián đoạn cuộc đua cày kéo nên chọn các loại thức ăn sẵn cho tiện”. Phần đông các bạn trẻ đều chọn giải pháp nhanh gọn và tiết kiệm thời gian. Hơn nữa, nhiều game thủ cho rằng giá cả của những loại thức ăn này cũng không đến nỗi quá đắt đỏ ngoại trừ đồ “fast food”.
Tuy nhiên, các “chuyên gia dinh dưỡng” này chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà quên đi tác hại về sau của các loại thực phẩm nói trên. Thuốc lá chứa hơn bốn ngàn loại hoá chất gây bệnh, không những có tác hại cho chính người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Nước ngọt tích tụ lâu ngày có thể dẫn đến bệnh tiểu đường, sỏi thận, béo phì, v.v. Ăn uống không đủ chất thì việc giảm sút sức khoẻ là chuyện đương nhiên sẽ xảy ra.
Văng tục, chửi thề, nói bậy
Chuyện chửi thề, văng tục, nói bậy của dân chơi game không lạ đối với cộng đồng. Lối ứng xử này không hay ho tí nào nhưng chúng ta vẫn thấy nhan nhản ở các trò chơi online. Vì sao vậy? Đơn giản là thích/ không thích, vui/ buồn gì, thậm chí không có lý do gì cũng có thể phát ra những ngôn từ không đẹp.
Khi chơi game, từ con ngoan trò giỏi, nhân viên gương mẫu đến những người có chức, quyền cũng đều được quy về một danh từ “game thủ”. Tất cả các rào cản xã hội khác dường như biến mất, cái cốt yếu mà game thủ cần lúc này là thoả mãn chính mình bằng môi trường ảo. Game chẳng qua cũng là phản ánh của xã hội thực tại mà thôi. Ở cuộc sống thực có những quy định khiến người ta ức chế hoặc không được là chính mình.Có người từng tâm sự rằng: “Vào game rồi, ai biết là ai đâu, thích làm gì cũng được, kể cả chuyện nói bậy, văng tục hay chửi thề cho sướng miệng. Vả lại game thủ thì tính hiếu thắng cao lắm, nhiều khi thấy ngứa miệng là chửi thôi à!”
Không phải game thủ nào cũng thích chứng tỏ mình bằng cách tung hê ngôn ngữ không đẹp như thế. Tuy nhiên, số đông game thủ Việt đang sở hữu và sử dụng một cách phổ biến thói xấu này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thói xấu này và hiện nay dường như nó đang trở thành một vấn nạn trong văn hoá ứng xử ở cộng đồng ảo.
Hack, cheat trong game
Có thể nói hack, cheat là hai vấn đề dễ gây ức chế nhất cho game thủ trong quá trình chơi game. Có một ngàn lẻ một lý do để người chơi gian lận trong game. Bản chất từ sự hiếu thắng, ăn thua đủ cho bằng anh bằng em chính là một trong những nguyên nhân đó. Thậm chí vì muốn chứng tỏ bản thân, khoe khoang thành tích mà sẵn sàng tham gia những trò gian lận bằng mọi giá.
Tuy nhiên, không thể đổ lỗi tất cả cho game thủ, một phần lỗi lớn ở đây cũng nằm từ phía nhà phát hành. Kỹ thuật bảo mật game chưa tốt, chăm sóc khách hàng chưa đảm bảo, khuyến cáo/ xử lý các tài khoản gian lận cũng chưa triệt để khiến nhiều kẻ tận dụng các sơ hở này để trục lợi. Thiết nghĩ, để hạn chế các trò gian lận này thì nhà sản xuất và kinh doanh game cần đẩy mạnh việc giáo dục ý thức chơi game lành mạnh, công bằng cho cộng đồng.
Hãy ý thức game chỉ đơn thuần là món giải trí, thoả mãn tinh thần và theo thời gian nó cũng sẽ bị thay thế bởi một thứ khác. Thứ đọng lại và người chơi mang theo suốt đời đó chính là phong thái, tinh thần và một hình ảnh game thủ lành mạnh, khoẻ khoắn, fairplay trong cộng đồng.