Sử dụng ô tô thời gian dài, nhiều người có thể sẽ nhận thấy các dấu hiệu nấm mốc, bốc mùi khó chịu bên trong xe. Nấm mốc phát triển bên trong xe đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đa phần chúng sẽ gây nguy hiểm cho sức khoẻ, gây ra các bệnh liên quan tới da và đường hô hấp.

Các chuyên gia về lĩnh vực vệ sinh ô tô tại BigWantYourCar đã có nhiều lời khuyên, chia sẻ về thói quen đơn giản giúp nội thất ô tô tránh bị ẩm mốc, như sau:

Giữ vệ sinh chung trên xe

Đây có vẻ là một điều đơn giản nhưng nó yêu cầu cơ bản nhất trong việc giúp không gian khoang nội thất sạch sẽ, tránh nấm mốc phát triển. Darren Miller - một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô cho biết việc bảo dưỡng nội thất thường xuyên, hút bụi và làm sạch bề mặt các loại vật liệu như nỉ, vải và da sẽ giúp hạn chế nấm mốc phát triển.

Đặc biệt với những khu vực có khí hậu ẩm ướt hoặc trong mùa mưa, các vi khuẩn nấm mốc phát triển rất nhanh. Người dùng xe ô tô cần phải vệ sinh nội thất thường xuyên hơn.

Tránh vương vãi đồ ăn, nước uống trên xe

Đa phần người sử dụng xe ô tô thường có thói quen ăn, uống ngay trên xe, đó có thể chỉ là những loại đồ ăn vặt nhưng vụn đồ ăn rất dễ vương vãi khắp các ngóc ngách trong xe. Việc vệ sinh, xử lý những mảnh vụn đồ ăn là tương đối khó khăn, đây cũng là nơi phát triển hoàn hảo của các loại vi khuẩn.

anh-2-1.jpeg
Thức ăn thấm vào bề mặt ghế (Ảnh: VinFast VN)

Hơn nữa, việc uống nước trên xe cũng khó tránh khỏi bị đổ nếu không cẩn thận. Darren Miller cho rằng "các chất hữu cơ và chất lỏng tạo điều kiện lý tưởng cho nấm mốc phát triển". Khi làm đổ đồ ăn, nước uống bên trong xe, nên lập tức dọn dẹp ngay, tránh để lâu.

Ngoài ra, nhiều người còn có thói quen ăn các thực phẩm có mùi ngay trong xe. Việc ăn các loại thực phẩm này dễ khiến mùi "ám" vào máy lạnh và dàn gió, gây mùi khó chịu bên trong xe. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến không gian trong xe có mùi hôi, dễ gây say xe.

Điều hoà không khí giúp tránh ẩm mốc

Với nhiều người dùng ô tô, hệ thống điều hoà không khí đơn giản chỉ để làm mát hoặc sưởi ấm không gian trong xe. Tuy nhiên, hệ thống điều hoà không khí còn rất quan trọng và hữu ích trong việc ngăn ngừa phát triển nấm mốc. 

anh 1.jpeg
Vô-lăng Chevrolet Cruze bị mốc meo do (Ảnh do kỹ sư Lê Hồng Đại cung cấp)

Điều hoà không khí trên ô tô sẽ giúp loại bỏ độ ẩm không cần thiết, giảm nguy cơ nấm mốc. Trường hợp khi nhiệt độ giảm, độ ẩm tăng cao, hệ thống sưởi với nhiệt độ cao sẽ dung hoà, giúp bên trong xe khô thoáng hơn.

Nhiều người dùng vẫn có thói quen tắt điều hoà, mở cửa sổ để lấy gió trời. Tuy nhiên, việc này cũng sẽ khiến không gian nội thất bên trong nhanh dơ hơn bởi bụi bẩn ngoài không khí, bụi sẽ len lỏi vào các góc nhỏ trong xe. Không những thế, thói quen này một phần tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.

Vệ sinh phía dưới kính chắn gió trước

Khu vực kính chắn gió phía trước thường ít được người sử dụng xe ô tô chú ý, một phần vì nó nằm bên ngoài xe nên bị đánh giá thấp trong việc giảm nấm mốc bên trong xe. 

anh 3.jpeg
Lá khô gây tắc nghẽn khu vực thoát nước kính chắn gió trước (Ảnh: The Sun)

Ở dưới kính chắn gió trước có các lỗ thoát nước khi rửa kính, khu vực này dễ bị tắc nghén do lá cây và các mảnh vụn nhỏ. Điều này khiến nước dễ ứa đọng tại đây và xâm nhập vào hệ thống điều hoà không khí. Nếu không được giải quyết, nấm mốc sẽ phát triển và ảnh hưởng tới hệ thống điều hoà, khiến luồng không khí làm mát bên trong xe có mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng tới sức khoẻ hô hấp của người ngồi trong xe.

Dấu hiệu xe có nấm mốc phát triển

Thông thường chúng ta rất dễ nhận ra nếu xe có nấm mốc phát triển. Một số dấu hiệu dễ nhận biết là bên trong khoang nội thất có mùi mốc dai dẳng, khó chịu. Ngoài ra, tại các vị trí bọc vải, nỉ, da lộn và thậm chí là da xuất hiện các đốm mốc màu trắng, xanh hoặc xám. Đôi khi, các đốm mốc nằm dưới bề mặt ghế khiến chúng ta khó phát hiện nhưng nếu xuất hiện các triệu chứng dị ứng về da khó bớt, người dùng nên kiểm tra kỹ các vị trí ghế ngồi xem có nấm mốc hay không.

The The Sun

Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!