Thay thế hoàn toàn hay sử dụng có kiểm soát amiăng trắng vẫn còn là bài toán với các nhà khoa học, người làm kinh tế cũng như cơ quan quản lý.
Sự phát triển của ngành công nghiệp amiăng
Ngành công nghiệp tấm lợp phibro xi măng đã phát triển với quy mô 39 nhà máy với tổng doanh thu 1.800 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 5.000 người lao động với thu nhập ổn định.
Trong suốt mấy chục năm qua, ngành này đã sản xuất hàng tỷ mét vuông tấm lợp và đáp ứng 40-42% nhu cầu tiêu thụ tấm lợp trong nước. Đặc biệt, loại tấm này có độ bền và tuổi thọ cao từ 30-50 năm, trong khi giá lại rẻ hơn rất nhiều so với các loại tấm lợp khác. Cụ thể, tấm phibro xi măng chỉ bằng 1/3 tấm tôn mạ màu loại dày 0.4mm và thấp hơn 40-50% tấm dùng vật liệu thay thế.
Tấm lợp phibro xi măng là vật liệu xây dựng được sử dụng nhiều ở vùng sâu, vùng xa, ven biển, vùng ngập mặn. Đặc biệt tại các vùng ven biển và ngập mặn, khi mà các tấm tôn, tấm mạ kẽm chỉ có thể tồn tại trong một thời gian ngắn do tính chịu kiềm kém, tấm phibro xi măng vẫn là lựa chọn cho bà con.
Ở Việt Nam, amiăng trắng còn được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp ứng dụng như sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu chống ma sát; sản xuất phân lân nung chảy, làm phân NPK, nồi hơi, đóng và sửa chữa tàu thuỷ, các sản phẩm cho quân đội, an ninh quốc phòng…
Năm 2015, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện một nghiên cứu nhằm đánh giá về “Tác động của việc cấm amiăng trắng tại Việt Nam - Trường hợp tấm lợp phibro xi măng”.
Theo đó, nếu các doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ sợi PVA thì tổng chi phí lên tới 359 tỷ đồng. Trong quá trình chuyển đổi, giả định chỉ 10% công nhân bị cắt giảm và phải mất thời gian 6 tháng để những người này ổn định việc làm, số tiền lương mất đi sẽ lên đến 15,7 tỷ.
Để tháo dỡ và thay thế hàng tỷ mét vuông tấm lợp phibro xi măng đang được sử dụng, tổng số tiền mà Chính phủ phải chi sẽ là 454,5 nghìn tỷ đồng và người tiêu dùng sẽ phải chi trả 183,5 nghìn tỷ đổng cho chi phí tăng lên do sử dụng tấm sợi PVA (loại vật liệu ít tốn kém nhất để thay thế hiện nay) giai đoạn 2021-2030.
Khó khăn của doanh nghiệp và người lao động
Trước những thông tin về việc amiăng trắng gây ung thư đã tác động đến thị trường tiêu thụ tấm lợp fibro xi măng. Hoạt động sản xuất của không ít doanh nghiệp bị đình đốn do hàng hoá làm ra không thể bán được. Nhiều nhà máy phải cho dừng hàng hoạt các dây chuyển sản xuất hoặc duy trì vài ba ngày mỗi tháng.
Ông Nguyễn Đức Sử - Trưởng phòng Hành chính Công ty CP tấm lợp Thuận Cường cho biết, “Chúng tôi có hai dây chuyền sản xuất, thường xuyên chỉ chạy được 1 dây trên 129 lao động, có những giai đoạn phải dừng cả 2 dây chuyền. Người lao động 1 tháng chỉ đạt được 15, 16 công, tình trạng này kéo dài nhiều tháng thì rất ảnh hưởng đên đời sống của công nhân”.
Còn ông Nguyễn Văn Thoại - công nhân Công ty CP tấm lợp Thuận Cường chia sẻ: “Trước đây, thu nhập của vợ chồng con cái cũng thoải mái sinh hoạt nhưng năm vừa rồi con trai tôi chỉ được 1.5 triệu đến 2 triệu mỗi tháng, nếu mà công ty không bán được hàng cũng thiệt hại nhiều đến kinh tế gia đình. Chúng tôi có đi công ty khác người ta cũng không nhận vì tuổi lớn quá rồi. Hiện nay, cứ 2 tháng 1 lần tôi lại đi lên bệnh viện ở Hà Nội kiểm tra nhưng cũng không thấy có vấn đề gì”.
Cùng chung mối lo với ông Thoại, ông Phạm Văn Tường - công nhân Công ty CP tấm lợp Thuận Cường cũng bày tỏ nhiều lo âu nếu công việc dừng lại thì phải đi tìm việc mới. Nhưng việc mới thì rất nhiều khó khăn.
Thanh Loan