“Muốn thực hành khoa học không nhất thiết phải đến trường hay vào trong phòng lab. Khoa học có mặt ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta. Ai cũng có thể làm thí nghiệm khoa học cả”, bà Jayshree Seth, một nhà khoa học của công ty 3M nói.
Có con trai đang theo học thạc sĩ ngành Khoa học máy tính, con gái học chuyên ngành Xã hội học, bà cho rằng những bước đi thuận lợi của các con là do nhiều yếu tố, nhưng hơn hết chính là có nền tảng từ khoa học.
“Từ nhỏ lũ trẻ đã yêu thích việc tìm tòi các thí nghiệm khoa học. Những điều đó đã dạy cho chúng kỹ năng mà bản thân có thể áp dụng vào các tình huống hàng ngày như kỹ năng giải quyết vấn đề, dám thử nghiệm, ra quyết định, biết đối mặt với thất bại, sự kiên trì và có quan điểm riêng. Những điều này đều vô cùng cần thiết cho những trải nghiệm bên ngoài phòng thí nghiệm. Các nguyên tắc khoa học chính là khuôn khổ để thay đổi cuộc sống”, bà Jayshree Seth nói.
Nhà khoa học này cũng đưa ra lời khuyên, các bậc phụ huynh có thể khuyến khích con cái mình yêu khoa học bắt đầu từ những nghiên cứu đơn giản tại nhà.
“Hãy xây dựng phòng thí nghiệm ngay tại nhà bếp hoặc nhà để xe. Những thí nghiệm khoa học thú vị như làm hiệu ứng pháo bông từ sữa và màu nước; làm cánh quạt quay bằng bút chì và con quay; thổi bong bóng bằng phản ứng hóa học,… sẽ trở thành các hoạt động “học mà chơi” của cha mẹ và các con”.
Trẻ có thể học được nhiều điều thông qua các thí nghiệm khoa học
Dưới đây là những thí nghiệm đơn giản sử dụng các vật liệu quen thuộc trong nhà mà mọi trẻ em từ 6 tuổi trở lên đều có thể làm được.
Thổi bóng bằng giấm
Trước tiên, trẻ có thể đổ giấm vào 1/4 chai nhựa; sau đó cho một muỗng canh baking soda vào trong quả bóng. Khi hoàn thành, hãy kéo căng miệng bóng bay vào miệng chai nước rồi lắc đều. Khi baking soda hòa tan vào giấm, phản ứng hóa học sẽ xảy ra. Khí CO2 được tạo ra lúc này tăng dần và thoát khỏi chai, khiến bóng tự thổi phồng.
Làm pháo bông từ sữa và màu nước
Trẻ có thể tự làm pháo bông tại nhà bằng cách sử dụng sữa, nước rửa bát và một số vật dụng khác trong nhà bếp mà không cần dùng đến lửa. Chỉ cần đổ sữa khoảng nửa bát và nhỏ 3 - 4 giọt màu vào. Sau đó, nhúng một đầu tăm bông vào nước rửa bát và nhúng đầu đó vào bát sữa có màu nước để xem điều kỳ diệu xảy ra.
Bóng bay không cháy
Thông thường, khi hơ quả bóng bay trên ngọn lửa, bóng sẽ lập tức nổ tung. Tuy nhiên, nếu cho nước vào trong, nước sẽ hấp thụ nhiệt tỏa ra từ ngọn nến, làm nguội vỏ bóng, khiến bóng không cháy.
Mực vô hình từ nước chanh
Trẻ có thể tạo “mật thư” bằng cách vắt chanh vào bát, cho thêm vào đó vài giọt nước và dùng thìa khuấy đều. Sau đó nhúng bông ngoáy tai vào hỗn hợp nước chanh và viết một mẩu tin nhắn lên tờ giấy trắng. Đợi nước chanh khô, lúc này mẩu tin nhắn sẽ hoàn toàn vô hình.
Muốn “mật thư” hiện ra, hãy hơ tờ giấy trên sức nóng của bóng đèn điện. Lúc này, những dòng chữ sẽ hiện ra dưới dạng màu nâu.
Tạo sự khuếch tán
Camille Schrier, một nhà khoa học và là đương kim Hoa hậu Mỹ, giải thích cách các chất di chuyển trong nước để tạo ra sự khuếch tán qua một thí nghiệm đầy màu sắc. Lấy hai ly nước, đổ một nửa lượng nước lạnh vào một ly và ly còn lại sẽ đựng một nửa lượng nước nóng. Sau đó, nhỏ từ 2 - 3 giọt màu thực phẩm vào mỗi ly để xem độ chuyển động khác nhau trong mỗi ly.
Thời Vũ (Theo Parents)
Những điều cha mẹ cần dạy con trước khi trẻ 10 tuổi
Tất cả những hành vi của trẻ phần lớn đều hình thành thông qua việc giáo dục. Đặc biệt giai đoạn trước tuổi lên 10, đây là thời điểm quan trọng ảnh hưởng lớn tới nhân cách của trẻ sau này.