Lao động tham gia BHXH từ 1/7/2025 bị hạn chế rút một lần
Theo Luật BHXH 2024, trước thời điểm 1/7/2025, chế độ BHXH một lần vẫn được thực hiện theo quy định hiện hành tại Luật BHXH 2014.
Người lao động tham gia BHXH sau 1/7/2025 trở đi sẽ bị hạn chế rút BHXH một lần. Cụ thể, theo quy định tại Điều 70 Luật BHXH 2024, điều kiện để được rút BHXH một lần như sau:
Đối với người lao động tham gia BHXH trước 1/7/2025
Người lao động đã nghỉ việc có đề nghị thì được rút BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH; ra nước ngoài để định cư; người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan, lao nặng, AIDS; người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, người khuyết tật đặc biệt nặng. Người thuộc các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Sau 12 tháng, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, cũng không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm.
Đối với người lao động tham gia BHXH từ 1/7/2025
Người lao động tham gia BHXH từ ngày 1/7/2025 chỉ được rút BHXH một lần trong một số trường hợp đặc biệt như: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH; ra nước ngoài để định cư; người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS; người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng; người phục viên, xuất ngũ, thôi việc không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, cũng không tham gia BHXH tự nguyện và không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Như vậy, trường hợp người lao động tham gia BHXH từ 1/7/2025 sau 12 tháng nghỉ việc, không tham gia BHXH và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì không được rút BHXH một lần.
Mức hưởng BHXH một lần từ 1/7/2025
Theo Luật BHXH 2024, mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH. Cứ mỗi năm được tính như sau: Bằng 1,5 lần của mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; bằng 2 lần của mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 lần của mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH đối với trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm.
Về mức hưởng và cách tính, Luật sửa đổi có nêu rõ quy định: Trường hợp thời gian đóng BHXH có cả trước và sau năm 2014 mà thời gian đóng trước năm 2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ năm 2014 trở đi để tính mức hưởng BHXH một lần.
Ngoài ra, nếu người lao động vừa đủ điều kiện hưởng lương hưu vừa đủ điều kiện hưởng BHXH một lần thì người lao động được quyền lựa chọn giữa việc hưởng lương hưu hoặc rút BHXH một lần.
Rút BHXH lợi trước mắt, hại lâu dài
Đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, việc nhận BHXH một lần được coi là "lợi trước mắt, hại lâu dài" bởi ngay khi hưởng BHXH một lần, toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của người lao động sẽ trở về con số 0. Các quyền lợi của người lao động được hưởng sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Các chuyên gia lao động - tiền lương cũng đánh giá, hầu như trong mọi trường hợp, việc hưởng BHXH một lần đều thiệt hơn so với bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay cả nước có hơn 595.000 người rút BHXH một lần, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023. Nhóm rút BHXH một lần chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 20 đến dưới 40 tuổi, chiếm 78%.
Nguyên nhân được cho là do những người lao động trẻ cho rằng nhu cầu trước mắt quan trọng hơn so với việc đóng BHXH đủ thời gian hưởng lương hưu. Ngoài ra, do mức lương làm việc tại doanh nghiệp chưa cao, đời sống còn khó khăn nên buộc phải rút BHXH một lần...