Diễn đàn Giáo dục Sáng tạo Education Exchange 2020 (E2VN) do Microsoft và Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Giáo dục Đào tạo) tổ chức, vừa vinh danh 64 thầy cô và 50 dự án sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin ấn tượng nhất. Trong đó, 3 giáo viên xuất sắc nhất đã giành được tấm vé dự E2 Global diễn ra tại Sydney (Australia) ngày 23/3-26/3.
Tấm vé đầu tiên được trao cho thầy Phạm Ngọc Đức (Học viện Quản lí Giáo dục) với dự án "Lớp học đám mây, lớp học kết nối" (http://msedu.edu.vn/san-pham-tham-gia-e2-vn/lop-hoc-tren-may-lop-hoc-ket-noi/) cùng bài giảng điện tử tương tác trên nền tảng Microsoft Sway, Office 365 và apps Wakelet, Padlet, Flipgrid, Weebly… giúp sinh viên kết nối tới lớp học 24/7, thảo luận trực tuyến, nộp bài điện tử, đánh giá kiến thức mọi lúc mọi nơi.
Tấm vé thứ hai thuộc về cô Nguyễn Ngọc Thiên Trinh (PTLC Wellspring, Hà Nội) với “Dự án Liên môn 10X Startup” (http://msedu.edu.vn/san-pham-tham-gia-e2-vn/du-an-10x-startup/). Dưới sự dẫn dắt của cô, nhóm học sinh lớp 10 đã tập khởi nghiệp như một doanh nghiệp thực thụ với hội đồng quản trị, phòng bán hàng, tiếp thị, sản xuất... Vận dụng Toán học về tỉ số phần trăm, các em biết dùng app lập kế hoạch, tính lỗ lãi cơ bản, tính hàng giảm giá, khảo sát hành vi ra quyết định... liên hệ tính thực tế môn học.
Trong khi đó, "Dự án hóa mỹ phẩm hữu cơ" (http://msedu.edu.vn/san-pham-tham-gia-e2-vn/du-an-hoa-my-pham-huu-co/) của cô Bùi Diệu Linh (THPT chuyên Hà Nội Amsterdam) dắt tay học sinh làm tinh dầu và xà phòng hữu cơ sau khi học về Este - Lipit. Các công cụ Forms, PowerPoint, Excel, OneDrive, Sway, Facebook, Canva đã hỗ trợ đắc lực cho lớp trao đổi, báo cáo, thống kê, đánh giá suốt dự án.
Với dự án "Loại bỏ ô nhiễm Trắng - Hành động của chúng ta" (http://msedu.edu.vn/san-pham-tham-gia-e2-vn/du-an-o-nhiem-trang-va-hanh-dong-cua-chung-ta/) , cô giáo Ngữ Văn Dương thị Thu Trang (iSchool Quảng Trị) đã vận dụng kiến thức liên môn và công nghệ thông tin đã giành giải ba E2VN. Dự án gây sức ảnh hưởng mạnh mẽ, thôi thúc học sinh nhiều trường thể hiện tiếng nói cá nhân, viết thư gửi ban giám hiệu, kêu gọi nhà trường không thả bóng bay trong lễ khai giảng để bảo vệ môi trường.
Đến với diễn đàn năm nay, cô giáo Võ Thị Trúc Mân (THCS Phan Chu Trinh, Đắk Nông) đã mang đến dự án “Let's be safe online” (http://msedu.edu.vn/san-pham-tham-gia-e2-vn/lets-be-safe-online/) liên môn nhắm vào các vấn đề xã hội nhức nhối. Dự án đã giúp học sinh nông thôn trưởng thành hơn khi sử dụng Internet, học kỹ năng cần thiết để không bị bắt nạt trên mạng xã hội, nhận diện trang tin không phù hợp, đối phó với kẻ săn mồi trực tuyến…
Người tiếp sức cho các em mê tin học ở xã Ea Kuêh, không ai khác chính là cô Hồ Thị Sen (Tiểu học Bế Văn Đàn, Cư M’gar, Đắk Lắk). Với dự án “Trao yêu thương, gặt kỹ năng” (http://msedu.edu.vn/san-pham-tham-gia-e2-vn/du-an-trao-yeu-thuong-gat-ki-nang/), trẻ em nẻo cao quê hương cô đã được “mổ xẻ” chiếc máy tính, học thiết kế thiệp mừng, vẽ tranh trên Paint, thuyết trình với PowerPoint, giải toán với Scratch, học tiếng Anh qua website bổ ích...
Tham gia E2VN 2020, Sở GDĐT Thái Nguyên góp mặt tới 229 sản phẩm giáo dục chất lượng. Trong đó phải kể đến dự án “Em yêu khoa học môi trường” (http://msedu.edu.vn/san-pham-tham-gia-e2-vn/em-yeu-khoa-hoc-moi-truong/) do thầy Ngô Văn Thiêm (THCS Chùa Hang II) và cô Nguyễn Thị Hương (THPT Trại Cau) dẫn dắt. Website do thầy cô thiết kế đáp ứng chính xác nhu cầu tự học, tự nghiên cứu, tự đánh giá của học sinh hiện nay thông qua tài khoản đăng ký.
Cô giáo Lê Thanh Tâm (lớp 3A4) và Vũ Thị Lệ (lớp 5A6) trường Ngôi Sao Hà Nội đã giành giải nhì với dự án “Để thêm yêu Hà Nội” (http://msedu.edu.vn/san-pham-tham-gia-e2-vn/de-them-yeu-ha-noi/). Trong 2 tháng, 66 học sinh được tiếp cận 10 công cụ công nghệ, đưa dự án lan tỏa đến 9 quốc gia và 11 lớp học vượt biên giới. Trẻ được trao quyền, đóng vai kiến trúc sư, họa sĩ, nhà nghiên cứu, nhà truyền thông, nhà văn trẻ... để tìm hiểu nguồn cội.
Đồng thời, bằng chất liệu dân gian, dưới sự hướng dẫn của cô Ngô Thị Tuyết Nhung (PTLC Vinschool Central Park, TP. HCM), nhiều học sinh lớp 2 còn biết làm phim hoạt hình bằng tò he. Thông qua việc chuyển thể những câu chuyện cổ tích, dự án “Xin chào! Chúng tớ là tò he” (http://msedu.edu.vn/san-pham-tham-gia-e2-vn/du-an-xin-chao-chung-to-la-to-he/) đã dạy trẻ liên môn Tiếng Việt; Giáo dục đạo đức; Mĩ thuật; Giáo dục kĩ năng thế kỉ 21…
Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, giáo dục đã thay đổi hoàn toàn vượt ra khỏi ranh giới sách giáo khoa và bốn bức tường lớp học, chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức (Knowledge based) sang giáo dục kỹ năng (Skill based). Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song mỗi nhà giáo đứng trên bục E2VN đều có chung nhiệt huyết là không ngừng tìm tòi phương pháp dạy mới mang lại giá trị cho học sinh.
Nguyễn Minh (tổng hợp)