Ngày 28/12/2023, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “30 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường” nhằm tạo diễn đàn để trao đổi, đánh giá, làm rõ những thành tựu, thách thức trong việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường trong 30 năm qua và từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị, giải pháp để góp phần nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Luật Bảo vệ môi trường lần đầu tiên được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ tư, thông qua ngày 27/12/1993, Chủ tịch nước công bố ngày 10/01/1994 bởi Lệnh số 29/L-CTN. Cho đến nay, Luật Bảo vệ môi trường đã được sửa đổi ba lần vào các năm 2005, 2014, 2020. Trải qua 30 năm xây dựng, ban hành, sửa đổi và thực thi, Luật Bảo vệ môi trường đã kịp thời góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân.

tin 3 hoi thao 30 nam luat bao ve moi truong.jpg

Cùng với sự phát triển không ngừng của đất nước, vấn đề môi trường diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, điều này ảnh hưởng tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng và chất lượng cuộc sống của con người, chi phối đến sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Trước thực trạng đó, việc xây dựng và thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam. 

Trong bối cảnh hiện trạng môi trường của đất nước và xu thế môi trường thế giới liên tục thay đổi, vấn đề nhìn nhận, đánh giá những thành tựu và thách thức về việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường trong 30 năm qua, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho tương lai là điều rất quan trọng và cần thiết.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 33 bài tham luận từ các tác giả là những nhà nghiên cứu, thực tiễn và quản lý nhà nước. Hội thảo gồm 2 phiên, với 6 tham luận về các vấn đề chung, cụ thể về “Phạm vi điều chỉnh của các luật bảo vệ môi trường từ năm 1993 đến nay”; “Đảm bảo thực hiện “nguyên tắc phát triển bền vững” trong pháp luật môi trường Việt Nam”; “Thực thi quy định bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành theo pháp luật bảo vệ môi trường”; “Xây dựng mô hình xã hội tái chế hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn theo pháp luật Nhật Bản và kinh nghiệm cho Việt Nam”; “Pháp luật về môi trường về chất thải rắn trong doanh nghiệp”; “Khung pháp lý về thị trường Các-bon Việt Nam – Hiện trạng và một số khuyến nghị hoàn thiện”…

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV