Theo đó:
Nhận thức đúng về bản chất của kinh tế tuần hoàn được thực hiện từ thiết kế đến triển khai, trong các ngành, lĩnh vực, đối với từng doanh nghiệp, người dân và các cấp quản lý, lãnh đạo để tạo ra một đồng thuận chung là thách thức lớn.
Kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế mô hình trong bối cảnh chúng ta là nước đang phát triển, phần lớn công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ.
Ảnh minh họa |
Chúng ta chưa có hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Thách thức này cần phải được khắc phục, nếu không việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cũng chỉ là tự phát và chịu sự điều chỉnh của động lực thị trường.
Chúng ta chưa có bộ tiêu chí để nhận diện, đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của kinh tế tuần hoàn. Đây là thách thức lớn để biết được sự phát triển kinh tế hiện nay đã tiếp cận tới phát triển kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực và địa phương ở mức độ nào.
Kinh tế tuần hoàn là đỉnh cao của cách tiếp cận hướng đến phát thải bằng không, đòi hỏi một sự phối hợp chia sẻ thực sự gắn với lợi ích kinh tế, do vậy việc sử dụng động lực kinh tế, cơ chế thị trường để gắn kết các bên liên quan nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn là thách thức lớn.
Để thực hiện kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi giải quyết được từ khâu thiết kế đến khâu cuối cùng tái sử dụng, tái chế chất thải. Hiện nay những chuyên gia này chưa được đào tạo và chưa có chuyên ngành đào tạo.
Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự phân loại, làm sạch chất thải trước khi đưa vào tái sử dụng, tái chế, đây là thách thức không nhỏ đối với thực tiễn vận hành của kinh tế Việt Nam và ý thức phân loại chất thải tại nguồn của người dân.
Hồng Liên