Hôm 12/10, 400 linh mục, tu sĩ và giáo dân đã tụ hội trong một sự kiện được tổ chức 5 năm một lần: Đại hội đại biểu Người công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VII.

Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội nhằm tôn vinh những người công giáo tiêu biểu với những việc làm cụ thể, thiết thực, đang từng ngày, từng giờ đóng góp dựng xây quê hương, đất nước. 

Nhân dịp này, TƯ Hội LHPN Việt Nam cũng có buổi "Gặp mặt, khen thưởng, giao lưu với đại biểu nữ tu, nữ giáo dân là đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2023 - 2028".

Phát biểu tại buổi gặp, bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bày tỏ trân trọng những đóng góp của các nữ tu, nữ giáo dân với các hoạt động dấn thân, bác ái tại các vùng khó khăn, hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội; đồng thời đã nêu cao trách nhiệm công dân, đóng góp không nhỏ và thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua, Cuộc vận động do TƯ Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và của Hội LHPN Việt Nam phát động.

Tại buổi gặp, các nữ tu, nữ giáo dân cùng chia sẻ các hoạt động thiện nguyện, cứu độ đến mọi người, đặc biệt những người già yếu, mồ côi, bệnh tật và nghèo khó, góp phần xây dựng cuộc sống an sinh, an lành; đồng thời cũng bày tỏ các mối quan tâm chung như đề cao vai trò giáo dục gia đình Công giáo cho con trẻ; xây dựng cho giới trẻ hôm nay một niềm tin yêu, một nhân cách sống "tốt đời, đẹp đạo"….

Phunuconggiao.png
Ảnh minh hoạ

Nhân dịp này, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã khen thưởng 1 tập thể và 6 cá nhân nữ Công giáo tiêu biểu đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua giai đoạn 2018-2023; cùng với đó trao tặng quà cho 65 đại biểu (trong đó có 27 nữ tu, 38 nữ giáo dân) dự buổi gặp mặt.

Điển hình như Tu viện Margarita - Dòng Mẹ Thăm Viếng Sa Châu, giáo phận Bùi Chu (xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), hiện có gần 200 nữ tu, có 11 cộng đoàn) có châm ngôn sống "Hãy làm mọi sự vì đức ái"; Tu viện Margarita có nhiều thành tích trong các hoạt động an sinh xã hội, tích cực thăm viếng và xây dựng nhà tình thương… Nơi đây đang nuôi dưỡng 42 người già cả, mồ côi, đau yếu, tàn tật, bại liệt, nghèo khó, không phân biệt tôn giáo.

Nữ tu Đặng Thị Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, từ 2010-2016 tham gia mở 2 lớp mẫu giáo nuôi dạy các trẻ ở làng phong Tumơrông (Kon Tum); mở Nhà Lưu trú chăm sóc cho khoảng 100 trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn; Từ 2016 đến nay: Phụ trách Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân (Đắk Lăk) giúp cho gần 200 trẻ được giáo dục đặc biệt, giáo dục để hòa nhập…

Nữ tu Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Cà Mau, Phó hiệu trưởng Trường Mẫu giáo tư thục Phường 6 TP Cà Mau, tích cực trong các hoạt động quản lý khối chuyên môn, chăm sóc giáo dục tốt 490 học sinh của 12 lớp. Có các biện pháp đổi mới trong công tác quản lý lớp và giảng dạy; đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; Tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng chính trị, chuyên môn do Phòng giáo dục Thành phố tổ chức; Năm 2022-2023 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…

Những nữ tu ở Bình Dương với trái tim nhân hậu, không chỉ tự nguyện phục vụ những mảnh đời bất hạnh tại bệnh viện Phong Bến Sắn mà còn giúp vốn để các bệnh  nhân có việc làm, giúp họ vui sống, hòa nhập với cộng đồng, giúp con em bệnh nhân trong học tập và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí... Là mái ấm tình thương của các nữ tu thuộc Tỉnh Dòng thánh Phaolô Đà Nẵng- một cơ sở xã hội thường xuyên chăm sóc khoảng 30 người già yếu, có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa; Là Trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật-mồ côi Nhân Ái ở thành phố Cà Mau trong suốt 10 năm qua đã nâng đỡ hơn 420 mảnh đời côi cút ...  

Và còn nhiều và nhiều tấm gương khác của các nữ tu công giáo, nữ giáo dân đang âm thầm tỏa hương, lặng lẽ đóng góp cho đời với tinh thần “kính chúa-yêu nước”. “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc  đồng bào” – đường hướng đó của người công giáo luôn được tiếp nối và lan tỏa. 

Ngọc Diệp và nhóm PV, BTV