Ngành sản xuất ô tô Nhật Bản bị "bóng đêm" gian lận an toàn bao phủ 

Sau bê bối về sai phạm trong kiểm tra an toàn của Daihatsu được phát hiện vào cuối năm 2023, Bộ Giao thông, Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Du lịch Nhật Bản đã yêu cầu các nhà sản xuất ô tô và xe máy trong nước điều tra lại các hoạt động của họ từ năm 2014. Kết quả điều tra trong năm 2024 cho thấy bốn nhà sản xuất ô tô là Toyota, Mazda, Honda, Suzuki và hãng xe máy Yamaha đều có những bất thường trong hồ sơ kiểm định kiểu loại các sản phẩm.

be boi gian lan an toan cac hang xe Nhat Ban.jpg
Ông Akio Toyoda, Chủ tịch Tập đoàn Toyota, cúi người xin lỗi vì bê bối gian lận của hãng tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Getty Images

Tất cả đều đã thừa nhận có hành vi gian dối, đồng thời phải tạm dừng sản xuất, xuất xưởng và bán các mẫu xe liên quan. Theo Nikkei Asia, sự góp mặt của "người khổng lồ" Toyota trong danh sách các hãng xe liên quan đến vụ bê bối gian lận an toàn đã làm xói mòn danh tiếng về chất lượng, vốn là yếu tố hàng đầu của lĩnh vực sản xuất quan trọng của Nhật Bản.

Điều này cũng đã khiến giá cổ phiếu của Toyota giảm hơn 5,4%, mất đi khoảng 2,45 nghìn tỷ yên Nhật (tương đương 15,62 tỷ USD) giá trị thị trường. Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khác cũng lao đao không kém. Sau đó, các hãng xe đều đã phải gửi lời xin lỗi đến toàn bộ khách hàng và những bên liên quan vì những hành vi gian lận nói trên.

Mỹ áp thuế nhập khẩu 100% đối với xe điện Trung Quốc

Giữa tháng 9 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức tăng gấp bốn lần mức thuế nhập khẩu xe điện Trung Quốc vào nước này, từ 25% lên 100% và có hiệu lực từ ngày 27/9. Mục đích của chính sách này nhằm ngăn chặn Trung Quốc tạo ra những tiêu cực tới việc làm của người lao động Mỹ, đồng thời cũng là để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô nước này.

thue nhap khau xe dien.jpg
Chính phủ Mỹ áp thuế nhập khẩu 100% với xe điện Trung Quốc nhằm bảo hộ ngành công nghiệp nước này. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, các nhà kinh tế lại cho rằng việc áp mức thuế cao đối với xe điện Trung Quốc có thể là một biện pháp tồi để bảo hộ ngành sản xuất ô tô trong nước khi Trung Quốc cũng có thể thực hiện điều này để trả đũa, gây tổn hại đến người lao động Mỹ. Mặt khác, hai thứ quan trọng nhất mà thị trường xe điện Mỹ lại đang là cơ sở hạ tầng sạc xe điện và những mẫu xe ở phân khúc giá phổ thông.

Hãng xe điện số 1 của Mỹ là Tesla lại chưa có mẫu xe nào có giá bán dưới 30.000 USD. Trong khi, công ty AutoForecast Solutions của Mỹ cho biết mẫu xe điện rẻ nhất của BYD hiện chỉ có giá 12.000 USD, nên ngay cả khi phải chịu thuế 100%, BYD vẫn có thể cung cấp được xe điện rẻ nhất thị trường, dưới 25.000 USD. Bộ Thương mại khẳng định thuế quan sẽ không giải quyết được các vấn đề về khả năng cạnh tranh công nghiệp của Mỹ, mà chỉ gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Làn sóng đóng cửa nhà máy của các hãng xe và nhà cung ứng ở châu Âu

Trong những tháng cuối năm 2024, hàng loạt các nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu đã đưa ra thông báo về việc đóng cửa nhà máy và sa thải hàng loạt nhân sự. Điều này xuất phát từ các nguyên nhân như sức mua xe yếu, chi phí sản xuất cao, sức cạnh tranh mạnh mẽ từ các hãng xe Trung Quốc và sự khó khăn trong quá trình chuyển đổi sang xe điện.

dong cua nha may.jpg
Một nhà máy sản xuất xe Volkswagen tại Đức. Ảnh: The Times

Tập đoàn ô tô Volkswagen mới đây đã phải cắt giảm 35.000 việc làm và giảm 25% sản lượng tại Đức, đồng thời họ cũng cho biết nhà máy Audi tại Bỉ sẽ ngừng sản xuất vào 28/2 năm sau khi không thể tìm ra phương án thay thế nào khác. Trước đó, Stellantis (tập đoàn sở hữu Peugeot, Fiat, Ram, Maserati, Jeep...) thông báo đóng cửa nhà máy sản xuất xe của thương hiệu con Vauxhall tại Anh, khiến hơn 1.000 người có nguy cơ mất việc làm.

Hãng xe Ford của Mỹ  cho biết họ sẽ cắt giảm 4.000 việc làm tại Đức và Anh, chiếm 14% lực lượng lao động của hãng tại châu Âu. Còn hãng sản xuất xe tải lớn nhất thế giới Daimler Truck đã thông báo cắt giảm giờ làm và ngừng tuyển dụng nhân sự tại Đức do nhu cầu giảm mạnh tại thị trường châu Âu.

Những điều chỉnh của các nhà sản xuất ô tô tại châu Âu cũng đã tác động tiêu cực đến hàng loạt các nhà phụ trợ. Đơn cử, nhà sản xuất lốp xe Michelin đã phải đóng của 2 nhà máy ở Pháp khiến khoảng 1.250 người mất việc. Nhà cung cấp linh kiện ô tô Feintool của Thụy Sĩ thông báo sẽ đóng cửa nhà máy tại Đức và cắt giảm 200 việc làm. Công ty sản xuất máy móc và phụ tùng ô tô Schaeffler của Đức sẽ sa thải 4.700 nhân viên và sẽ đóng cửa các cơ sở tại Áo và Anh.

Hợp nhất các "ông lớn" ô tô Nhật Bản

Ngày 23/12/2024, Honda và Nissan đã ký bản ghi nhớ về việc đàm phán việc hợp nhất kinh doanh giữa hai công ty thông qua việc thành lập một công ty điều hành chung. Cả Mitsubishi, thương hiệu mà Nissan đang nắm giữ 24% cổ phần khả năng cũng được sáp nhập vào công ty mẹ này. Dự kiến liên minh Honda, Nissan và Mitsubishi sẽ được thành lập vào tháng 8/2026 nếu cuộc đàm phán diễn ra suôn sẻ.

honda nissan mitsubishi alliance.jpeg
Liên minh Nissan, Honda và Mitsubishi sẽ có giá trị 58 tỷ USD sau khi sáp nhập. Ảnh: EVPedia

Việc hợp nhất 3 "ông lớn ô tô Nhật Bản nói trên không chỉ mang đến cho Nissan và Honda cơ hội chia sẻ nguồn lực trước sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ mới nổi khác, mà còn là một bước ngoặt lịch sử đối với ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản. Đồng thời, sự kiện nổi bật này sẽ là thương vụ sáp nhập lớn nhất trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu kể từ khi Fiat Chrysler và PSA sáp nhập vào năm 2021 để tạo ra Stellantis.

Khi đó, liên minh Nissan, Honda và Mitsubishi sẽ có giá trị 58 tỷ USD, với tổng doanh số dự kiến hơn 8 triệu xe mỗi năm, trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Toyota (11,2 triệu xe vào năm 2023) và Volkswagen (9,2 triệu xe). 

Do vậy, sự hợp nhất này được kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích mạnh mẽ để tăng sự nhận diện và tính cạnh tranh của ô tô Nhật Bản trong tương lai, đặc biệt là mảng xe điện khi họ đang tỏ ra khá tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh như Tesla của Mỹ và BYD của Trung Quốc.

Doanh số xe điện toàn cầu liên tiếp đạt kỷ lục

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Rho Motionoanh, doanh số bán xe điện chạy pin (BEV) và xe hybrid sạc điện (PHEV) trên toàn cầu đã đạt 1,83 triệu xe trong tháng 11/2024, tăng trưởng tháng thứ 7 liên tiếp với mức tăng 32,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp ghi nhận mức tăng cao kỷ lục. 

doanh so xe dien trung quoc.jpg
Xe điện do BYD sản xuất chờ xuất khẩu tại cảng Tô Châu, Trung Quốc. Ảnh: New York Times

Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu khi đạt 1,27 triệu xe, chiếm gần 70% tổng doanh số bán xe điện toàn cầu trong tháng. Doanh số xe điện tại Mỹ và Canada đạt 170.000 xe, tăng trưởng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn doanh số bán xe tại châu Âu là 280.000 xe, dù giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn tăng trưởng 7,7% so với tháng 10 trước đó. 

Giám đốc phụ trách mảng dữ liệu Charles Lester của Rho Motion nói: "Doanh số bán hàng sẽ tiếp tục tăng bất chấp nhiều tâm lý tiêu cực trên thị trường". Các chuyên gia khác cũng dự đoán, những kỷ lục về doanh số bán xe điện có thể được tiếp diễn trong tháng cuối cùng của năm 2024 khi các hãng xe đẩy mạnh kích cầu bán hàng.

Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!