Bê bối dữ liệu Cambridge Analytica của Facebook
Tổng Giám đốc Facebook Mark Zuckerberg tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. Ảnh: Getty Images |
Tháng 6/2014, nhà nghiên cứu Aleksandr Kogan của Đại học Cambridge phát triển ứng dụng trắc nghiệm tính cách con người trên Facebook. Khoảng 270.000 người cài đặt ứng dụng này. Tuy nhiên, Kogan đã tiếp cận dữ liệu của không chỉ người cài đặt mà còn từ bạn bè của họ. Ứng dụng lưu thông tin trong cơ sở dữ liệu mà không xóa đi. Sau đó, Kogan cung cấp cơ sở dữ liệu chứa thông tin của 87 triệu người dùng Facebook cho một công ty tư vấn chính trị có tên Cambridge Analytica.
Cambridge Analytica lại có quan hệ mật thiết với các cố vấn và người ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Mỹ 2016 lúc bấy giờ là ông Donald Trump. Công ty này sử dụng dữ liệu có được để lập “đồ họa tâm lý” của cử tri và làm quảng cáo mục tiêu hướng đến họ nhằm ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Trump. Bê bối chấn động khiến Cambridge Analytica phải đóng cửa, trong khi Facebook bị chỉ trích khắp thế giới, bị phạt tại Anh và bị các nhà chức trách khắp thế giới tăng cường giám sát. Uy tín của Mark Zuckerberg giảm đi không ít, nhiều người kêu gọi anh từ chức Tổng Giám đốc. Chính phủ các nước liên tiếp đòi Zuckerberg phải ra điều trần.
Google nhận án phạt kỷ lục 5 tỷ USD vì Android
Google nhận án phạt kỷ lục 5 tỷ USD tại EU vì lạm dụng Android. Ảnh: BI Graphics |
Tháng 7/2018, Google nhận án phạt 5 tỷ USD vì dùng sự phổ biến của hệ điều hành Android để buộc các nhà sản xuất điện thoại phải cài trước ứng dụng Google trên thiết bị của họ. Khoản phạt là kết quả của cuộc điều tra kéo dài 3 năm của cơ quan quản lý chống độc quyền châu Âu. Ủy viên châu Âu phụ trách cạnh tranh Margrethe Vestager khẳng định: “Google đã sử dụng Android như một công cụ để đổ bê tông cho thế độc quyền của công cụ Google tìm kiếm. Hành vi này đã dập tắt mọi cơ hội nghiên cứu và đột phá cũng như cạnh tranh một cách lành mạnh của các đối thủ”.
Elon Musk mất chức Chủ tịch Tesla vì “vạ miệng”
Elon Musk mất chức Chủ tịch Tesla “vạ miệng”. Ảnh: Reuters |
Elon Musk vẫn được xem là “thiên tài nổi loạn” của làng công nghệ thế giới. Trong năm 2018, sáng lập viên hãng xe điện Tesla tự tạo ra không ít sóng gió. Ông hoạt động khá mạnh mẽ trên mạng xã hội, tích cực chia sẻ trên Twitter và cũng bị “vạ miệng” vì thói quen này. Cụ thể, tháng 7/2018, đội bóng “Lợn rừng” của Thái Lan bị mắc kẹt trong hang động, nhiều nỗ lực giải cứu được huy động. Elon Musk đề nghị đưa tàu ngầm của Tesla tham gia nhưng không được đồng ý. Tỷ phú này đã gọi một thợ lặn chê bai ý tưởng của mình là kẻ “ấu dâm”. Sau khi bị phản ứng, Musk phải lên tiếng xin lỗi người này.
Tháng 8/2018, ông lại viết lên Twitter: “Đang cân nhắc biến Tesla thành công ty tư nhân với mức 420 USD/cổ phiếu. Đã tìm được nguồn đầu tư”. Ngay sau đó, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ đã kiện Musk vì đưa ra phát ngôn “sai sự thật và gây nhầm lẫn”, với lí do rất có thể Musk tung tin chỉ nhằm mục đích gây ấn tượng với bạn gái. Ngay lập tức, Musk phải trả SEC 20 triệu USD tiền phạt và từ chức Chủ tịch Tesla.
Facebook bị tấn công, 50 triệu người dùng bị ảnh hưởng
Người dùng kêu gọi xóa Facebook sau hàng loạt bê bối dữ liệu. Ảnh: Shutterstock |
Tháng 9/2018, Facebook công bố thông báo bảo mật nêu chi tiết việc hệ thống của công ty đã bị xâm phạm. Nhóm kỹ sư của mạng xã hội phát hiện lỗ hổng ảnh hưởng đến gần 50 triệu tài khoản. Theo điều tra ban đầu, kẻ tấn công đã khai thác lỗi của tính năng “View As” (xem với tư cách) trên Facebook. Nó cho phép tin tặc đánh cắp các token đăng nhập Facebook để chiếm quyền tài khoản của người khác. Các token đăng nhập này tương tự với các khóa điện tử, là một tài sản vô cùng quan trọng.
Facebook đã vá lỗ hổng và thông báo cho nhà chức trách. Ngoài 50 triệu tài khoản bị ảnh hưởng, Facebook còn thực hiện các biện pháp đề phòng cho 40 triệu tài khoản khác. Điều đó đồng nghĩa khoảng 90 triệu người dùng Facebook đã bị đăng xuất và phải đăng nhập lại. Các ứng dụng sử dụng Facebook cũng bị đăng xuất. Tuy nhiên, người dùng không phải đổi mật khẩu. Tính năng “View As” bị đóng từ đó tới nay.
Google quyết định đóng cửa Google+
Tháng 9/2018, Thời báo Phố Wall đăng tải bài báo tiết lộ Google dính lỗ hổng bảo mật từ tháng 3/2018 làm lộ thông tin của khoảng 500.000 người dùng Google+, mạng xã hội đối thủ của Facebook. Không lâu sau bài báo, Google thông báo sẽ sớm đóng cửa Google+.
Đến tháng 12/2018, Google tiếp tục phát hiện lỗ hổng mới có khả năng ảnh hưởng đến 52,5 triệu người dùng. Do đó, Google+ bị “khai tử” sớm hơn dự kiến 4 tháng, tức là vào tháng 4/2019 thay vì tháng 8/2019.
Phê duyệt chuẩn mạng 5G độc lập đầu tiên
Tháng 7/2018, Tổ chức chuẩn hóa quốc tế trong lĩnh vực viễn thông (3GPP) họp bàn cùng hơn 600 đại diện từ các nhà mạng, nhà sản xuất thiết bị, nhà cung cấp chip và nhà cung cấp dịch vụ Internet. Các bên đã chính thức phát hành chuẩn R15, chuẩn đầu tiên cho mạng không dây thế hệ tiếp theo - 5G New Radio. Đây là bước tiến quan trọng để 5G trở thành hiện thực trong thời gian tới. Tiêu chuẩn R15 tập trung vào các nhu cầu thương mại cho băng rộng di động nâng cao (eMBB) và có thể cung cấp tốc độ tối đa 10 Gbps ở băng thông 100 MHz, và 20 Gbps ở băng thông 200 MHz.
Tại thời điểm hiện tại, cuộc đua 5G đang diễn ra căng thẳng giữa hai siêu cường thế giới là Trung Quốc và Mỹ. Riêng tại Việt Nam, trong phát biểu tại tọa đàm chuyên đề “Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông” được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức ngày 14/11/2018, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “5G là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng trên thế giới. Bộ TT&TT chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019 và đến năm 2020, khi thế giới bắt đầu triển khai 5G thì Việt Nam sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G”.
Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu
Năm 2018 khép lại với sự kiện chấn động làng công nghệ thế giới khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính Huawei, “ái nữ” của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, vào ngày 1/12 theo yêu cầu của Mỹ do nghi ngờ Huawei vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Vụ việc càng làm cho bức tranh 2018 của hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc trở nên ảm đạm. Theo Reuters, hôm 9/12, bà Mạnh đã được tại ngoại sau khi nộp 10 triệu CAD (đô la Canada) tiền bảo lãnh và phải chịu giám sát 24/24.
Năm 2018 cũng là năm đen đủi của Huawei, khi đầu năm thì “hỏng ăn” thương vụ bán điện thoại với nhà mạng AT&T của Mỹ; bị cấm cung ứng cho lõi mạng 5G đồng thời loại bỏ các công nghệ đang có ra khỏi trái tim của mạng 4G trong vòng 2 năm tại Anh. Giữa năm 2018, Úc cũng cấm Huawei tham gia cung ứng thiết bị 5G cho mạng không dây. Trong khi Mỹ vẫn tiếp tục thuyết phục các nước đồng minh cấm dùng thiết bị Huawei khỏi mạng Internet và không dây. Dù vậy, Huawei khẳng định vẫn dẫn đầu thế giới về 5G và cảnh báo Mỹ không thể thắng cuộc chiến 5G nếu thiếu họ. Ngoài ra, công ty cũng vừa thông báo lập kỷ lục bán 200 triệu smartphone trong năm 2018, vững vàng ở ngôi vị nhà sản xuất di động lớn thứ 2 toàn cầu sau Samsung.