Không ít bệnh nhân ung thư (UT) bị rơi vào tình trạng sụt cân nghiêm trọng, thậm chí suy dinh dưỡng vì những suy nghĩ sai lầm trong chế độ ăn uống. Điều này không chỉ làm tăng nặng tình trạng bệnh mà còn cản trở quá trình điều trị.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở bệnh nhân UT dao động từ 30 lên đến 80%, tỷ lệ này tăng ở giai đoạn trễ và ở các loại UT tiêu hóa, đặc biệt là tụy, phổi. Do vậy khi nhập viện, người bệnh sẽ được kiểm tra về cân nặng và chế độ ăn uống. Nếu bệnh nhân suy dinh dưỡng, bác sĩ sẽ tư vấn một kế hoạch bồi dưỡng để nâng sức khỏe cho người bệnh.

{keywords} 

Theo bác sĩ Trần Thị Anh Tường, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng phù hợp một mặt sẽ giúp giảm đến 50% biến chứng nhiễm trùng khi phẫu thuật, rút ngắn thời gian nằm viện; mặt khác giúp người bệnh có đủ sức khỏe để đáp ứng tốt quá trình điều trị hóa - xạ tiếp theo.

Cách nhận biết suy dinh dưỡng

Việc xác định người bệnh có suy dinh dưỡng hay không được dựa trên cân nặng, chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể, được tính bằng cách lấy trọng lượng (tính bằng kg) chia bình phương chiều cao (tính bằng mét) và tình trạng chán ăn. Nếu chỉ số BMI ở mức dưới 18,5, sụt cân từ 5% trở lên trong vòng một tháng (ví dụ từ 50kg xuống còn 45kg/tháng); liên tục 7-10 ngày chỉ ăn được khoảng 50% so với mức thông thường thì người bệnh đã rơi vào mức suy dinh dưỡng.

Vitamin và khoáng chất

Người bệnh thường có thói quen ăn theo sở thích, chỉ một vài loại nhất định. Thế nhưng, cách tốt nhất, mỗi ngày bệnh nhân UT nên ăn khoảng 300-500gr trái cây với đa dạng các loại, đa dạng màu sắc; đa dạng cách chế biến (sinh tố, nước ép, tươi, khô) để ăn được nhiều và không cảm thấy chán. Bệnh nhân đang trong thời gian hóa-xạ trị cần tránh ăn trái cây chua, để bổ sung chất C nên thay thế bằng rau màu xanh đậm; riêng trong giai đoạn hóa trị nên ăn trái cây đã gọt vỏ để tránh nhiễm khuẩn.

{keywords} 

Các loại rau củ sẽ cung cấp nhiều vitamin, chất chống oxy hóa, chống lão hóa. Vì vậy, cần ăn nhiều chủng loại khác nhau và đa dạng màu sắc. Mỗi ngày nên ăn khoảng 300gr rau củ. Rau củ có màu sắc đậm tốt hơn vì có nhiều vitamin hơn, tuy nhiên không vì vậy mà bỏ qua những loại có màu sắc nhạt hơn.

Thịt đỏ - thịt trắng

Khá nhiều bệnh nhân có tâm lý cắt thịt đỏ ra khỏi thực đơn. Thịt đỏ có ảnh hưởng đến sự phát triển của tế bào UT bởi nó có chứa một số chất cần thiết cho sự phát triển của loại tế bào này. Tuy nhiên, nếu không ăn thịt đỏ, tế bào UT vẫn phát triển vì nó sẽ lấy những chất có sẵn trong cơ thể con người. Nếu không ăn thịt đỏ, cơ thể sẽ thiếu chất nhưng bướu vẫn phát triển.

Vì vậy, không ăn thịt đỏ hoàn toàn là sai. Lưu ý, cũng không nên ăn nhiều thịt đỏ, quan trọng là liều lượng vừa đủ. Chỉ nên ăn khoảng 300gr thịt đỏ mỗi tuần, điều này cũng đúng cả với những người bình thường. Thịt đỏ là nhóm thịt gồm bò, dê, bê, đà điểu…, thịt heo không nằm trong nhóm thịt đỏ.

{keywords}

Ảnh. Shutterstock

Bệnh nhân UT nên ưu tiên ăn các loại cá, đặc biệt là cá biển sâu, tốt hơn cả là cá hồi, cá thu vì có nhiều omega 3. Trung bình mỗi ngày nên ăn khoảng 300gr thịt, cá. Các loại đậu cung cấp nhiều chất đạm, nhiều chất xơ tan rất tốt cho ruột đồng thời còn giúp hấp thu đường dễ hơn. Vì vậy, nên kết hợp đạm động vật và thực vật theo tỷ lệ 50/50 là tốt nhất.

Tuy nhiên, bác sĩ Trần Thị Anh Tường cũng lưu ý thêm, trong thịt đỏ có hàm lượng chất sắt cao hơn hẳn (gấp đôi) so với cá, thịt trắng. Đây là chất rất cần thiết cho bệnh nhân UT. Trong quá trình điều trị, vì bị thay đổi vị giác nên thông thường bệnh nhân UT không thích ăn thịt. Để đảm bảo cơ thể có đủ lượng sắt, người bệnh nên ăn gấp đôi lượng cá, hoặc bổ sung thêm từ gan, huyết, sữa, các loại rau màu xanh đậm (như cải bẹ xanh, rau ngót, rau muống…). Lưu ý, chất sắt trong động vật dễ hấp thu hơn trong thực vật. Nếu lo ngại huyết không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì có thể chọn gan, pate gan hoặc sò huyết.

Các kiểu chế biến thực phẩm không ảnh hưởng đến bệnh nhân UT nhưng tác động đến các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Nếu nấu quá chín thì các loại acid amin, nguyên tố vi lượng trong thực phẩm sẽ bị mất đi.

Nên và không nên

Bệnh nhân UT thường không muốn bồi dưỡng vì sợ tế bào UT phát triển và cũng không chịu khó ăn nhiều lần trong ngày. Nếu ăn nhiều trong một lần sẽ gây nên tình trạng khó tiêu, mệt mỏi và lại dẫn đến chán ăn. Vì vậy, cách tốt nhất là nên chia thành sáu-tám bữa ăn trong ngày - bác sĩ Trần Thị Anh Tường cảnh báo.

Người bệnh cũng chưa biết cách chọn thức ăn giàu năng lượng, nghĩa là ăn ít nhưng bổ nhiều, chẳng hạn một ly sữa đậu nành chỉ bằng 2/3 ly sữa tươi, 1/2 ly sữa bột. Nhiều người chỉ chọn uống sữa đậu nành do lo ngại uống sữa tươi, sữa bột không hợp. Người bệnh cần phải uống thử sữa tươi, sữa bột, tập dần dần từng ít một, từ sữa chua, phô mai đến sữa bò; chỉ ngưng và chuyển loại khác khi cơ thể thực sự không có men tiêu hóa sữa bò với những triệu chứng khó tiêu, ọc ạch hoặc tiêu chảy.

{keywords} 

Nếu cơ thể không thể tiêu hóa sữa bò thì nên uống sữa đậu nành thay cho nước; nếu có điều kiện kinh tế có thể uống thêm sữa mầm gạo, sữa dê. Tránh lạm dụng men tiêu hóa vì sẽ làm tăng khuẩn đường ruột, khuẩn theo vào máu gây nhiễm khuẩn. Chán ăn là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân UT nên càng cần phải trân trọng mỗi lần ăn và cân nhắc chọn lựa thực phẩm kỹ lưỡng.

Nên uống nước dừa, nước trái cây thay cho nước lọc khi cảm thấy nhạt miệng vì vừa đủ nước cho cơ thể, vừa bổ sung thêm vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tranh thủ ăn, uống khi có thể. Thực phẩm nên chọn lựa là các loại hạt, sữa, phô mai…

(Theo Phunuonline)