Theo Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong tương đối cao (từ 5 đến 10%) nếu không được điều trị kịp thời.
Biến chứng nặng nhất của bệnh là viêm cơ tim dẫn tới ngừng tim và tử vong. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp biến chứng thần kinh, gây liệt cục bộ các dây thần kinh như thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác…
Bệnh bạch hầu có thể phòng được bằng tiêm vắc xin đủ liều và đúng lịch. Tuy nhiên, bác sĩ Hưng cho biết, một số gia đình do lo ngại tác dụng phụ của vắc xin nên không đưa con đi tiêm chủng. Đó là sai lầm rất lớn khiến cho dịch bệnh bạch hầu có nguy cơ bùng phát.
Ông Hưng nhấn mạnh, thông thường, tất cả các loại vắc xin đều có tỷ lệ biến chứng rất nhỏ. Bởi vậy, người dân không nên vì vậy mà sợ hãi, có ý định “chống vắc xin”.
“Vắc xin là biện pháp quan trọng nhất bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ mắc bệnh. Ngoài bạch hầu, trẻ còn có thể mắc nhiều bệnh nguy hiểm khác nếu không được tiêm chủng đúng và đủ”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Việc đưa trẻ đi tiêm chủng đúng và đủ là biện pháp quan trọng phòng bệnh bạch hầu và nhiều bệnh nguy hiểm khác |
Hiện nay, có nhiều chủng loại vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho từng lứa tuổi (dưới 2 tuổi, dưới 10 tuổi và dưới 64 tuổi). Trẻ em dưới 2 tuổi cần tiêm đủ và đúng lịch theo quy định của Bộ Y tế trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Sau đó, trẻ cần được tiêm nhắc lại để đảm bảo đủ kháng thể phòng bệnh.
Một sai lầm khác mà nhiều người thường gặp phải là quan niệm tiêm chủng vắc xin phòng bạch hầu chỉ cần thiết cho trẻ nhỏ. Trên thực tế, người trưởng thành cũng cần tiêm nhắc lại mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Dù bạn đã được tiêm phòng trước đó, các kháng thể vẫn giảm đi theo thời gian.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Phòng Tiêm chủng vắc xin, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện rất hiếm trường hợp người trưởng thành, nhất là thanh niên biết và chủ động đi tiêm phòng bạch hầu. Những người đã tiêm chủng hầu hết là các trường hợp được tư vấn khi tới tiêm phòng những bệnh khác.
Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương |
Bác sĩ Hưng cũng cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dù mức độ lây lan không nhanh như dịch Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm thiểu tối đa các biến chứng nếu bệnh nhân được điều trị kịp thời.
Để phân biệt bệnh bạch hầu với một số bệnh viêm họng cấp khác, người dân có thể dựa vào một số dấu hiệu. Thứ nhất, do đây là bệnh nhiễm trùng nên người bệnh có sốt (tuy nhiên sốt không cao). Ngoài ra, người bệnh cũng có những dấu hiệu của nhiễm độc như da xanh tái, người rất mệt mỏi, nếu là trẻ em sẽ biếng ăn, quấy khóc.
Đặc biệt, giả mạc trong họng ở bệnh nhân mắc bạch hầu có màu xám, rất dai, khó dùng dụng cụ để bóc tách, thường gây chảy máu nếu cố lấy giả mạc. Với những bệnh viêm họng khác, giả mạc thường là giả mạc mủ, màu trắng, rất dễ lấy ra.
Người mắc bạch hầu cũng thường có biểu hiện của bệnh đường hô hấp như ho lớn, khan tiếng, khó thở. Theo Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Trần Duy Hưng, khi có các dấu hiệu trên, bệnh nhân cần được đưa ngay tới cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị kịp thời.
Nguyễn Liên
Bộ Y tế thông tin về tình hình dịch bệnh bạch hầu ở Đăk Nông
Đến nay, các ổ dịch đã ổn định, huyện Krông Nô đã qua 16 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới và huyện Đắk Glong đã qua 4 ngày không ghi nhận thêm trường hợp dương tính với bạch hầu.