Có tiệm đã xuất hiện từ những năm 50, có tiệm thì tồn tại hơn 30 năm... nhưng điểm chung là đều rất ngon và sở hữu những câu chuyện thú vị.
Chắc hẳn, đối với những ai sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn cũng từng có cho mình một quán ăn nào đó gắn liền từ khi còn bé thơ tận đến khi đã trưởng thành. Dù bao nhiêu năm đã trôi qua, dù phố phường đã ngập tràn những quán ăn mới sành điệu hơn, hợp thời hơn... nhưng mùi vị, sự thân quen của những quán ăn lâu đời luôn là thứ giữ chúng ta ở lại.
Quán ăn lâu đời Sài Gòn, như chính Sài Gòn vậy, luôn thú vị, vững vàng qua bao đổi thay. Hãy cùng dạo 1 vòng quanh Sài Gòn, để đến với những câu chuyện của những quán ăn gần như là lâu đời nhất ở đây nhé!
1. Canh bún cô Bích Nghĩa Phát (những năm 60 của thế kỷ trước)
Người dân ở khu vực chợ Nghĩa Hoà, đường Nghĩa Phát (Tân Bình) chẳng ai còn lạ gì sự xuất hiện đều đặn của chiếc xe nhỏ bán canh bún trước số nhà 28. Theo lời cô Bích, cô đã theo phụ mẹ bán từ hồi còn nhỏ xíu xiu, sau này lớn lại đứng ra tiếp tục kinh doanh hàng canh bún gia truyền.
Nằm yên bình trong một hẻm chợ nhỏ, khách ở đây chủ yếu cũng toàn khách quen và người dân quanh đó. Ấy vậy mà không khi nào ngơi khách, hai nồi canh bún chỉ khoảng 3 tiếng là hết veo. Hàng canh bún tồn tại suốt hai thế hệ thì những người ăn cũng từng ấy thế hệ mà lớn lên, có người ăn từ thời còn trẻ, rồi sau đó vẫn tiếp tục dẫn con, cháu ghé ủng hộ cô mỗi khi vội bữa trưa.
Canh bún là một món ăn giản đơn từ miền Bắc, gần giống với bún riêu nhưng cọng bún to hơn, ăn kèm bánh đa mềm, riêu cua đồng, chả và thật nhiều rau muống. Toàn những nguyên liệu dân dã là thế, ăn một lần có thể thấy bình thường thôi nhưng lâu không ăn liền thấy nhớ.
Cứ thế, hương vị ấn tượng ấy cứ theo chân cả hai ba thế hệ lớn lên. Cứ thế, cái chất thanh đạm của ẩm thực Bắc vẫn tồn tại cả nửa thế kỉ giữa thị thành phương Nam sôi động.
2. Chè tàu cột điện (những năm 70)
Nếu nhắc tới những món ăn lâu đời nhất nhì Sài Thành, chè tàu cột điện dứt khoát không thể nằm ngoài danh sách ấy. Giữa con đường Trần Hưng Đạo sầm uất với số nhà đều tăm tắp, bỗng giữa 2 căn nhà số 476 và 478 lại xuất hiện một quán chè người Hoa lạ lùng.
Cái lạ thứ nhất ở đây là địa chỉ, chẳng ai biết chính xác địa chỉ hay tên quán, vì nó nằm giữa 2 căn nhà số liền kế nhau, lâu dần mọi người gọi quen là chè tàu Cột Điện hay chè Nhà Đèn, thế là chết tên. Cái lạ thứ hai là menu, toàn những món chỉ cần nghe qua là thấy... sai sai như hột gà chưng, cao quy linh, hoài sơn bạch quả..., vậy mà ăn ngon hết xảy.
Chè tàu Cột Điện đã có mặt ở đất Sài Gòn này những 70 năm và vẫn chưa khi nào ngơi khách. Đến đây thực khách như lạc vào ngày xưa với những bức tường xanh hay xe chè đậm màu Trung Hoa, những bộ bàn ghế nho nhỏ càng tô điểm thêm cho nơi đây nét xưa cũ, cả menu, cả màu men chén bát.
Có lẽ chính không gian hay ho lọt thỏm giữa Sài Gòn hiện đại, sầm uất mà chẳng cần bất cứ vách ngăn hay bàn tay trang trí nào nhúng vào cũng góp phần nhiều vào việc lôi kéo thực khách trở lại đây ăn chè nhiều năm đến như thế.
3. Nước mía Sương Nguyệt Ánh (những năm 50, 60)
Đây chính là địa điểm hẹn hò của cả một thế hệ sinh ra và lớn lên những năm 50, 60, và cho tới tận bây giờ người ta vẫn thường bắt gặp những gương mặt trung niên ghé lại đây nhâm nhi ly nước mía, cuốn bò bía hay dĩa há cảo.
Sở hữu 2 mặt tiền đường đắt giá ở Q1 với diện tích mặt bằng khá rộng, những tưởng quán nước mía này sẽ sớm nhường chỗ cho những cửa hàng hiện đại, long lanh hơn, nhưng không.
Nước mía Sương Nguyệt Anh dù đã rất lâu đời, nhưng vẫn kiên quyết khoác trên mình màu áo xưa của một thời cũ kỹ. Từ bàn ghế tới cách bày trí đơn sơ, nơi đây chẳng cần gồng mình lên để thu hút thực khách, chỉ cần tồn tại yên bình như thế cũng đã đủ khiến cho nhiều thế hệ gắn bó theo cùng rồi.
Đồ ăn ở đây xét ra thì khá đơn giản, chỉ gồm vài món tiêu biểu, nước mía, há cảo, gỏi cuốn, bò bía...Hữu xạ tự nhiên hương, đôi khi chỉ cần giản đơn thế thôi đã đủ để đôi bên nhâm nhi hàn thuyên, chuyện trò và xích lại gần nhau hơn.
4. Kem nhãn chú Tám (hơn 30 năm )
Mỗi lần ghé ăn kem nhãn là tôi lại phải nhìn trước ngó sau không lại bỏ lỡ quán hay đi nhầm sang hàng khác. Kem nhãn chú Tám nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng khúc gần giáp ranh với đường Võ Thị Sáu, vì chịu sự cạnh tranh của hàng bên cạnh nên kem nhãn chú Tám phải cắt cử nhân viên chịu trách nhiệm đứng vẫy xe thực khách từ ngay đầu đường.
Không gian quán đơn giản, sạch sẽ, cả món kem nhãn ở đây cũng giản đơn hết mực, chỉ gồm kem, trái nhãn và vài hạt đậu phộng trang trí. Nhưng đã ăn một lần là bạn sẽ hiểu vì sao kem nhãn ở đây lại nổi tiếng tới vậy. Phần kem dẻo, mịn, ngọt ngào lại thoảng hương nhãn, hợp vị tuyệt đối với sự bùi béo của đậu phộng. Kem thì ít thôi, nhưng mùi vị của nó đã cùng bao nhiêu lớp học trò lớn lên.
Được biết món kem nhãn này đã gắn bó cùng gia đình chú Tám đã gần 30 năm, từ lúc đi bán dạo trước cổng trường tới khi có hàng quán đàng hoàng. Chú kể bọn học trò ngày xưa vẫn thường gọi thân quen món kem nhãn là kem bố già, nhiều gương mặt lớn lên, đi làm, có con vẫn ghé tìm lại món ăn vặt của một thời cắp sách tới trường.
5. Gỏi bò trường Nguyễn Thị Diệu (31 năm)
Bọn học trò Nguyễn Thị Diệu chắc đã quen mặt với ông chú già vui tính bán gỏi bò trước cổng. Ăn vặt lê la cũng nhiều, nhưng hiếm khi thấy ở đâu người bán lại thân thiện đến vậy. Khách tới mua gỏi bò cũng được chú coi như con cháu trong nhà, một tiếng gọi mày, hai tiếng xưng tao sang sảng hỏi thăm đủ điều. Bộc trực vậy đó, nhưng lại ấm màu tình cảm đặc trưng của người miền Nam.
Hỏi chú bán lâu chưa, ổng cứ tưng tửng trả lời bảo chưa lâu. Hỏi chưa lâu là bao lâu rồi thì cười hề hề "Mới 31 cái tết chứ mấy mà lâu gì mậy?".
Nhìn chú cặm cụi lau chùi từng chút cái cơ ngơi làm việc đã tuy sờn cũ nhưng rất sạch sẽ của mình, chén dĩa dơ sắp riêng để đem về nhà rửa chứ nhất định không nhúng nhúng mấy cái đại khái như người ta mới thấy không phải cứ ăn trong quán là sạch, còn ăn lề đường lại dơ, đồ ăn ngon dở, sạch dơ là do cái tâm của người bán mà ra cả. 1 phần gỏi bò ở đây có giá 18k, thịt dày đầy ăm ắp, đôi khi còn được chú khuyến mãi thêm món lạ ăn kèm như gân bò rất ngon nữa nha.
6. Chè Đinh Tiên Hoàng (hơn 40 năm)
Xe chè ngay góc đường Đinh Tiên Hoàng dù nắng hay mưa vẫn nhỏ nhắn đặt ngay ngắn tại vị trí đó, với lủng lẳng đầy những bịch chè ú nu đầy màu sắc. Tới hỏi thăm cô chú, cô chú bảo bán chè đã hơn 40 năm rồi, bán tại Đinh Tiên Hoàng thì mới hơn 25 năm thôi. Cô bán đủ loại chè nóng, chè đá từ chè đậu đen, đậu trắng, chè thưng, chè trôi, sâm bổ lượng... tới cả bánh chuối nóng.
Đi ngang xe chè của cô hàng trăm lần rồi nhưng mãi hôm nay tôi mới có dịp ngồi lại thưởng thức và trò chuyện cùng cô, chỉ khoảng 15-20 phút ngắn ngủi mà lượt ghé ra vô xe chè vẫn luôn luôn đều đặn. Chè ở đây quả thực rất bùi miệng, vị ngọt đường vừa phải quyện cùng cái bùi của các loại đậu, cái béo của nước dừa quả thực không chê vào đâu được.
Nếu có dịp ghé ngang góc đường 18 Đinh Tiên Hoàng, đừng quên thưởng thức món quà vặt dân dã này nhé.
7. Phở chùa Khuông Việt (gần 60 năm)
Cứ tối khuya đi ngang chùa Khuông Việt (Phạm Văn Hai, Tân Bình) là lại thấy hình ảnh xe phở nghi ngút khói bên cạnh một ông lão tóc bạc phơ đang cặm cụi bán hàng. Một lần ghé lại mới biết xe phở và ông đã gắn bó ở nơi này được tận gần 60 năm.
Ngạc nhiên hơn nữa là ông đã 76 tuổi mà vẫn khoẻ mạnh, hồng hào, lại còn rất vui tính, chỉ duy có mái tóc bạc phơ là tố cáo tuổi thật của ông mà thôi. Vừa bưng bát phở nóng hổi cho khách ông vừa hỏi han xem có ai bị cao huyết áp không, rồi tặng luôn bài thuốc nam mà theo ông đã cứu sống đời ông, giúp ông khoẻ mạnh đến tận bây giờ.
Xe phở của ông cũng chẳng to, nằm khiêm tốn bên góc chùa, cũng chỉ có vài chiếc bàn nhỏ kê theo cho thực khách ăn khuya nhưng chẳng bao giờ trống bàn. Phở mềm thịt, hương vị lại đậm đà cùng ông chủ vô cùng đáng mến thế kia thì ai lại nỡ không ghé lại lần hai, lần ba và nhiều lần sau nữa chứ.
(Theo Tri thức trẻ)