Những quán ăn bao năm vẫn giữ công thức, cách trang trí... đã có từ trước ngày giải phóng Sài Gòn hàng chục năm trời. Nhiều thực khách cao niên nhìn thấy tuổi thơ của mình ở đó.
Những quán ăn bao năm vẫn giữ công thức, cách trang trí... đã có từ trước ngày giải phóng Sài Gòn hàng chục năm trời. Nhiều thực khách cao niên nhìn thấy tuổi thơ của mình ở đó.
Miến phở Kỳ Đồng
Từ một xe hủ tiếu gà ven đường phát triển lên, quán phở miến gà Kỳ Đồng (quận 3) giờ đây là địa chỉ thu hút hàng nghìn lượt khách Tây, ta bởi hương vị gà ta dai ngon và màu da gà vàng bắt mắt.
Các loại gia vị hòa quyện tạo nên những món ăn trứ danh Sài thành gần 50 năm qua.
Chè Hiển Khánh
Tiệm chè Hiển Khánh ra đời vào năm 1959 bởi hai đồng sở hữu là ông Trần Nghệ và ông Nguyễn Quý Quyền. Về sau, hai ông giao tiệm lại cho chị Nguyễn Thị Nguyệt Minh (con ông Quyền) tiếp quản.
Thạch chè Hiển Khánh mở tiệm đầu tiên vào năm 1959 ở Đa Kao, gần rạp Cầu Bông. Khách của quán chủ yếu là người đi chợ.
Sau 1 thời gian, do quán cũ quá chật nên ông Quyền mở thêm một tiệm nữa ở đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) từ năm 1965 và duy trì đến bây giờ. Tiệm Hiển Khánh ở Đa Kao thì không còn nữa.
Khách của quán có thêm nhiều học sinh của trường Gia Long, Petrus Ký đến ăn không chỉ vì chè mà còn vì những câu đối do ông chủ tiệm sáng tác treo trên tường, học sinh đối chỉnh thì được tặng chè, tặng bánh.
Đây không những là nơi tụ hội của những người mê chè mà còn là nơi của nhưng tâm hồn yêu thơ gặp nhau.
Cháo tiều Cô Út
Trong vô vàn những món cháo tụ hội ở Sài Gòn, tô cháo Tiều do một gia đình người Hoa gốc Triều Châu mang đến Sài Gòn những năm 1940 luôn được đánh giá là thú vị.
Theo người kế nghiệp quán cháo, món ăn này do ông cố truyền lại cho cha khi còn ở Triều Châu, rồi cha chị sang Việt Nam mở bán tính ra đến nay đã được hơn 70 năm.
Bí quyết là khi nấu cháo chỉ để nở khoảng 80% rồi hâm nồi cháo cho nóng, lúc khách gọi mới nấu riêng từng tô. Chính nhờ cách nấu riêng này đã mang đến một hương vị rất đặc trưng cho tô cháo, tạo nên sự hòa quyện đến khó tin của những tim, phèo, gan, cật, mực, thịt bằm... cùng với trứng gà ta và những gia vị ăn kèm.
Mì cật Sài Gòn
Hơn 60 năm qua, quán hủ tiếu mì thập cẩm, hay còn có tên gọi khác là "hủ tiếu mì cật", nằm ngay số nhà 64 Trương Định (phường Bến Thành, quận 1) vẫn luôn tấp nập khách ra vào mỗi ngày.
Phở Dậu
Ông Uông Văn Bình, hơn 70 tuổi, người con trai nối nghiệp bán phở bà Dậu từ hơn ba chục năm nay cho biết, mẹ ông mở quán phở ở Sài Gòn từ năm 1958, sau khi di cư từ quê hương Nam Định vào đây.
Nam Định là một trong những nơi có nhiều người có nghề nấu phở. Theo tư liệu của các gia đình hành nghề phở ở Vân Cù, khoảng năm 1925, ông Vạn là người Nam Định đầu tiên trong làng ra Hà Nội mở quán ở phố hàng Hành. Ông Bình cho biết, cách nấu phở bây giờ vẫn giữ nguyên công thức như xưa của bà Dậu, đó là chỉ dùng xương ống bò để nấu phở.
Những quán phở gốc Bắc có mặt ở Sài Gòn ngay sau 1954 còn tồn tại đến ngày nay không nhiều: phở Cao Vân, phở Dậu, phở Tàu Bay, phở Minh… Mỗi quán đều có thực khách trung thành riêng của mình. Đó là những di sản rất quý giá, góp phần cho tổng thế quyến rũ của ẩm thực Sài Gòn.