Đề nghị khắc phục 2.500 tỷ đồng thay bị cáo Nguyễn Thái Luyện
Mới đây, tại phiên tòa phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ở Công ty CP địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm thực hiện, HĐXX cho biết, quá trình giải quyết vụ án, ông Lê Viết An có đơn đề nghị thay bị cáo Luyện và Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) khắc phục toàn bộ 2.500 tỷ đồng tiền thiệt hại. Đổi lại, quyền sở hữu bất động sản của Alibaba đang bị kê biên trong vụ án sẽ được chuyển cho ông Lê Viết An.
HĐXX đã mời ông Lê Viết An đến làm việc và giải thích, nếu ông An có thiện chí giúp đỡ và muốn khắc phục hậu quả thay bị cáo Luyện thì tòa sẽ ra thông báo để ông An đến cơ quan thi hành án nộp tiền, đồng thời xem đây là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
HĐXX hỏi bị cáo Luyện về khả năng ông An nộp tiền khắc phục hậu quả thay mình, bị cáo cho biết, do đang bị tạm giam nên chưa thể liên lạc với ông An để trao đổi.
"Nếu ông An hoặc bất kỳ cá nhân nào đồng ý khắc phục thay cho bị cáo thì chúng tôi cam kết làm thông báo cho Cục Thi hành án dân sự TP.HCM", Chủ tọa phiên tòa nói.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Luyện có trách nhiệm bồi thường 2.500 tỷ đồng, đồng thời kê biên khoảng 5 triệu m2 đất.
Nộp 10 tỷ đồng thay bị cáo Nguyễn Đức Chung
Chiều 20/6/2022, tại phiên xét xử cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước sông hồ, cũng xuất hiện trường hợp nộp 10 tỷ đồng khắc phục hậu quả thay ông Chung.
Tại tòa, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, trong vụ án này, nếu các cơ quan tố tụng kết luận có thiệt hại, bị cáo sẽ liên hệ với gia đình yêu cầu nộp tiền khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, HĐXX cấp phúc thẩm cho biết, chị gái của bị cáo Chung đã nộp 10 tỷ đồng thay em trai để khắc phục hậu quả. Việc này xuất phát từ tình cảm gia đình.
Sau khi nghe Chủ tọa công bố số tiền chị gái nộp thay, bị cáo Chung vội lên tiếng đề nghị tòa cho phép được gặp chị gái để xác nhận lại số tiền đó là chị cho hay là cho vay. “Tôi phải được nghe chính chị gái ruột của tôi nói”, bị cáo Chung trình bày.
Cựu chủ tịch Nguyễn Đức Chung được tòa phúc thẩm giảm từ 8 năm xuống 5 năm tù do Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tại vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C. Chiều 22/6/22, sau hai ngày xét xử và nghị án, TAND Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận một phần đơn kháng cáo kêu oan của ông Chung và ra mức án như trên.
Người bạn cho vay 32 tỷ đồng để khắc phục hậu quả
Tại phiên tòa xét xử vụ án OceanBank ngày 2/5/2018, nhiều người bất ngờ khi luật sư của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc OceanBank tiết lộ thông tin một doanh nhân sẵn sàng cho vay 32 tỷ đồng để cứu bị cáo Sơn khỏi án tử hình về hành vi tham ô 49 tỷ đồng.
Cụ thể, luật sư này cho biết, gia đình bị cáo Nguyễn Xuân Sơn sẽ tự lo 5 tỷ đồng, một doanh nhân là người bạn của bị cáo Sơn sẽ cho vay 32 tỷ đồng, vừa đủ để nộp khắc phục hậu quả nhằm giúp bị cáo khỏi mức án tử hình.
Thời điểm đó, bà Võ Thị Thanh Xuân (vợ của bị cáo Sơn) cho biết, ngoài doanh nhân trên còn có một số người bạn khác của chồng sẵn sàng góp tiền để hỗ trợ gia đình khắc phục hậu quả.
Nói về những "người lạ" chi hàng chục tỷ đồng khắc phục sai phạm cho các bị cáo nêu trên, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm cho biết: "Việc những người thân, bạn bè dùng tiền thay các bị cáo khắc phục thiệt hại là điều tốt".
Ngoài ra, luật sư Trương Anh Tú cũng nêu quan điểm: “Trong vụ án của Vũ Thái Luyên, việc có người bỏ 2.500 tỷ đồng khắc phục thay, ý để mua lại dự án, việc này hơi khó với cơ quan thi hành án".
Theo ông Tú, đây là tài sản đang bị kê biên, tức là phải kết thúc phiên tòa phúc thẩm rồi, thi hành án thì mới được tham gia đấu giá.
Vì thế, nếu trường hợp "người lạ" nộp tiền khắc phục thay mà không có yếu tố ràng buộc thì mọi việc đơn giản. Ngược lại, nếu nộp tiền khắc phục thay và đưa ra yêu cầu mua lại các dự án của Vũ Thái Luyện đã bị kê biên, đây là tình tiết đặc biệt, rất khó xử lý.