Gần như tối nào 2 con của chị Ma Hyun-Joo cũng túm tụm vào chiếc điện thoại để gọi video với bố chúng. Họ trò chuyện với nhau những chuyện xảy ra hằng ngày.  

Đó là thói quen mà họ vẫn duy trì gần 3 năm nay, là cách để họ giữ liên lạc thường xuyên với người trụ cột của gia đình nhưng lại sống cách xa họ hơn 10.000km ở đất nước Hàn Quốc xa xôi.

{keywords}

Chị Ma Hyun-Joo và 2 con chuyển từ Hàn Quốc tới Montreal (Canada) cách đây 2 năm, trong khi chồng chị vẫn sống ở Hàn Quốc. Những gia đình này được gọi bằng khái niệm "gia đình ngỗng".

Chị Ma chia sẻ, bọn trẻ đã quen với cuộc sống ở Montreal nhưng chúng vẫn nhớ bố.

“Con trai tôi thích chơi đùa với bố. Con gái tôi thì nhớ những cái ôm của anh ấy. Khi còn ở Hàn Quốc, tôi hay cằn nhằn con bé và con bé lại đi tìm bố để được an ủi. Con bé nhớ điều ấy”.

Chị Ma cho rằng 2 đứa con của cô thật may mắn khi được bố sang thăm 2 lần/ năm. Gia đình họ cũng đang chờ ngày được đoàn tụ. Chị biết nhiều gia đình Hàn Quốc khác đã không được gặp nhau nhiều năm trời.

Sự sắp xếp này - khi các bà mẹ đưa con sang một quốc gia phương Tây, còn người bố vẫn ở quê nhà chu cấp tài chính - đang rất phổ biến ở Hàn Quốc. Những ông bố ở quê nhà được gọi bằng một “biệt danh” đặc biệt: bố ngỗng cô đơn.

Sở dĩ họ phải chọn cách sống như vậy là để con cái được đi học ở phương Tây - nơi mà việc học tập ít căng thẳng hơn ở Hàn Quốc. Và bọn trẻ được hấp thụ tiếng Anh một cách tự nhiên.

“Tôi đã suy nghĩ về việc học tập của con, nhưng tôi cũng muốn thử sống ở một quốc gia khác” - chị Ma nói.

Đó là một hành trình với bà mẹ 2 con. Chị phải học tiếng Pháp và kiếm việc làm trong khi vẫn một mình chăm sóc các con.

Những bữa cơm một mình

{keywords}
Ông Kim Jong-Min sống như một "bố ngỗng" trong khoảng 2 năm trước khi đoàn tụ với gia đình ở Canada.

Tại Montreal, các gia đình “ngỗng” chiếm hơn ¼ số hộ gia đình người Canada gốc Hàn.

Ông Kim Jong-Min, tổng quản lý một tổ chức cộng đồng cho biết, ông đã quá quen với việc đó.

Trước kia, ông Kim cũng là một “bố ngỗng cô đơn” trong vòng 2 năm, khi vợ và 2 con trai chuyển tới Montreal.

Ban đầu, ông không cảm thấy tệ lắm. “Tôi cảm giác giống như tôi có thể làm bất cứ việc gì tôi muốn, giống như cảm giác tôi được tự do”.

Nhưng sau 6 tháng, nỗi cô đơn bắt đầu ập đến.

Những ngày cuối tuần, nỗi cô đơn được cảm nhận rõ rệt hơn. Bạn không có ai để nói chuyện và bạn phải ăn cơm một mình.

Khi còn trẻ, ông Kim muốn đi du học nhưng ước mơ không thành hiện thực. Ông thề với mình rằng nếu các con muốn trải nghiệm, ông sẽ tìm cách để đưa chúng đi.

Thời điểm con muốn đi du học, ông đang sở hữu một công ty tư vấn mà ông không thể từ bỏ. Ông không biết liệu mình có thể tìm được việc trong lĩnh vực của mình ở Canada không, hay bằng cấp của ông có được công nhận hay không.

Hơn nữa, Hàn Quốc cũng không phải là một nơi quá tệ để sống. Nó là một quốc gia phát triển, không có xung đột bạo lực, chất lượng cuộc sống tốt.

Nhưng sau 2 năm sống xa gia đình, ông Kim nhận ra rằng các con - một đứa 8 tuổi, một đứa 10 tuổi khi tới Montreal - đang trải qua những năm tháng quan trọng mà không có bố bên cạnh. Ông nhớ chúng vô cùng.

“Chúng muốn chơi bóng đá nhưng không có bố chơi cùng. Khi bước vào tuổi dậy thì, chúng muốn nói chuyện với bố về cách cơ thể mình thay đổi. Tôi cũng không thể ở bên con những lúc ấy”.

Ông nhận ra rằng các con cần có bố.

Việc lệch múi giờ 14 tiếng khiến gia đình ông khó tìm được thời điểm thích hợp để trò chuyện với nhau. Khi ông Kim rảnh thì các con lại đang ở trường.

Đã có những chuyến đi dài qua lại giữa Seoul và Montreal. Nhưng khi ở Montreal, ông không thể giám sát các nhân viên của mình.

Mọi việc trở nên khó khăn với ông. Cuối cùng, ông quyết định đóng cửa công ty và chuyển tới Montreal, đoàn tụ với gia đình.

“Bạn không nhận ra ai đó quý giá với bạn đến mức nào khi họ vẫn đang ở cạnh bạn. Khi sống xa gia đình, tôi mới nhận ra điều đó”.

Hy sinh đời bố

{keywords}
Park Seryung chia sẻ, cô cảm thấy áp lực khi biết sự hi sinh quá lớn của bố mẹ để cô được học ở nước ngoài. 

Park Seryung mơ về việc được sống ở nước ngoài từ khi cô vẫn còn là một đứa trẻ ở Hàn Quốc.

Năm 14 tuổi, giấc mơ của cô trở thành sự thật. Mẹ cô nghỉ công việc giảng viên đại học để đưa cô và em trai sang Canada. Park nói, thời điểm đó, cô chưa thực sự hiểu hết sự hi sinh ấy của bố mẹ.

Park kể, ban đầu bố cô phản đối nhưng ông miễn cưỡng để họ ra đi.

Park đạt được ước mơ nhưng nó khó khăn hơn cô nghĩ. Cuộc sống ở Canada không giống như cô kỳ vọng. Thời gian đầu, rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa là một thách thức với 3 mẹ con.

Không chỉ phải hi sinh về mặt tài chính, việc gia đình ly tán cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt cảm xúc với bố cô. “Ông ấy cảm thấy cô đơn vì cứ phải sống một mình, lặng lẽ. Khi cả nhà không được sống cùng nhau, mọi thứ đều không trọn vẹn”.

Năm 21 tuổi, Park đã hiểu hơn những hi sinh của bố mẹ. “Chúng tôi không giàu có nhưng bố mẹ vẫn cho tôi đi học ở Canada. Đó là một quyết định lớn và theo cách nhìn đó thì tôi cảm thấy mình có lỗi” - Park chia sẻ.

“Tôi không biết liệu sau này mình có thể trả ơn bố mẹ được không”.

Hiện cô là sinh viên năm nhất ngành Khoa học máy tính ở ĐH McGill. Những trải nghiệm ở Canada đã giúp cô có cái nhìn cởi mở hơn. Nó cũng thay đổi danh tính của cô. Cô không còn cảm thấy mình là người Hàn Quốc hoàn toàn, mà là người ở giữa văn hóa Hàn Quốc và Canada.

Park tự hỏi liệu cô có sẵn sàng làm cho con những việc như bố mẹ đã làm cho mình - hi sinh cuộc sống bình thường ở Hàn Quốc để hiện thực hóa ước mơ định cư ở nước ngoài.

“Tôi nghĩ bố mẹ chắc chắn phải yêu chúng tôi rất nhiều, đủ để họ ưu tiên việc giáo dục của chúng tôi lên trên cuộc sống riêng của mình”.

Người trẻ Hàn Quốc đang ngập đầu trong nợ nần

Người trẻ Hàn Quốc đang ngập đầu trong nợ nần

Nhiều gia đình Hàn Quốc đang ngập đầu trong nợ nần vì nhiều lý do khác nhau, từ bội chi thẻ tín dụng cho tới thất nghiệp, thua lỗ cờ bạc.  

Nguyễn Thảo (Theo CBC)