Báo VietNamNet vừa có cuộc trao đổi với ông Nông Quốc Khôi - Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Cao Bằng - về thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719).

W-Ong Khoi PGD So Dan toc Cao Bang.jpg
Ông Nông Quốc Khôi - Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Thạch Thảo

Vượt một số chỉ tiêu ngay năm đầu tiên triển khai Chương trình 1719

Cao Bằng có điểm gì khác biệt so với các địa phương khác khi triển khai Chương trình 1719, thưa ông?

- Cao Bằng là tỉnh miền núi, một trong những “rốn nghèo” của cả nước và có tỉ lệ người dân tộc thiểu số khoảng 95% dân số.

Mức độ bao phủ địa bàn của Chương trình 1719 là toàn tỉnh. Đối tượng người dân chịu tác động cũng cơ bản là toàn tỉnh. Cũng chính vì điểm này mà mức độ đầu tư và triển khai chương trình bị dàn trải, không có mũi nhọn ưu tiên cho bất cứ địa bàn nào. Đấy là cái khó của chúng tôi.

Nhưng mặt khác, Cao Bằng là quê hương cách mạng, đồng bào rất tin vào Đảng và Nhà nước. Quá trình triển khai Chương trình 1719 nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cả chính quyền và người dân. Bà con sẵn sàng góp công, góp của để thực hiện thành công chương trình này. Điển hình như phong trào hiến đất, bà con sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để cộng đồng hưởng lợi chung. 

Tới nay, tại địa phương có rất nhiều tấm gương đi đầu trong phong trào vận động đồng bào tự lực, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Ông có thể chia sẻ một số thành quả nổi bật sau khoảng 4 năm triển khai Chương trình 1719 tại tỉnh Cao Bằng?

- Ngay khi có Chương trình 1719, chúng tôi xác định đây là chương trình trọng tâm, đòn bẩy tốt, cơ hội lớn để đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống. 

Các cấp ủy chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện, chỉ đạo sát sao công tác tuyên truyền vận động đồng bào để bà con sẵn sàng tham gia ngay từ đầu. 

Chúng tôi chọn lựa những mục tiêu mang tính chất trọng yếu để giải quyết trước. Ngay năm đầu triển khai, chúng tôi đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu về nhà ở và nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết các vấn đề về văn hóa gắn với du lịch bền vững của dự án 6 (bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch)... 

Tới nay, riêng về chỉ tiêu giải quyết nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, Trung ương giao phải đạt 80% nhưng chúng tôi đã đạt 94%. Về xóa đói giảm nghèo, Trung ương giao bình quân mỗi năm giảm nghèo khoảng 4% trở lên thì năm 2024, tỉnh đã đạt 4,67% (tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 6,3%). 

Vẫn còn nhiều “nút thắt” khó gỡ

Với một chương trình lớn như 1719, lại triển khai trên một địa bàn miền núi khá đặc thù, tỉnh Cao Bằng có điểm nghẽn hay "nút thắt" lớn nào cần hỗ trợ tháo gỡ?

- Đúng là chúng tôi đang mắc một số nút thắt khá lớn.

Một là phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Các điều kiện triển khai liên quan đến doanh nghiệp đang khá vướng. Đối tượng tham gia của Chương trình 1719 đang bị bó hẹp hơn so với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững khi chỉ có hộ nghèo và cận nghèo. Những hộ không nghèo giữ vai trò dẫn dắt gần như không có quyền lợi gì nên mức độ tham gia không nhiều. 

W-Cao Bang 1.jpg
Với một chương trình lớn như 1719, quá trình triển khai trên một địa bàn miền núi khá đặc thù như Cao Bằng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Thạch Thảo

Hai là hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các đối tượng thuộc diện thụ hưởng không quan tâm tới việc được hỗ trợ đào tạo nghề bởi định mức hỗ trợ (tiền ăn, chi phí lưu trú…) rất thấp. Bên cạnh đó, rất khó định hướng nghề cho họ khi tỉnh Cao Bằng không có khu chế xuất, khu công nghiệp. Các cơ sở bồi dưỡng, đào tạo nghề của tỉnh cũng không được nhận hỗ trợ, ưu đãi của Chương trình 1719. 

Ba là những nội dung liên quan tới dự án 9 - đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. 

Bốn là hoạt động chuyển đổi số trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ chế hiện hành chưa phù hợp với điều kiện của tỉnh. Ví dụ, về điều kiện để đặt các điểm truy cập Internet, Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) hướng dẫn là đặt tại trụ sở UBND xã và những điểm có sẵn về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên trên thực tế, cơ sở hạ tầng của các xã đều còn đang chắp vá. 

Chúng tôi đã kiến nghị là không nên đặt điểm truy cập Internet ở trụ sở UBND xã mà có thể đặt ở nhà văn hóa sẽ phù hợp hơn. Bởi vì đồng bào sẽ cảm thấy không thoải mái khi phải vào một phòng chức năng trong trụ sở UBND xã để truy cập Internet.

Năm là hoạt động phát triển sản xuất liên quan đến vùng trồng dược liệu. Hiện chưa có hướng dẫn về nguồn vốn đầu tư phát triển nên chúng tôi không biết vận dụng theo hình thức nào để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng chế biến, bảo quản. Doanh nghiệp chủ trì liên kết đã được tỉnh lựa chọn rồi nhưng vẫn không rõ cơ chế giao kinh phí cho họ thực hiện như thế nào. Chúng tôi hỏi thì một số cơ quan Trung ương nói Chính phủ đã giao nội dung này cho Bộ Y tế. Thế nhưng, Bộ Y tế cho biết chỉ hướng dẫn về mặt chuyên môn, không nắm rõ vấn đề liên quan kỹ thuật. Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ là người xử lý cho địa phương.

Đến giờ, nguồn vốn triển khai nội dung này vẫn còn tồn, chúng tôi đành phải chuyển sang các nội dung khác. Rõ ràng là chương trình có những nội dung rất ưu việt, rất hay nhưng chưa phát huy được.

Ông có đề xuất, kiến nghị gì để nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình 1719 tại Cao Bằng trong thời gian tới?

- Theo tôi, cơ cấu nguồn vốn của Chương trình 1719 đang phân bổ chưa hợp lý lắm.

Đối với tỉnh Cao Bằng, chúng tôi mong muốn được ưu tiên nhiều hơn về nguồn vốn liên quan đến đầu tư phát triển. Giai đoạn tới, nếu có phân bổ thì tỉnh Cao Bằng xin được 70% vốn đầu tư và 30% vốn sự nghiệp. 

Không phải vốn sự nghiệp không quan trọng. Nhưng nếu cơ sở hạ tầng phục vụ cho dân sinh, phục vụ cho sản xuất như đường, điện, nước, trường học… chưa hoàn thiện thì cũng rất khó triển khai những nội dung khác.

Mặt khác, chúng tôi cũng mong những nội dung liên quan đến công nghệ thông tin, chuyển đổi số sẽ có cơ chế, chính sách khác biệt hơn. Chúng tôi vừa thiếu về cơ sở hạ tầng, vừa thiếu trầm trọng nhân lực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Đấy là những nội dung mà nếu để Cao Bằng tự thân vận động thì sẽ rất chậm, phải đi rất lâu mới đến đích.

Và Cao Bằng có kiến nghị gì về việc sửa đổi, bổ sung Chương trình 1719 hay không?

- Chúng tôi mong muốn Chương trình 1719 giai đoạn 2 (từ năm 2026-2030) khi ban hành cần tinh gọn, giảm thiểu các thủ tục, có hướng dẫn đầy đủ luôn về cơ chế cũng như phù hợp với trình độ, năng lực của cán bộ cấp cơ sở.

Bên cạnh đó, khi giao mục tiêu cho địa phương, Trung ương đảm bảo nguồn lực phù hợp, nguồn vốn đúng cam kết. Thời gian qua, không chỉ riêng Cao Bằng mà rất nhiều tỉnh không nhận được các nguồn vốn theo đúng kế hoạch của Trung ương. Ví dụ, chúng tôi mới chỉ nhận được 77% nguồn vốn sự nghiệp, 70% nguồn vốn đầu tư so với kế hoạch.

Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng phạm vi, nội dung Chương trình 1719 không nên dàn trải quá, gây áp lực không đáng có cho các địa phương. Chương trình nên tập trung vào một số vấn đề như: đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, nước sinh hoạt, nhà ở; chuyển đổi ngành nghề, đào tạo nghề; phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và một số nội dung liên quan đến giáo dục, y tế, văn hóa, chuyển đổi số. 

Xin cảm ơn ông!

Cán bộ cơ sở thường xuyên quá tải công việc

Ông Nông Quốc Khôi thẳng thắn cho hay, với cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc ở Cao Bằng, thách thức lớn nhất khi triển khai Chương trình 1719 là nhân lực. 

Số lượng biên chế của cơ quan cấp tỉnh ít nhất trong tất cả các sở. Bộ máy của cấp huyện lúc nào cũng thiếu người. Trong khi đó, công tác dân tộc rất đa dạng, phức tạp, thường có tính thời sự cao.

Năng lực của cán bộ cấp sát dân nhất mặc dù đã có rất nhiều cố gắng chuẩn hóa nhưng khả năng đáp ứng yêu cầu công việc cũng chưa cao.

Ở tỉnh nghèo, nhận được nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ như Cao Bằng, lực lượng cán bộ cơ sở thường xuyên quá tải công việc. Đơn cử, ở xã chỉ có một kế toán tài chính, phải quán xuyến cả nhiệm vụ chi thường xuyên của đơn vị lẫn thanh quyết toán, hướng dẫn về mặt tài chính của các chương trình 1719, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững... Sắp tới tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính cấp xã, vấn đề nhân lực sẽ lại càng khó khăn.