Thông tin được PGS.TS Vũ Văn Du, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt Pháp, ngày 15/10.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sinh mổ được khuyến nghị dao động từ 10-15% nhưng gần đây tỷ lệ này tăng trên toàn thế giới. Dự báo năm 2030, con số này là 29%, nghĩa là cứ 3 ca sinh thì có 1 ca mổ lấy thai.
Tại Việt Nam, năm 2022 tỷ lệ mổ lấy thai lên tới 37%, gấp hơn 3 lần so với năm 2005. Theo PGS Du, tỷ lệ sinh mổ cao đã trở thành vấn đề cấp bách, làm dấy lên mối lo ngại về tác động của nó đối với sức khỏe của bà mẹ cũng như hậu quả lâu dài.
Lý giải nguyên nhân tỷ lệ mổ đẻ tăng, bác sĩ Du cho hay hiện tỷ lệ chủ động mổ lấy thai theo yêu cầu tăng cao. Nhiều thai phụ sợ sinh con, sợ đau khi chuyển dạ, sợ tổn thương sàn chậu dẫn đến tiểu không tự chủ, sợ phải phẫu thuật khẩn cấp, sợ mất con và sợ bị bỏ lại một mình trong khi chuyển dạ. Không ít thai phụ còn mong muốn lựa chọn thời điểm sinh, ngày sinh, giờ sinh...
Theo vị chuyên gia, mổ lấy thai không có chỉ định y khoa có thể làm tăng nguy cơ sức khoẻ cho cả mẹ và con. Người mẹ có thể gặp nguy cơ băng huyết phải cắt tử cung, ngừng tim, suy thận cấp, thuyên tắc tĩnh mạch, nhiễm trùng hậu sản, vô sinh... Về phía con, mổ đẻ làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý hô hấp sơ sinh, hen phế quản, béo phì.