Nối tiếp chính sách đưa Chung kết Liên Minh Huyền Thoại vòng quanh thế giới, Riot đem đứa con tinh thần của mình đến với châu Âu. Lần lượt kinh qua 4 quốc gia Pháp, Anh, Bỉ và chạm dừng chân là Nhà thi đấu Mercedez-Benz Arena, Berlin, Đức. CKTG mùa 5 là giải đấu số 1 về độ hoành tráng cũng như kinh phí đầu tư tổ chức.

 

Những sân khấu choáng ngợp, hiện đại chật kín khán giả, thậm chí những trận đấu từ vòng Bán kết được trực tiếp trên kênh thể thao danh tiếng ESPN. Hàng loạt dấu mốc quan trọng cho thấy rằng Liên Minh Huyền Thoại nói riêng là Thể thao điện tử nói chung đã đi được một chặng đường rất xa, đây không đơn thuần là trò chơi nữa mà dần trở thành một ngành công nghiệp giải trí thực sự như nhiều môn thể thao truyền thống khác.

Không chỉ hoành tráng trong khâu tổ chức, diễn biến chuyên môn giải đấu năm vừa rồi cũng làm hài lòng khán giả. Các khu vực trên thế giới chưa bao giờ xích lại gần nhau đến thế. Trong khi Bắc Mỹ vẫn gây thất vọng thì Đài Loan làm sống lại hình ảnh vinh quang mùa 2 với phong độ tuyệt vời của Ahq và Flash Wolves, chủ nhà châu Âu vượt qua Trung Quốc để trở thành đối trọng số 1 của Hàn Quốc bằng 2 tấm vé bán kết mang tên Fnatic và Origen.

 

Nhưng cuối cùng, sau tất cả thì người Hàn vẫn thiết lập mọi thứ trở về trật tự vốn có. Những kẻ thách thức lần lượt phải nằm xuống dưới vó ngựa chinh phạt của Hàn Quốc, trận Chung kết nội bộ giữa SKT T1 và KOO Tigers kết thúc với tỉ số 3 – 1 nghiêng về SKT T1. Nhà vua chính thức trở lại ngai vàng sau mùa giải 2014 bết bát. Chức vô địch ngọt ngào dành cho Faker và đồng đội khi họ tỏ ra quá mạnh so với phần còn lại trong suốt giải đấu. Gần 1 năm kể từ vinh quang tại nước Đức, cùng xem những thành viên trong đội hình của SKT giờ ra sao.

 

Jang “Marin” Gyeong Hwan

Faker là biểu tượng của SKT T1 nhưng nếu hỏi ai là ngôi sao sáng nhất trong hành trình tìm lại vinh quang thì câu trả lời phải là Marin. Giai đoạn đầu thi đấu chuyên nghiệp của Marin không thật suôn sẻ, dù được mệnh danh “Faker đường trên” nhưng anh vẫn phải chật vật khẳng định bản thân ở đội SKT T1 S. Việc sát nhập 2 đội tuyển vô tình mở khóa con quái vật Đường trên mà mọi người mong đợi được chứng kiến.

 

Marin kết hợp cùng Faker thành bộ đôi hủy diệt thay nhau gánh đội trong mọi trận đấu. Tầm nhìn chiến thuật, kỹ năng cùng việc call-team thông minh của Marin trong những thời khắc quyết định là yếu tố then chốt trong thành công của SKT T1. Danh hiệu MVP CKTG dành cho anh là sự ghi nhận xứng đáng nhất sau 1 năm thi đấu tuyệt vời.

Tuy nhiên, các fan SKT T1 đã phải chia tay “Soái ca” của mình không lâu sau đó. Trận thua trước ESC Ever ở KesPA Cup là lần cuối cùng Marin khoác lên mình màu áo SKT T1. Anh gia nhập LGD Gaming với mức lương kỉ lục, theo những con số công bố thì Marin hiện chính là Game thủ hưởng lương cao nhất thế giới với 870000 USD/năm. Cùng với Imp trở thành bộ đôi chủ lực cho tham vọng xưng vương của LGD Gaming.

 

Tuy vậy thì màn trình diễn trên sân đấu của Marin và LGD không được tốt, họ bị loại sớm bởi Vici Gaming của Easyhoon tại playoff LPL mùa Xuân vừa qua. Tiếp tục ngụp lặn ở vị trí cuối bảng trong mùa giải này, Marin thi thoảng vẫn có những màn trình diễn thể hiện đẳng cấp như trận đấu hủy diệt Snake Esports của SofM nhưng để anh tìm lại hình ảnh “SKT Marin” như ngày nào thì có lẽ còn cả một chặng đường dài.

Lee “Faker” Sang Hyeok

So với đội hình mùa 2013 thì Faker năm 2015 được san sẻ gánh nặng khá nhiều. Anh cùng Marin và Bang tạo thành mũi đinh ba tối thượng giúp SKT chinh phạt mọi đối thủ. Không còn là phong cách vũ bão bóp nghẹt đối phương ngay từ sớm, Faker giờ như 1 kẻ săn mồi lão luyện tinh ranh hơn, khoan thoai hơn, nhưng luôn biết cách trừng phạt đối phương ngay từ những sai lầm nhỏ nhất. Thất bại cay đắng trước EDG không khiến Faker gục ngã. Trái lại thất bại đó còn như chất xúc tác cho phong độ hủy diệt của SKT T1 kéo từ LCK mùa Hè 2015 đến CKTG. Hoàng đế cùng những người đồng đội đòi lại ngai vàng 1 cách không thể thuyết phục hơn.

 

Faker có lần thứ 2 lên ngôi vô địch thế giới khi mới chỉ 19 tuổi. Chặng đường của một game thủ chuyên nghiệp có thể kéo dài đến 24-25 tuổi, tức là tuổi nghể của anh vẫn còn rất dài, thậm chí có thể ngự trị đến khi Liên Minh Huyền Thoại kết thúc.

Bước sang năm 2016, cuộc khủng hoảng mini đầu mùa được dập tắt gọn gàng. Faker cùng SKT T1 thiết lập ách thống trị tuyệt đối khi vô địch tất cả các giải đấu tham gia từ đầu năm. Lần lượt những chiếc cúp IEM Katowice, LCK mùa Xuân và MSI Thượng Hải về với phòng truyền thống của họ. Nhưng tham vọng của SKT đương nhiên không chỉ có vậy, bảo vệ chức vô địch tại CKTG mới là mục tiêu cao nhất. Khát khao chiến thắng của Faker dù sau bao vinh quang vẫn chưa phút nào nguội lạnh.

 

Bae “Bang” Jun-Sik

Xạ thủ thầm lặng của SKT T1 trong đội hình đăng quang. Việc Faker và Marin quá xuất sắc khiến cho Bang không có nhiều cơ hội thể hiện tầm ảnh hưởng, công việc của anh tại CKTG khá đơn giản khi sự chăm sóc đổ dồn vào 2 con quái vật kia. Nhưng không vì thế mà có thể coi nhẹ vai trò của anh trong thành công của đội. Chính HLV Kkoma đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng Bang mới là vũ khí chủ lực tối thượng của đội. Bang như 1 tấm thẻ bảo hiểm của SKT T1 vậy, bất cứ khi nào Faker hoặc Marin không thể tỏa sáng, lúc đó là lúc Bang sẵn sàng bước lên gánh đội.

Quả thực SKT T1 2015 quá mạnh so với phần còn lại, cứ tưởng tượng hóa giải Faker – Marin là chuyện cực kỳ khó khăn. Nhưng làm được như vậy cũng chưa chắc đã đủ để bạn chiến thắng khi SKT còn sở hữu cho mình 1 gã Xạ thủ có khả năng gánh đội cực kỳ khủng khiếp. Những giao tranh trong thế thua 10k tiền không ít lần giúp SKT T1 lật kèo nhờ khả năng bắn quá tốt của Bang.

 

Trở về từ chức vô địch thế giới, dù nhận được không ít lời mời từ Trung Quốc nhưng Bang vẫn tiếp tục ở lại với màu áo đỏ trắng. Phong độ cũng không có gì thay đổi khi anh chứ không phải Faker mới là người có phong độ ổn định nhất dù SKT có thắng hay thua. Thay đổi đáng chú ý nhất là việc Bang đã giảm cân rất nhiều sau CKTG và thay thế Marin trở thành “soái ca” mới tại SKT T1.

Lee “Wolf” Jae-Wan

Nhắc đến Bang là phải nói đến Wolf, bộ đôi Bot lane của SKT T1 sau giai đoạn dài thi đấu cùng nhau từ Xenics Blast cho đến SKT S rồi bây giờ là SKT T1. Cùng nhau trải qua mọi đắng cay ngọt bùi của sự nghiệp. Chức vô địch CKTG 2015 là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của họ.

 

Cũng như Bang, sau 1 năm Wolf cũng không có quá nhiều thay đổi. Anh vẫn cùng đồng hành với cộng sự của mình tạo thành điểm tựa vững chắc cho SKT T1 ở đường dưới. Sợi giây liên kết sau thời gian dài thi đấu cùng nhau của họ làm nên cặp Xạ thủ - Hỗ trợ hàng đầu thế giới hiện nay.

Bae “Bengi” Seung-ung

Người duy nhất trên thế giới sánh ngang với Faker về danh hiệu tập thể. Bengi trở lại CKTG với phong cách khác xa 2 năm trước, kỹ năng mai một nhưng kinh nghiệm của anh là vô giá, Bengi trình diễn khả năng kiểm soát rừng bậc thầy của mình. Tất cả những đối thủ sừng sỏ ở CKTG như Clearlove của EDG, Amazing của Origen lần lượt bị Bengi hóa giải dễ dàng. Người cận vệ trung thành vẫn ở đó, tiếp tục cùng hoàng đế đánh đông dẹp bắc.

 

Mùa giải 2016 khởi đầu vô cùng khó khăn với Bengi khi anh không thể theo kịp được meta đi rừng gánh đội. Sự sa sút của Bengi trong khi Blank còn non nớt khiến SKT điêu đứng suốt giai đoạn lượt đi LCK Mùa Xuân. Bengi có thời gian vắng mặt lâu nhất kể từ ngày gia nhập đội. Phải mất hơn 100 ngày, Bengi mới trở lại đội hình xuất phát của SKT T1 trong chiến thắng trước CJ Entus tại LCK mùa Hè. Có lẽ ngày Bengi lùi vào hậu trường đã không còn xa, thời gian còn lại sẽ được anh dùng để kèm cặp Blank, người đi rừng triển vọng mới gia nhập đội trở thành hậu duệ xứng đáng của mình.

Lee “Easyhoon” Ji Hoon

Thành viên dự bị duy nhất được vinh danh trong bảng vàng CKTG đến lúc này. Vai trò của Easyhoon trong chức vô địch của SKT T1 là không hề nhỏ, anh là chất xúc tác, là động lực cạnh tranh không thể thiếu với Faker. Đem lại sự đa dạng trong lối chơi cho SKT T1.

Đỉnh cao trong mùa giải của Easyhoon là tại Chung kết LCK mùa Xuân 2015, GE Tigers hừng hực khí thế bị SKT khuất phục hoàn toàn 3-0 với tâm điểm là phong độ đỉnh cao của Easyhoon ở đường giữa. Một kẻ khiến Faker đã phải có thời gian ngồi dự bị đương nhiên không phải tay vừa. Anh tiếp tục thi đấu ổn định tại CKTG mỗi khi được xoay vòng vị trí với thành tích toàn thắng trong những lần ra sân.

 

Easyhoon rời SKT để đến Trung Quốc với khát vọng thoát khỏi cái bóng của Faker, đi tìm sự thừa nhận cho bản thân mình. Phong cách chậm rãi ở Hàn Quốc của Easyhoon cũng đã thay đổi rất nhiều để thích nghi với lối chơi nhanh tại Trung Quốc. Không thể nói Easyhoon chơi không tốt nhưng tập thể Vici Gaming vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung, công thức để đến chiến thắng. Năm đầu tiên tại Trung Hoa của cả Marin và Easyhoon đều đang vô cùng khó khăn.

SKT T1 năm 2015 là phần cuối của loạt bài này. Hi vọng có thể giúp độc giả phần nào hiểu thêm về những con người đã từng bước lên bục vinh quang tại Chung kết thế giới. Dù hiện tại có người thành công, người thất bại, người giải nghệ. Nhưng họ đều đã khắc tên mình vào lịch sử, cống hiến và đóng góp phần không nhỏ công sức vào sự phát triển vượt bậc của Liên Minh Huyền Thoại ngày nay.