Ngồi 1 chỗ bấm nút tưới đẫm 3 ha chè, dùng máy tính kiểm soát cả trang trại gà, xây trạm quan trắc thông minh cho HTX rau… là những cách nhà nông thời 4.0 đang áp dụng để giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Một nút nhấn tưới đẫm 3 ha chè
Ông Nguyễn Văn Hoàn ở xã Phú Lâm (Yên Sơn), Tuyên Quang sở hữu diện tích chè lớn nhất nhì của tỉnh. Là nông dân thế hệ cũ nhưng ông không ngừng học hỏi, ứng dụng khoa học kĩ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây chè.
Tại vườn chè của ông, những cây chè già cỗi khi mới nhận thầu từ Nông trường chè tháng 10 đã được thay thế bằng các giống chè có năng suất, chất lượng cao. Mới đây, ông Hoàn còn mạnh tay chi khoảng 50 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho 3 ha chè của gia đình.
Ông Hoàn cho biết: Hệ thống dàn tưới được đặt dưới đất với các vòi phun khắp đồi chè đảm bảo cây chè nào cũng được tưới đều. Kể từ khi lắp hệ thống này, việc tưới chè của gia đình đã trở nên đơn giản hơn hẳn khi chỉ cần bấm nút công tắc điện bật máy bơm là nước theo các đường ống đến các vòi phun khắp đồi chè, vườn cây ăn quả. Khi cần bón phân hoặc thuốc bảo vệ thực vật ông chỉ cần hòa vào nước tưới.
Nhờ hệ thống này, gia đình ông giảm được đáng kể ngày công lao động lại giúp cây chè được chăm sóc thường xuyên từ đó năng suất chè tăng đến 20% so với trước. Hiện năng suất chè của gia đình ông đạt trung bình 25 tấn/ha/năm, nhân với giá thị trường khoảng 3.500 đồng một kg, đã giúp gia đình ông có một nguồn thu không nhỏ. Trừ chi phí đầu tư, số tiền lãi ông lại tiếp tục đầu tư thêm những công nghệ mới.
Ông Hoàn cho biết: khi đã gắn bó với nông nghiệp không còn cách nào khác là phải thay đổi cách làm truyền thống, tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để không bị bỏ lại phía sau khi cả thế giới đang trong thời kỳ công nghệ 4.0. Việc đầu tư công nghệ sẽ tốn tiền ban đầu nhưng hiệu quả mang lại lâu dài.
Sắp tới ông còn đầu tư thêm cầu dao thông minh kết nối với điện thoại để có đi trong Nam ngoài Bắc thì vẫn có thể điều khiển hệ thống tưới chăm sóc cho vườn chè của gia đình.
Kiểm soát trại gà bằng máy tính
Tại trại gà của ông Nguyễn Minh Kha (Tân Phú, Đồng Nai), công nghệ đã thay thế con người hầu hết trong các khâu. Toàn trang trại sử dụng công nghệ tự động của Đức với dây chuyền khép kín, được kiểm soát nghiêm ngặt. Nước uống, thức ăn được rót vào các silo ở đầu trại, chuyển tự động đến từng con gà.
Mỗi trại 20.000 con chỉ cần 2 công nhân quản lý. Công việc của họ là kiểm tra các dữ liệu đầu vào, kiểm tra sức khoẻ con gà, sau đó thu nhập, phân tích, đánh giá hiệu quả trong ngày, cũng như các biến động bất thường của khu trại để điều chỉnh. Toàn bộ thông tin được cập nhật vào hệ thống phần mềm, hệ thống này được chuyển về điện thoại của chủ trại và công ty để họ biết tình hình, lập kế hoạch.
Nhờ quy trình kiểm soát chặt chẽ nên trang trại đã giảm nguy cơ dịch bệnh tối đa cho đàn gà. Gà bị bệnh thì tỷ lệ chết, năng suất, lứa nuôi giảm đáng kể. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã giúp trại gà có thể quay vòng thêm một lứa, lên năm lứa trong năm. Ngoài ra, việc đầu tư thiết bị tự động hoá còn giúp cắt giảm tối đa nhân công, giảm chi phí vận chuyển con giống, cám…
Ông Kha khẳng định, việc áp dụng công nghệ vào quản trị trại gà ưu việt hơn rất nhiều, từ con giống, lịch thả gà, bắt gà, số lứa nuôi trong năm… đều lên kế hoạch trước. Nghĩa là, người chăn nuôi “khoẻ” hơn trước rất nhiều, ngay cả đầu ra cũng đã có các công ty trong chuỗi hỗ trợ bởi chất lượng thịt đạt chuẩn, đủ sức cạnh tranh với thế giới.
Xây trạm quan trắc thông minh cho HTX rau
Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng là một trong số những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 và sản xuất.
Với nguồn lực đóng góp của các thành viên, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn đã đầu tư hơn 5.000m2 hệ thống nhà màng, nhà lưới để trồng rau trái vụ, phòng ngừa sâu bệnh và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm của Israel.
Hợp tác xã cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện được tiếp cận công nghệ viễn thám, hệ thống quan trắc thời tiết thông qua dự án do Viện Phát triển Công nghệ và Giáo dục phối hợp với Ngân hàng Thế giới hỗ trợ.
Khu sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn có trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G, qua hệ thống quan trắc và camera truyền hình ảnh về khu nhà điều hành. Hệ thống này cho phép cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Với bán kính phủ sóng 15km, trạm quan trắc dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa. Đây là một trong những căn cứ để nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau…
Những công nghệ mới đã tỏ ra hiệu quả rõ rệt, giúp giảm sức lao động cho người dân trong HTX, lên kế hoạch sản xuất cụ thể, tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Theo một số chuyên gia về nông nghiệp, khoa học công nghệ là giải pháp bắt buộc nông dân phải ứng dụng, trong đó, rất cần kết nối với doanh nghiệp, liên kết với thị trường để làm nông nghiệp 4.0. Tuy nhiên, không nhất thiết phải áp dụng tất cả các công nghệ của cách mạng nông nghiệp 4.0 này, mà cần phải hài hòa và phù hợp với đặc thù riêng của địa phương.
D. Minh - Bích Thủy (tổng hợp)