Thống kê trong các tháng gần đây, đặc biệt là dịp nghỉ hè, các bệnh viện nhi trên địa bàn TP.HCM liên tục tiếp nhận cấp cứu trẻ bị ngạt, đuối nước tại nhà, có trẻ dù được điều trị tích cực nhưng không qua khỏi.
Điển hình như bé N.T.H, 3 tuổi, quê Long An. Gia đình cho biết trong lúc lấy nước để chơi súng nước trong chiếc xô cao 50 cm, không may bé H. bị ngã chúi đầu vào xô. Dù xô chỉ đựng một ít nước nhưng đến khi gia đình phát hiện bé đã tím tái, bất động. Bé được chuyển đến bệnh viện địa phương khi mạch và huyết áp bằng 0.
Tại đây, bé được các bác sĩ tiến hành hồi sức tim phổi, đặt nội khí quản và chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cấp cứu. Dù được các bác sĩ tích cực điều trị suốt 3 ngày nhưng bé không qua khỏi.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), khi có sự xâm nhập đột ngột và nhiều của nước hoặc chất dịch vào đường thở (mũi, miệng, khí phế quản, phổi) làm cho không khí có chứa oxy không thể vào phổi được gọi là đuối nước. Hậu quả là não bị thiếu oxy, nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân sẽ bị chết hoặc để lại di chứng não nặng nề.
Trẻ em sức yếu nên rất dễ bị ngạt thở chỉ trong vòng thời gian 2 phút. Với trẻ nhỏ chỉ với lượng nước nhỏ như một xô nước cũng có thể làm trẻ chết đuối.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng thành phố (TP.HCM) cho hay nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ đuối nước là do người lớn, trẻ em thiếu ý thức, kiến thức về mối nguy hiểm, các yếu tố nguy cơ và kỹ năng phòng tránh đuối nước. Ngoài ra, với trẻ lớn do bản tính hiếu động, tò mò còn với trẻ nhỏ là do thích nghịch nước. Sự bất cẩn của gia đình cũng là nguyên nhân khiến trẻ đuối nước.
Trẻ đuối nước cũng đến từ những yếu tố môi trường nguy cơ như chum vại, bể nước… không có nắp đậy an toàn; Sông, hồ, suối, ao… không có biển báo nguy hiểm, rào chắn; Lũ lụt xảy ra thường xuyên; Những nơi có sông, suối, hồ, ao, trẻ em không biết bơi hoặc biết bơi nhưng chủ quan không lường hết được sự nguy hiểm.
Những lưu ý khi trông coi trẻ nhỏ
Luôn có người trông trẻ nhỏ, ở cạnh trẻ trong phạm vi nửa mét, đảm bảo bạn luôn nhìn thấy, nghe thấy trẻ. Trong khi trông trẻ, người lớn không đọc báo, chơi bài, nói chuyện hay làm bất cứ chuyện gì ảnh hưởng đến sự phân tán tư tưởng.
Trong trường hợp bắt buộc phải làm việc, hãy cho trẻ vào cũi. Bạn nên nói chuyện với trẻ trong lúc làm việc để trẻ thấy mình vẫn được quan tâm.
Trong trường hợp có nhiều người trông trẻ và trẻ tham gia các hoạt động tập thể (như các bữa tiệc ở gần nơi có ao, hồ, đi tắm biển tập thể…), cách tốt nhất là cử 1-2 người chuyên theo dõi trẻ và không làm việc gì có thể khiến họ phân tâm. Thực tế, có nhiều trường hợp nhà có giỗ hoặc liên hoan, không có ai để mắt đến trẻ và tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.
Lưu ý tuyệt đối không để trẻ dưới 10 tuổi trông trẻ bé hơn. Ai cũng nên học kỹ thuật sơ cấp cứu, hà hơi thổi ngạt.
Làm cho môi trường xung quanh con bạn an toàn hơn bằng cách:
- Rào ao, các hố nước, rãnh nước quanh nhà và làm cổng chắc chắn trẻ không tự mở được, giữ cổng luôn đóng. Làm cửa chắn nếu nhà gần ao, hồ, làm cửa chắn an toàn: rào dọc, khoảng cách giữa các thanh rào tối đa 15 cm, chiều cao rào tối thiểu là 80 cm.
- Đổ nước trong các xô, chậu, đồ chứa nước khi không cần dùng.
- Luôn đậy nắp giếng, bể… bằng các nắp đậy an toàn (cứng, trẻ dẫm lên không lọt).
- Đối với vùng lũ: dùng giường 3 vách…
- Cho trẻ mặc áo phao khi đi trên thuyền…
- Chuẩn bị sẵn các phương tiện cứu hộ như dây thừng, phao… trong nhà.
Những nguyên tắc an toàn khi bơi
- Không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn
- Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi và cứu đuối.
- Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa.
- Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.
- Phải khởi động trước khi xuống nước.
- Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.
- Không dùng các phao bơm hơi.
- Không bơi khi vừa đi ngoài nắng về.