Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho hay đơn vị này từng tiếp nhận những bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử khi chỉ mới học cấp 2, cấp 3, vào viện cấp cứu trong tình trạng sùi bọt mép, kích thích vật vã, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê, tổn thương não, tổn thương tim, suy tim cấp...

Mới đây, các bác sĩ ở Trung tâm tiếp nhận nam bệnh nhân 14 tuổi, học sinh lớp 8, trường THCS ở Hà Nội, bị ngộ độc thuốc lá điện tử. Bệnh nhân cho biết trước đó đã từng hút loại thuốc lá này nhưng gần đây được bạn bè rủ dùng thử hương vị mới. Theo nam sinh, trước khi sử dụng cũng không biết lọ tinh dầu để hút thuốc lá điện tử có chất gì bên trong.

Nam bệnh nhân chia sẻ lúc đầu hút không có cảm giác gì, sau khoảng 30 phút thuốc ngấm tác dụng, cậu học sính này ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy thì bị ảo giác, nôn nhiều và thấy đầu óc choáng váng…

Theo thông tin từ Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá trong nam giới từ 15 tuổi trở lên giảm từ 42,3% (năm 2020) xuống 38,9% (năm 2022). Tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá trong học sinh độ tuổi từ 13 đến 15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022). 

W-thuocla2-1-1.jpg
Tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá trong học sinh độ tuổi từ 13 đến 15 giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022)

Với thuốc lá điện tử, điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Tuy nhiên, điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13-15 là 3,5%. 

Vì sao học sinh tiếp cận thuốc lá điện tử?

Hạnh Nguyên, một học sinh cấp 3 ở TP.Vinh, Nghệ An, cho biết nguyên nhân các bạn học sinh thích hút thuốc lá điện tử chủ yếu là do tâm lý tuổi dậy thì, dễ bị thu hút bởi những điều mới lạ, kích thích, tò mò và muốn thử nghiệm.

"Các bạn coi việc hút thuốc lá điện tử là một cách thức để khẳng định bản thân và thể hiện là mình 'ngầu', trưởng thành và giống với người lớn", Hạnh Nguyên cho biết.

Bên cạnh đó, theo nữ sinh này, nhiều học sinh lựa chọn hút thuốc lá điện tử như là cách để hoà đồng với bạn bè, sợ bị bạn bè xa lánh, cô lập, không biết cách từ chối dứt khoát nhưng không đánh mất tình bạn. Quan trọng nhất là, đại đa số học sinh nghĩ rằng chỉ có thuốc lá truyền thống mới độc hại còn thuốc lá điện tử thì không, nên không chỉ bản thân hút mà còn lôi kéo bạn bè khác cùng hút.

Đồng tình với quan điểm "muốn được thể hiện, khẳng định bản thân" do đặc điểm tâm sinh lý tuổi là nguyên nhân khiến học sinh tiếp cận thuốc lá điện tử, Tiến sĩ Dương Thị Thanh Thanh, Phó trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Sư phạm thuộc Đại học Vinh (Nghệ An), còn cho rằng học sinh cũng thường bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, thậm chí ép buộc sử dụng thuốc lá điện tử.ba

Bên cạnh đó, sự thiếu quan tâm của bố mẹ, người thân, những căng thẳng hay bất ổn trong các mối quan hệ bạn bè, thầy cô, học hành hay cuộc sống nhưng chưa biết cách điều chỉnh hay làm chủ cảm xúc cũng khiến học sinh tìm đến thuốc lá điện tử.

"Học sinh tìm đến với thuốc lá điện tử hay chất gây nghiện khác như một lựa chọn cho việc giảm căng thẳng, xả stress. Đặc biệt rất nhiều học sinh chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe", bà Thanh chia sẻ. Hơn nữa, thuốc lá điện tử được quảng cáo hấp dẫn khiến học sinh tò mò, muốn khám phá.

Thuốc lá điện tử và chất gây nghiện mới hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều loại, dưới nhiều hình thức, thiết kế hấp dẫn, thu hút. Riêng hương liệu đã có hơn 20.000 loại, rất hấp dẫn đối với học sinh, lứa tuổi ham khám phá, muốn thử nghiệm. Trong thuốc lá cũng có nhiều hoạt chất khác nhau, một số hoạt chất đến nay chưa xác định được độ nguy hại đến thế nào. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã cung cấp thông tin, trong một số loại thuốc lá điện tử đã trộn cả ma tuý.

Theo Tiến sĩ Thanh, khi phát hiện học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, trước hết thầy, cô giáo cần giữ bình tĩnh và gặp riêng học sinh, không phê phán, để lắng nghe, nắm bắt nhận thức của học sinh về thuốc lá điện tử, lý do học sinh sử dụng thuốc lá điện tử.

Ngoài ra, thầy cô nên chia sẻ cho các em thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử hoặc hướng dẫn để các em từ bỏ sử dụng thuốc lá điện tử. Đặc biệt, thầy cô cần phối hợp với cha mẹ học sinh cùng nhau để tìm giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho học sinh.

Mai Hương và nhóm PV, BTV