Hiểu một chiều

Mấy ngày nay, một số báo chí và cả quan chức y tế đưa tin rằng nhiều ca tử vong liên quan đến Covid-19 là những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin. Nhiều người dựa vào đó mà suy luận rằng vắc xin không có hiệu quả. Vì, theo lí luận của họ, nếu vắc xin có hiệu quả thì tại sao nhiều người tiêm mà vẫn chết? Suy ra, không cần tiêm chủng. 

Nhưng đó là một dạng "ngụy biện một chiều". Tức là, người ta chỉ cung cấp thông tin một chiều, và ở đây là số tử vong ở những người đã tiêm ngừa. Đáng lí ra, để đầy đủ hơn, nhà chức trách phải cung cấp con số tử vong ở những người chưa tiêm vắc xin.
 
Thử tưởng tượng một địa phương đã tiêm chủng cho 100% dân số. Nếu sau đó vài tháng nhà chức trách y tế đếm số ca tử vong, và thấy tất cả những ca tử vong là những người đã tiêm. Thông tin đó có đáng ngạc nhiên không? Dĩ nhiên là không, bởi vì 100% dân số đã tiêm ngừa, thì con số tử vong phải ở nhóm đó.
 
Tương tự, thử tưởng tượng một thành phố với 95% dân số đã được tiêm vắc xin. Và, nếu cứ 100 người qua đời, có 25 người đã từng được tiêm, thông tin đó có đáng ngạc nhiên không? Câu trả lời cũng là không.

Thật ra, thông tin đó cho thấy vắc xin có hiệu quả. Bởi nếu không có hiệu quả thì chúng ta kì vọng 95 những ca tử vong xảy ra ở người đã tiêm; nhưng ở đây con số thực tế chỉ 25, tức là thấp hơn nhiều so với số kì vọng, và đó là một minh chứng cho thấy vắc xin quả thật có hiệu quả.
 
Hiểu theo kiểu nhị phân
 
Có ý kiến cho rằng vắc xin không thể ngăn ngừa một người khỏi bị nhiễm và lan truyền virus; do đó, tiêm hay không tiêm thì cũng bị nhiễm thôi, vậy tại sao tôi phải tiêm?
 
Đây cũng là một dạng nguỵ biện có tên là "nhị phân". Nguỵ biện nhị phân xem một sự việc chỉ có 2 mặt: có hoặc không, 1 hoặc 0.

{keywords}
Vắc xin không ngăn chặn 100% sự lây nhiễm, nhưng có thể giảm xác suất lây nhiễm chừng 70-95%

Nhưng hiệu quả của vắc xin (và bất cứ can thiệp y khoa nào) không phải được đo lường bằng thang giá trị nhị phân có/không, mà bằng một thang điểm xác suất dao động liên tục từ 0 đến 1.
 
Thuốc warfarin có hiệu quả chống đột quị. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả những người dùng thuốc đó sẽ không bị đột quị; nó có nghĩa là người dùng thuốc có xác suất bị đột quị thấp hơn những người không dùng thuốc.
 
Tương tự, vắc xin không ngăn chặn 100% sự lây nhiễm, nhưng có thể giảm xác suất lây nhiễm chừng 70-95%. Do đó, phát biểu rằng “vắc xin không ngăn chận lây nhiễm” là sai về bản chất, và dùng cái sai đó để nói rằng không cần tiêm ngừa Covid-19 là một nguỵ biện vậy.
 
Khiếm khuyết kiến thức
 
Một trong những hoài nghi về vắc xin là biến chứng lâu dài. Nhiều người nói rằng các nhà khoa học không biết gì về các biến chứng lâu dài của vắc xin, và do đó không nên tiêm.
 
Nhưng đó cũng là một nguỵ biện dưới dạng 'appeal to ignorance', tức là chỉ khai thác sự khiếm khuyết về kiến thức, mà lờ đi những gì khoa học đã biết về vắc xin. Sự thật là tất cả các vắc xin được phê chuẩn cho sử dụng đều đã được qua nghiên cứu trong labo, thử nghiệm trên động vật, thử nghiệm lâm sàng trên người, và theo dõi chặt chẽ về biến chứng. Chúng ta cũng biết rằng chất liệu của vắc xin sẽ bài tiết nhanh chóng khỏi cơ thể (chứ không tồn tại trong cơ thể lâu dài) thì việc khai thác vào những cái chưa biết làm xao lãng những sự thật khoa học.
 
Cần nói thêm rằng vắc xin sản xuất theo công nghệ mRNA không mới, vì nghiên cứu đã bắt đầu từ đầu thập niên 1990, tức hơn 30 năm trước. Ngoài ra, vắc xin mRNA đã được sử dụng cho các bệnh như MERS và SARS trước đây, và cho đến nay chưa có báo cáo nào về những biến chứng nguy hiểm có liên quan đến vắc xin.
 
Tấn công cá nhân
 
Mới đây, có thông tin cho rằng một trong những người tham gia vào công trình nghiên cứu vắc xin AstraZeneca làm việc cho viện nghiên cứu Galton, và viện này từng có liên quan với chủ nghĩa ưu sinh. Hàm ý của phát biểu này là người làm ra vắc xin có ý đồ phục vụ cho chính sách ưu sinh, nhưng đây là một nguỵ biện.
 
Nhiều người trong giới khoa học biết rằng nhà khoa học 'tiền bối' Francis Galton và nhiều nhà khoa học thời Victoria theo đuổi chủ nghĩa ưu sinh. Ngày nay, không ai chấp nhận chủ nghĩa này vì nó dẫn đến phân biệt chủng tộc và giai cấp xã hội. Một nhà khoa học làm việc cho Viện Galton ngày nay hoàn toàn không có nghĩa là người đó theo chủ nghĩa ưu sinh.

Ngoài ra, cho dù người đó có cảm tình với chủ nghĩa ưu sinh thì cũng chẳng có dính dáng gì đến hiệu quả của vắc xin. Thay vì bàn về hiệu quả, người ngụy biện quay sang tấn công cá nhân để đánh lạc hướng về hiệu quả của vắc xin.
 
Luận điệu cá trích đỏ ("red herring")
 
Khi chương trình tiêm chủng mới bắt đầu, có lời đồn rằng một website nào đó công bố nghiên cứu cho thấy vắc xin gây vô sinh, và thông tin này đã được rút khỏi website. Vì lời đồn này mà có khá nhiều phụ nữ ngần ngại chủng ngừa. Nhưng đây là một loại nguỵ biện có tên là 'red herring'. 

Nguỵ biện cá trích đỏ này tung ra một thông tin tưởng như có liên quan, nhưng thật ra là làm xao lãng người đọc. Trong trường hợp này, người ta dựa vào tin đồn rằng thông tin đã bị rút xuống để hàm ý cho rằng vắc xin có hại, nhưng thật ra vấn đề ở đây là việc rút thông tin xuống chẳng có liên quan gì đến mối liên quan [không có thật] giữa vắc xin và vô sinh. 

Mới đây, lại có ý kiến cho rằng đây là lần đầu tiên mà một loại vắc xin đầu được triển khai mà nhà sản xuất và chính phủ đều được miễn trừ trách nhiệm. Suy ra, vắc xin có vấn đề. Nhưng đây là một phát biểu sai lệch. Vấn đề miễn trừ trách nhiệm không phải là mới, vì trước đây các chính phủ cũng đã áp dụng miễn trừ trách nhiệm cho các vắc xin chống bệnh cúm mùa và bệnh đậu mùa.

 

Ở nhiều nước, chính phủ phải lập ra một ngân quĩ để bồi thường cho những trường hợp bị biến chứng nghiêm trọng có liên quan đến vắc xin. Miễn trừ trách nhiệm là vấn đề pháp lí, không có liên quan gì đến hiệu quả của vắc xin.
 
Suy luận sai từ quần thể đến cá nhân (ecologic fallacy)
 
Không ít người dùng dữ liệu cấp quần thể như tỉ lệ nhiễm trên 1 triệu dân số và loại vắc xin dùng để đánh giá loại nào có hiệu quả cao hay thấp. Lại có người so sánh cho thấy những nước nào có tỉ lệ dân được tiêm ngừa lao phổi càng cao thì tỉ lệ tử vong liên quan đến Covid-19 càng thấp, và kết luận rằng vắc xin lao phổi có hiệu quả chống Covid-19.
 
Nhưng đây là một nguỵ biện có tên là "Nguỵ biện quần thể", tức là dùng dữ liệu cấp quần thể suy luận cho cá nhân. Vào đầu thế kỉ 20, nhà khoa học xã hội trứ danh Émile Durkheim phát hiện rằng những địa phương nào có tỉ lệ người theo đạo Tin Lành càng cao thì cũng là những nới có tỉ lệ tự tử cao. Nhưng sau này, người ta phân tích lại số liệu và thấy đa số những người tự tử ở những địa phương có nhiều tín đồ Tin Lành là tín đồ đạo Công giáo.
 
Sai lầm của phân tích đó là dùng mối tương quan tính trên số trung bình giữa các địa phương để suy luận về nguyên nhân và hậu quả. Con số tỉ lệ tử vong trên 1 triệu dân là số trung bình. Số trung bình chỉ phản ảnh bề nổi của vấn đề, bởi vì đằng sau nó là những đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân mà con số đó không thể nào phản ảnh hết. Do đó, dựa vào nó để suy luận nhân - quả như thế là rất sai.
 
Chẳng hạn như trước đây có một phân tích về mối tương quan giữa tiêu thụ chocolate và giải Nobel, mà trong đó tác giả ước tính lượng chocolate tiêu thụ trên đầu người và số giải thưởng Nobel trên 1 triệu dân số cho hơn 20 quốc gia. Kết quả cho thấy nước nào có lượng tiêu thụ chocolate càng cao thì số giải Nobel càng nhiều, rồi suy ra rằng chocolate là yếu tố giúp tăng giải Nobel!

Cái sai lầm căn bản ở đây là đơn vị phân tích là một quần thể, trong khi giải Nobel là cho cá nhân. Đáng lí ra tác giả nên phân tích lượng chocolate ở những người được trao giải và so sánh với những người [có cùng đặc tính] nhưng không được trao giải thì mới thuyết phục.
 
Do đó, so sánh con số tỉ lệ nhiễm hay tử vong giữa các nước dùng các vắc xin khác nhau để nói vắc xin có hay không có hiệu quả là một sai lầm rất căn bản.
 
Phong trào chống vắc xin không phải là xu hướng mới, vì nó đã hiện diện ở các nước phương Tây từ 135 năm trước. Thời đó, người ta tung ra những thông tin sai lệch nhằm thuyết phục công chúng rằng chính phủ triển khai chương trình tiêm chủng để hạn chế sinh sản ở người thuộc thành phần lao động. Người ta còn tuyên truyền rằng vắc xin gây ra những bệnh như autism! Ông bác sĩ tung tin đó sau này đã bị tước bằng hành nghề.
 
Ở Việt Nam cũng có phong trào chống vắc xin, nhưng nhỏ hơn và mới hơn so với trào lưu ở phương Tây. Họ lặp lại những thông tin sai lệch hay những nguỵ biện đã được sử dụng các nước phương Tây hơn 100 năm qua. Nhận dạng ra những sai lầm đó giúp công chúng phân biệt đâu là thật và đâu là giả.
 
Vắc xin có hiệu lực giảm nguy cơ nhiễm và tử vong ngoài cộng đồng, và đó là sự thật. Vắc xin không phải là 'viên đạn bạc' để chống nhiễm Covid-19 hay ngăn ngừa tử vong, và đó cũng là sự thật.

Khi cộng đồng có nhiều người được tiêm chủng thì miễn dịch cộng đồng được nâng cao. Nghiên cứu còn chỉ ra rõ ràng rằng trong một gia đình, số người tiêm càng cao thì mức độ lây nhiễm trong gia đình càng thấp. Do đó, tiêm chủng tuy đem lại lợi ích nhỏ cho một cá nhân (vì xác suất bị nhiễm không cao), nhưng khi nhiều người đi tiêm thì đem lại lợi ích rất lớn cho cộng đồng. Tiêm vắc xin là một đóng góp cho cộng đồng.
 
Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales)

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Quý độc giả gửi bài trao đổi sâu thêm về quan điểm này, xin gửi về email: [email protected]. Xin cảm ơn! 

Chưa phủ vắc xin mũi 2, vẫn cần tính trước tiêm mũi 3

Chưa phủ vắc xin mũi 2, vẫn cần tính trước tiêm mũi 3

Chưa một ai dám khẳng định Covid-19 khi nào sẽ kết thúc ở nước ta cũng như trên thế giới, cũng chưa ai nói chắc chắn người dân tiêm mũi 2 sẽ là đủ điều kiện phòng chống đại dịch lâu dài.