Từ thành phố Bắc Kạn di chuyển khoảng 2 giờ đồng hồ sẽ đến điểm du lịch Tình Khau Khang, một trong những nơi dừng chân mới tại huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.
Điểm du lịch Tình Khau Khang nằm cách trung tâm huyện khoảng 1,5 km về hướng Cao Bằng. Đây là địa điểm có view ngắm toàn cảnh thị trấn Vân Tùng, được thiết kế theo phong cách sân vườn với không gian mở rộng rãi, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, có chòi che mái cọ, cỏ cây xanh mướt và những bồn hoa rực rỡ.
Mô hình du lịch cộng đồng trên là của 3 thanh niên trẻ Nguyễn Văn Phước (sinh năm 1991), Doanh Hồng Chuyên (sinh năm 1994) và Doanh Hồng Na (sinh năm 1996) ở thôn Bản Đăm, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.
Tiếp chúng tôi, chị Doanh Hồng Chuyên chia sẻ, sinh ra và lớn lên tại vùng đất Ngân Sơn nên chị hiểu rất rõ về những nét đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây. Khi lớn lên, chị đi làm trong ngành du lịch và gặp Nguyễn Văn Phước, chàng trai đến từ Nghệ An. Thế rồi hai anh chị đem lòng lòng yêu thương, quyết tâm gắn bó và cùng ấp ủ mở một mô hình du lịch gần gũi với thiên nhiên.
"Tôi sinh ra và lớn lên ở đây nên hiểu trọn vẻ đẹp của đèo Khau Khang, nhất là vào mùa hoa mận, hoa đào. Trong khi các nơi khác ở Cao Bằng, Mộc Châu, Lào Cai, Hòa Bình… đã biết tận dụng những ưu thế này để phát triển du lịch cộng đồng, cuộc sống người dân khấm khá, có điều kiện tiếp xúc với thông tin, truyền thông, hiện đại và văn minh thì du lịch ở Ngân Sơn vẫn rất mới mẻ, manh nha, chưa có tính chuyên nghiệp, đời sống bà con còn nghèo, mức sinh hoạt tối thiểu còn thấp… Vì vậy, chúng tôi ấp ủ một mô hình du lịch mới với mong muốn nhiều người biết đến Ngân Sơn hơn", chị tâm sự.
Ý tưởng khởi nghiệp ban đầu là làm mô hình du lịch với nhiều hộ cùng tham gia, tạo thành một cộng đồng giúp cho du khách trải nghiệm cuộc sống vùng cao, tìm hiểu bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đây, người dân bản địa cũng dễ dàng có công ăn việc làm, nâng cao nhận thức...
Nói là làm, anh Nguyễn Văn Phước, chị Doanh Thị Hồng Chuyên và chị Doanh Hồng Na (em gái chị Chuyên) cùng bắt tay vay mượn tiền bạc để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng Tình Khau Khang.
Đến nay, họ đã có 3 khu vườn với 300 gốc đào, 200 gốc mận và một vườn hoa đủ loại để du khách đến tham quan, chụp ảnh vào mùa hoa nở rộ.
Bên cạnh đó, khu vực đèo Khau Khang cũng đã được đầu tư gần 500 triệu đồng để xây dựng một nếp nhà gỗ, khu vườn hoa cùng những nhà chòi cho khách ghé chân.
Dù mới đi vào hoạt động được gần 1 năm nhưng mô hình du lịch với cái tên Kha Bản của 3 bạn trẻ đã đón trên 2.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm. Ngoài phục vụ đạo cụ chụp hình như trang phục dân tộc, khăn, ô... ở đây còn phục vụ bữa ăn được nấu theo kiểu truyền thống của dân địa phương gồm xôi nếp, thịt lợn, gà bản…
Để đẩy mạnh việc quảng bá, thu hút du khách, tại đây cũng chú trọng sử dụng hệ thống phần mềm quản lý kế toán; đưa hình ảnh khu du lịch lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, trang du lịch nước ngoài; sử dụng công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt…
Chị Doanh Hồng Chuyên cho hay: “Ứng dụng mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm du lịch là xu hướng hiện nay. Facebook, Youtube… là công cụ hữu hiệu để giới thiệu hình ảnh đến du khách mọi miền. Qua các ứng dụng, du khách phản hồi, góp ý để chúng tôi phục vụ được tốt hơn. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng với lĩnh vực du lịch”.
Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng mô hình du lịch này, cả 3 bạn trẻ đã xác định sẽ tạo nên một mô hình du lịch cộng đồng đúng nghĩa, gắn liền với việc bảo tồn văn hóa. Chị Doanh Hồng Na cho biết: "Chúng tôi mong du khách đến đây có những trải nghiệm thú vị trong cảnh quan thiên nhiên hoang sơ nhưng đầy lãng mạn, được mặc thử những bộ trang phục dân tộc địa phương, thưởng thức những món ăn thôn quê dân dã như trám đen, mận, đào, lê ta, hạt dẻ, các món chế biến từ gạo nếp khẩu nua lếch, xôi trứng kiến...
Đặc biệt, những ai yêu thiên nhiên không thể bỏ qua những vườn hoa mận, hoa đào lung linh, rực rỡ. Đến mùa mận, đào chín, du khách có thể trải nghiệm tự tay hái mận, hái đào cách điểm Tình Khau Khang không xa. Sau đó, trước khi trở về, du khách có thể mua cho mình những món quà lưu niệm đặc sắc để nhớ về vùng đất và con người nơi đây.
Chị Doanh Hồng Na cho hay, du lịch bền vững là du lịch gắn liền với cộng đồng. Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng xây dựng thương hiệu “du lịch Kha Bản” (nghĩa là du lịch thôn quê dân dã) với tiêu chí vị trí gần - chất lượng - thân thiện - hiệu quả kinh tế. Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều người biết đến Ngân Sơn, phấn đấu phát triển thành một hợp tác xã vững mạnh trong ngành du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.