Giữa một bên là sự bức bối của môi trường làm việc rối rắm, một bên là tình cảm quý mến của những đồng nghiệp hẳn là chị không còn quyết tâm về quyết định của mình nữa.
Chị đã nộp đơn xin nghỉ, và thật khó để quay trở lại thay đổi nó. Theo một cách nào đó, chị cũng giống như tôi, từng có lúc không biết phải đối diện với hiện tại và tương lai như thế nào. Đôi lúc con người chúng ta, vì nghi ngờ trước quyết định của mình hay những gì xảy ra với mình nên sinh ra lo âu trước một tương lai bất định.
Trong giáo lý Đức Phật, Ngũ uẩn (sắc-thọ-tưởng-hành-thức) được xem như 5 yếu tố tạo thành con người, phối hợp những năng lực chi phối tâm lý con người. Vốn dĩ, đời sống của con người chúng ta không nằm ngoài mối tương giao giữa ngoại cảnh và các giác quan.
Nếu sự tương giao này càng phức tạp thì càng khiến cho hành động và suy nghĩ của chúng ta vượt khỏi vòng kiểm soát của ý thức mình. Nên muốn thoát khỏi những mộng tưởng lo lắng đó, chúng ta cần phải thực hành quán “ngũ uẩn đều không” mới được, tức là làm sao cho tâm-thân và thế giới xung quanh chúng ta đều không.
Nhưng để làm chủ được tâm-thân và thế giới đó vốn là việc không thể, bởi chúng ta đâu có làm chủ được thân này, mà ngay cả tâm mình cũng sinh ra từ vô ý thức.
Vậy những người phàm như chúng ta, làm sao có thể bình an?
Quay trở lại câu chuyện của chị đồng nghiệp. Nói một cách đơn giản, tôi chia sẻ với chị một số sự kiện trong cuộc đời mình, mà tôi cho rằng (trong sự hạn hẹp của con mắt phàm nhân) chúng đều dẫn đến một kết quả thực sự có ý nghĩa (ít ra đối với chính mình).
Tôi kể chuyện chị nghe ngày xưa mình đã quyết định rời bỏ con đường thiết kế thời trang, gạt qua sở thích của mình để quay trở lại học kiến trúc. Rồi cũng từ đó, nghề nghiệp dẫn dắt mình hơn chục năm nay, kết quả là tôi đúc kết chúng trong cuốn sách gần nhất của mình - “Con kiến xây”.
Tôi kể chị nghe về cái duyên tôi viết “Độc hành”, đem vào đó những trải nghiệm của mình trong quá trình đặt chân vào giới thiết kế thời trang, rồi kết hợp những trải nghiệm đó cùng những kiến thức về kiến trúc đã từng được học, có lẽ nhờ đó mà quyển sách cũng tạo được vài nét thú vị cho độc giả.
Từ đó, tôi nhận ra, mọi quyết định của mình đều có một ý nghĩa, đều dẫn mình đến những trải nghiệm chưa từng có. Và khi tôi chấp nhận những điều xảy ra với mình, như hiện thực mà nó chính là, tôi thấy chúng đều đúng đắn cả.
Tôi khuyên chị đừng bận tâm nhiều đến những lời nói ra nói vào, vì thật ra vẫn còn những người đồng nghiệp như chúng tôi thương quý và cần đến chị. Thế nên, chị hãy cứ nghe tiếng nói trong lòng mình, nơi mà trái tim chị thực sự muốn hướng đến.
Trái tim sẽ mách bảo chị những điều tốt nhất, những tín hiệu vũ trụ sẽ kết nối chị với những con người trong mối tương quan của quy luật nhân-quả. Rồi chị sẽ biết trái tim mình thôi thúc điều gì, và khi nó đến, hãy tôn trọng cảm xúc của mình, lắng nghe chúng, rồi hãy đi về phía đó.
Ngẫm cho mình
Tôi tự nhủ có phải chăng chính sự rời xa và biến mất của một ai đó khỏi cuộc đời mình, lại là một điều đúng đắn thì sao? Có khi nào chính việc đau khổ tạm thời đó, lại cứu chính mình khỏi sự đau khổ còn hơn gấp nhiều lần chăng?
Khi mà chúng ta vẫn quay quắt trong những câu hỏi không giải đáp được đó, thì hiện thực đó vốn dĩ đã vô thường như thế. Và ta cũng chỉ cần biết nó là như thế, đối diện với nó bằng cái tâm không sợ hãi, thì tự khắc có thể bình an đón nhận mọi thứ đến với mình.
Đời người giống như một dòng thác đổ, chảy mau và trôi xa, mang theo nó mọi vật; không có lúc nào, phút nào nó ngừng chảy. Nó cứ tiếp tục chảy mãi, trôi mãi. Một sự vật biến đi, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của vật kế tiếp trong một chuỗi dài nhân và quả. Không có gì là bản thể bất biến ở trong bất cứ sự vật sự việc nào.
Tôi tin rằng, mọi sự-việc đều xảy ra vì một lý do sâu sắc nào đó.
Và những quyết định của mình đều có ý nghĩa cả.
Nguyễn Đinh Khoa