Để làm được điều đó, trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng luôn tập trung nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, cộng đồng về sự học, lợi ích của việc phải học tập suốt đời để có được kỹ năng, kiến thức khoa học kỹ thuật, tạo cho người học cơ hội có việc làm, cơ hội khởi nghiệp.
Nhờ vậy, đến nay, từng gia đình đã quan tâm hơn đến việc học hành của con cháu. Người lớn cũng ý thức hơn việc tự nghiên cứu sách, báo, nghe tin tức; tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề, các lớp tập huấn, dạy nghề do địa phương tổ chức.
Điển hình là hộ gia đình ông Dương Phú Học ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Bằng kiến thức có được thông qua tự học, người cựu chiến binh này đã xây dựng Hợp tác xã vận tải và kinh doanh tổng hợp, giúp hơn 100 lao động có công ăn việc làm. Không chỉ nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho gia đình, hợp tác xã còn đóng góp hơn 600 triệu đồng cho Quỹ khuyến học địa phương.
Ông Học cho biết, sau khi tham gia nghĩa vụ quân sự, nhờ được học tập rèn luyện thể lực, tác phong quân ngũ nên bản thân có sức khỏe tốt, tư tưởng vững vàng. “Song do kiến thức văn hóa, xã hội có hạn, gia đình thuộc hộ nghèo, ruộng đồng bỏ hoang, khô cằn… chúng tôi tự tập hợp nhóm cựu chiến binh để cùng nhau giúp đỡ, vừa chăm lo gia đình, vừa xây dựng quê hương”.
Ngoài ra, bản thân ông Học cũng đăng ký theo học các lớp ngắn ngày, vừa nâng cao kiến thức văn hóa, vừa hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ, cách làm kinh tế do các đơn vị sở ngành tổ chức. Ông tâm niệm, học tập không chỉ cho bản thân mà còn cho con cháu noi theo, tạo ra xã hội học tập để đáp ứng với sự phát triển khoa học kỹ thuật. “Mọi thành viên trong đơn vị muốn tồn tại, phát triển đều phải học, tự bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lao động”, ông Dương Phú Học chia sẻ.
Phong trào học tập suốt đời tại Đà Nẵng đã giúp nhân rộng các mô hình học tập tại nhiều quận huyện như Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn... góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trang bị kiến thức khởi nghiệp, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho nhân dân.
Một số đơn vị cơ quan, doanh nghiệp đã khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi người tham gia học tập với những hình thức học và tự học linh hoạt. Ngoài việc quan tâm chăm lo cho con cháu được đến trường, người lớn trong các gia đình cũng ý thức hơn trong việc tham gia các hình thức học tập nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, bổ sung kinh nghiệm nghề nghiệp, kiến thức và kỹ năng sống. Nhờ vậy, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của cán bộ và người lao động ngày càng được nâng cao, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của công việc của từng bộ phận đang đảm nhiệm.
Chẳng hạn, bà Trịnh Thị Hồng, trú tại quận Liên Chiểu, với học vấn chưa hết bậc THPT nhưng có sáng kiến làm sản phẩm nước rửa chén, lau sàn, nước giặt từ lên men thực vật, từ rác thải. Hoàn toàn không biết gì về công nghệ sinh học nhưng bà lại thành công với chế phẩm đặc biệt ấy là nhờ vào khả năng tự học. Bà Hồng cho biết mình tự học từ sách báo và qua Internet.
Mô hình công ty của bà cũng là một trong 8 mô hình khởi nghiệp nổi bật nhất của Vườn ươm doanh nghiệp thành phố, góp phần tạo công ăn việc làm cho phụ nữ nghèo.
Trong các nhà trường, thầy Nguyễn Đức Tú Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn (Hải Châu, Đà Nẵng) cho hay xác định học tập suốt đời là cơ hội để người Việt Nam phát huy những phẩm chất tốt đẹp vốn có, nâng cao tri thức về mọi mặt, góp phần hoàn thiện bản thân, vì thế hàng năm, nhà trường đều tổ chức phát động việc học tập suốt đời đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thông qua các hoạt động “Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời”.
Nhà trường cũng kết hợp chặt chẽ với gia đình, Hội Khuyến học địa phương huy động các cháu đến tuổi đi học đều đến trường học tập, hạn chế học sinh bỏ học, giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật vượt khó học tập… Đồng thời, nhà trường luôn tập trung đổi mới phương pháp dạy và học để nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.
Với sự nhân rộng các mô hình học tập suốt đời, thành phố Đà Nẵng kỳ vọng điều này sẽ tạo nền móng để xây dựng nơi đây trở thành “Thành phố học tập” vào năm 2025. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Đà Nẵng sẽ có 40% người lao động trong “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, 60% cán bộ, công chức, nhân viên trong “Đơn vị học tập”, 70% công dân đạt kỹ năng số.
Ngoài ra, 70% gia đình được công nhận đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 65% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, 65% cộng đồng (thôn/tổ dân phố) được công nhận đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”, 80% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cấp xã, phường được công nhận đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”.