Trong khi cánh đàn ông ngồi cụng li và nói đủ mọi thứ chuyện trời biển ở các mâm trên, họ ngồi ở mâm dưới và có thể đóng vai trò của những người bưng bê, dọn dẹp.
Họ thường ngồi với nhau và thậm chí là phải ăn sau trong những cuộc nhậu, những bữa ăn trong các dịp giỗ chạp. Họ cũng có thể phải ngồi cùng mâm với trẻ con. Trong khi cánh đàn ông ngồi cụng li và nói đủ mọi thứ chuyện trời biển ở các mâm trên, họ ngồi ở mâm dưới và có thể đóng vai trò của những người bưng bê, dọn dẹp.
Trước đó, họ đã nấu ăn. Sau đó, họ rửa bát. Họ là những người phụ nữ trong các dịp tụ tập hoặc của gia đình, hoặc của bạn bè. Họ nằm trong "cuộc chơi xã hội" ở vị trí như thế một phần bởi những quan điểm phong kiến và cũ kĩ, gia trưởng trói buộc họ vào chức phận như thế.
Nhiều người phụ nữ Việt phải tất bật nấu nướng, dọn dẹp và ăn vội ở mâm riêng. Ảnh minh họa. |
Nhiều người chấp nhận như thế, bởi họ cho rằng, họ không thể làm khác trong xã hội hiện tại. Cũng có những người không muốn như thế, và phản ứng của số đông đối với họ là rất tiêu cực, vì sao thì tất cả đều hiểu.
Ấn tượng về việc những người phụ nữ quần quật vào bếp từ hôm trước, hoặc từ sáng của ngày giỗ chạp ở quê đã theo tôi từ ngày tôi còn bé. Ngày ấy chưa hiểu cuộc sống là gì, nhưng mỗi lần về quê, sau một chuyến đi dài thì cảnh đầu tiên đập vào mắt, sau cỗ bàn đã bày sẵn là các cô, các bác, các dì “quần xắn móng lợn”, mồ hôi vã trên trán, tay năm tay mười trong bếp.
Cỗ đã dọn, các ông các bác các chú ngồi ở mâm trên làm chén rượu, chút thuốc lào, và chuyện nở như ngô rang. Còn mẹ tôi, các bác gái, chị gái thì sau khi xong hết tất cả mọi việc mới được ngồi vào mâm, và rồi khi bữa tiệc đã tàn sau vài tiếng ngắn ngủi, có khi ăn chưa xong bữa cơm, họ lại tất tả dọn dẹp bát đĩa, trong khi cánh đàn ông tiếp tục xỉa răng nói chuyện.
Cái cảnh ấy đã lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần trong những năm qua, cho đến khi tôi lớn lên, thành một người đàn ông trưởng thành và biết suy nghĩ, trở thành một nỗi ám ảnh lớn lao về người phụ nữ ở mình và những điều mà họ phải đương đầu, nếm trải.
Ai đó sẽ nói, phụ nữ sinh ra là để làm những việc ấy. Năm ngoái, cô gái sau đó đăng quang Hoa hậu Việt Nam từng được ca ngợi vì nói rằng, điều làm nên sự khác biệt giữa phụ ta và phụ nữ khác trên thế giới là "sự hy sinh". Sự hy sinh ấy đã trở thành một chức phận, một sợi dây vô hình tròng lên cổ người phụ nữ, khiến họ sinh ra đã bị ràng buộc bởi rất nhiều những định kiến tưởng như sẽ mất đi với thời gian, nhưng vẫn tồn tại một cách rõ ràng trong một xã hội đang dần biến chuyển với thời cuộc mở cửa, trong mỗi gia đình thành thị, ở những làng quê.
Đàn ông Việt ngồi riêng mâm để thoải mái ăn nhậu. Ảnh minh họa |
Sự phân biệt ấy không chỉ nằm trong những quan niệm trọng nam khinh nữ khi người ta nói đến một đứa trẻ nào đó sắp ra đời, hoặc muốn được ra đời trong tương lai gần, mà phân biệt ngay cả khi người ta sắp mâm khi ăn cỗ. Người ta coi việc chia mâm trên dưới, nam riêng nữ riêng là việc rất bình thường, đàn bà không được dính vào chuyện của cánh đàn ông bù khú. Đấy là một ví dụ rất sinh động về vai trò của người phụ nữ bây giờ. Người ta cũng mặc nhiên coi phụ nữ quần quật nấu một bữa cơm cho họ hàng ngày và vào bếp làm đồ nhậu cùng bạn bè họ là một việc rất đương nhiên.
Và thỉnh thoảng, mỗi khi Trang Hạ lên tiếng về vấn đề hiển nhiên về cách sống của cánh đàn ông Việt, cách họ cư xử với phụ nữ, một làn sóng chống đối mạnh mẽ xuất hiện từ nhiều phía, trong đó có cả phụ nữ.
Tôi không ngạc nhiên về điều đó, cũng không có ý định chống lại hoặc đưa ra những nhận xét tiêu cực về văn hóa giỗ chạp Tết nhất ở mình, tôi chỉ tin rằng, những người đàn ông chống lại những điều Trang Hạ đã nói và ngăn cản những thay đổi mang tính tích cực cho phụ nữ trong xã hội bởi bản tính Á Đông và những rơi rớt của tư tưởng Nho giáo khiến họ không muốn nhìn rộng và xa hơn nữa về vấn đề phụ nữ hiện đại.
Họ thích cuộc sống hiện đại của "Tây", nhưng họ không muốn người phụ nữ của họ được giải phóng theo đúng nghĩa. Cơm phải ngon, canh phải ngọt, nhà phải sạch, con cái phải thật thơm tho, quan hệ nội ngoại phải hoàn hảo và bản thân người phụ nữ phải thể hiện sự phục tùng hoặc đơn giản hơn là thứ làm đẹp cho họ trong quan hệ với cộng đồng. Khi những người phụ nữ vượt ra khỏi những khuôn khổ đầy áp đặt ấy, điều tiếng sẽ bay về phía họ, cũng như một lẽ đương nhiên nốt.
Sẽ chẳng có gì thay đổi nếu những va đập xã hội giữa các luồng tư tưởng cũ và mới không diễn ra, cũng như sẽ không có gì suy suyển khi người ta coi những điều đang diễn ra ấy vẫn là bình thường. Chúng ta nói về giải phóng phụ nữ, về bình đẳng giới, nhưng chúng ta không cho họ cơ hội, ngược lại, một cách vô hình, tiếp tục trói buộc họ trong những vòng kim cô của người đời...
Trương Anh Ngọc (từ Roma, Italia)