Ai trong đời cũng đi tìm thành công và hạnh phúc, gia đình nào cũng mong muốn hạnh phúc, công ty nào, tổ chức nào cũng muốn hùng mạnh. Và tương tự, quốc gia nào cũng muốn thay đổi để phú cường và văn minh, nhưng ai sẽ làm điều đó? Ai sẽ người nắm giữ chiếc chìa khóa mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và gia đình, cho sự lớn mạnh của một tổ chức, doanh nghiệp và sự hùng cường của một quốc gia?
Trước khi trả lời câu hỏi quan trọng trên, tôi xin kể một câu chuyện. Có lần, khi đi xem một vở kịch, kết thúc phần 1, cô MC ra nói xin quý vị khán giả một tràng pháo tay, nhưng chỉ có lẹt đẹt vài cái. Tôi quay sang hỏi một anh ngồi kế bên, anh thấy vở kịch hôm nay như thế nào? Anh ấy nói, tuyệt vời, nhiều năm không đi xem kịch, không ngờ kịch lại hay quá như vậy, anh ấy rất tâm đắc.
Tôi hỏi thêm, sao anh thấy vở kịch hay, mà hồi nãy không thấy anh vỗ tay. Anh trả lời một cách hồn nhiên, “đã có người khác vỗ rồi, mình không vỗ cũng được”. Có lẽ hầu hết mọi người trong khán phòng hôm đó đều nghĩ như vậy, nên đã không có đủ những tràng pháo tay mà các nghệ sĩ xứng đáng được nhận.
Câu nói buột miệng của anh ấy: “Đã có người khác vỗ rồi, mình không vỗ cũng được” đã thực sự thức tỉnh tôi. Suy rộng ra, vậy ai sẽ thay đổi đất nước này, ai sẽ làm cho đất nước này hùng cường? Nếu ai cũng nghĩ rằng, đã có ai đó làm rồi thì sẽ không có ai làm cả và đất nước đó sẽ nghèo bền vững. Ai sẽ làm công ty này hùng mạnh? Nếu ai trong công ty cũng nghĩ là đã có người khác làm rồi tôi không làm cũng được thì có thể công ty sẽ phá sản. Ai sẽ làm cho gia đình này hạnh phúc? Nếu ai trong gia đình đó cũng nghĩ rằng, đã có ai đó làm rồi thì gia đình đó khó mà đầm ấm được…
Như vậy, trong mọi việc và mọi nơi, nếu tư duy “đã có người khác làm rồi, mình không làm cũng được” ngự trị và phổ biến thì sẽ hủy hoại quốc gia, tổ chức, gia đình và bản thân. Để tránh được điều này, chúng ta sẽ có thể điều chỉnh tư duy một chút, đó là, mình cứ tập trung vào công việc và bổn phận của mình, còn người khác có làm hay không, đó là việc của họ; mình hãy hành xử dựa trên lương tri và tiếng lòng của mình trước đã! Chẳng hạn, mình thấy kịch hay thì cứ vỗ tay, còn người khác có vỗ tay hay không thì đó là việc của họ; mình thấy cái gì nên làm, cần làm, phải làm và có thể làm thì cứ làm, còn người khác có làm hay không, đó là việc của họ, và đó cũng là cách nghĩ của con người độc lập và tự do.
Đôi khi ta quá quan tâm đến việc của người khác, nhưng lại chưa đủ quan tâm vào việc của mình. Chẳng hạn, nhiều ông chồng thỉnh thoảng vẫn thắc mắc là vì sao vợ không thương mình? Trong khi việc của chồng là thương vợ và cố gắng xứng đáng để được vợ thương, còn vợ có thương mình hay không, đó là việc của vợ. Và ngược lại, việc của vợ là thương chồng và cố gắng xứng đáng để được chồng thương, còn chồng có thương mình hay không, đó là việc của chồng. Khi cả hai vợ chồng đều thực sự nghĩ và sống như vậy thì chắc hẳn gia đình sẽ hạnh phúc hơn.
Tôi rất tâm đắc câu nói của nhà hiền triết Mahatma Gandhi, “Chính bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong cuộc đời này”. Cho nên, thay đổi phải bắt đầu từ “tôi”, thay đổi đến từ “tôi”.
Với tư duy này, nếu hỏi rằng, ai sẽ thay đổi đất nước này, ai sẽ làm cho đất nước này hùng cường thì câu trả lời là “tôi” và ai cũng có thể là “tôi”.
Tôi sẽ làm cho đất nước này phát triển bằng cách làm cho tôi phát triển, bởi lẽ, khi tôi làm cho tôi sáng ra thì sẽ bớt cho đất nước một một người tăm tối, khi tôi trở thành một người tử tế thì sẽ bớt cho đất nước một kẻ không ra gì… Có lẽ không có cống hiến nào cho đất nước, cho cuộc đời này lớn hơn là trở thành một người tử tế. Vì khi mình là người thực sự tử tế thì làm gì cũng tử tế, bất kể là làm ăn, làm việc, làm nghề, làm dân, làm cha/mẹ, làm vợ/chồng, làm dâu/rể, làm con cái, làm bạn bè…
Đó cũng là lý do mà trong cuốn sách “Đúng Việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh” (NXB Tri Thức, 2015), tôi có đặt ra bốn tiền đề.
Quốc gia: Một quốc gia sẽ thịnh vượng và văn minh khi phần lớn người dân trong quốc gia đó đều làm đúng và làm tốt công việc của mình.
Tổ chức: Một tổ chức sẽ hùng mạnh khi phần lớn những thành viên trong tổ chức đó đều làm đúng và làm tốt công việc của mình.
Gia đình: Một gia đình sẽ hạnh phúc trọn vẹn khi tất cả các thành viên trong gia đình đó đều làm đúng và làm tốt công việc của mình.
Cá nhân: Một con người chỉ có thể thành công bền vững và hạnh phúc đích thực khi và chỉ khi người đó làm đúng và làm tốt tất cả công việc của mình.
Vậy, “việc” là việc gì? và thế nào là “đúng”?
Hành trình đi tìm lời đáp cho hai câu hỏi này cũng là hành trình đi tìm chân lý, đi tìm bản chất và chân giá trị của mọi thứ. Đó cũng là hành trình khai minh của muôn người và muôn đời.
Thực ra, công việc của bất kỳ ai trong đời cũng bao gồm Làm người, Làm dân và Làm nghề (làm nghề trong công sở và làm nghề trong gia đình). Lựa chọn “đúng việc” hay “sai việc” của mỗi người trong từng công việc ấy sẽ làm nên con người và cuộc đời của họ, cũng như làm nên gia đình, tổ chức và xã hội mà họ đang sống.
Bởi lẽ, con người thì khác với muông thú, cỏ cây và máy móc, con người tự do thì khác với con người nô lệ, con người công cụ, con người phận vị, con người hoang dã; công dân thì khác với thần dân hay nô dân; người thầy thì khác với thợ dạy hay máy dạy; trí thức thì khác với trí nô; nhà văn thì khác với bồi bút; nhà quản trị thì khác với kẻ cai trị; lãnh đạo thì khác với cầm quyền; doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn…
Nhưng làm sao lựa chọn nếu không hề biết đến sự tồn tại của những lựa chọn đó, không rõ đâu là sự khác biệt giữa chúng và đâu là “mình” giữa những lựa chọn đó? Làm sao có thể làm đúng khi chưa biết đâu là cái đúng? Làm sao “làm ra chính mình” hay “được là chính mình” khi chưa biết đâu là mình?... Hành trình “tôi đi tìm tôi” đó cũng chính là hành trình khai minh của mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức và mỗi xứ sở.
Lâu nay nhiều người vẫn than thở là xã hội, thế giới và thời cuộc bây giờ có quá nhiều điều khiến chúng ta phải trăn trở. Vậy căn nguyên của những gì đang diễn ra trong xã hội, căn nguyên của những vấn đề mà con người ngày nay đang gặp phải là gì và do đâu?
Tôi cho rằng, những thực trạng mà chúng ta đang nhìn thấy ngày nay của con người, của gia đình, của tổ chức, của xã hội bắt nguồn sâu xa từ việc có quá nhiều thứ chưa được trả lại bản chất và chân giá trị của nó, cũng như có quá nhiều người chưa hiểu đúng và làm tốt những “công việc” của mình.
Do vậy, để con người và gia đình hạnh phúc, để tổ chức thành công và quốc gia hùng cường thì hãy bắt đầu từ chuyện bàn về “đúng việc” và “sai việc”, cũng như cần tư duy lại, định nghĩa lại mọi thứ và tìm về chân giá trị của mọi vấn đề.
Chẳng hạn “làm nghề” thì bao gồm trong công sở và làm nghề trong gia đình. “Làm nghề” trong công sở chính là làm bác sĩ, kỹ sư, giám đốc, kế toán, bảo vệ, thư ký, công nhân… Còn “làm nghề” trong gia đình chính là làm cha/mẹ, vợ/chồng, làm con cái, làm ông/bà, dâu/rể, làm anh, chị, em… Nghĩa là, cha có việc của cha, mẹ có việc của mẹ, vợ có việc của vợ, chồng có việc của chồng, con cái ông bà nói chung mỗi người sẽ có bổn phận riêng của mình trong gia đình, chỉ cần một thành viên trong gia đình làm không đúng hoặc làm không tốt công việc hay bổn phận của mình thôi thì gia đình khó có hạnh phúc trọn vẹn.
Nghề làm cha mẹ ngày nay cũng vô cùng thách thức, làm cha mẹ giúp con có khả năng tự lực khai phóng, giúp con khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng để con trở thành con người tự do, công dân trách nhiệm và chuyên gia ưu tú, thì khác với việc thao túng con để biến con cái trở thành người mà cha mẹ muốn (nhưng không chắc đó là tố chất, tiềm năng và ước nguyện của con). Cha mẹ muốn dạy con thành người thì trước hết phải xem “con người” lớn hơn “con mình”. Vì chỉ khi xem con cái là con người mới có thể giúp con khai tâm và mở trí để phát huy tiềm năng và hiện thực ước nguyện tốt lành của con, còn khi xem con cái chỉ là “con mình” thì rất dễ biến con thành công cụ, thành tài sản hay thành vật trang sức của gia đình.
Riêng đối với doanh nhân thì “đúng việc” của doanh nhân là gì? Là làm kinh doanh đúng nghĩa và làm lãnh đạo đúng nghĩa? Vậy làm kinh doanh là làm gì? Tôi cho rằng, “kinh doanh làm kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm dịch vụ tốt lành”. Không có doanh nghiệp nào lại không bán cái gì đó, và cái mà doanh nghiệp bán phải tốt lành mới là kinh doanh, còn nếu không tốt lành thì không phải là kinh doanh, mà chỉ là đội lốt kinh doanh mà thôi.
Còn làm lãnh đạo là làm gì? Lãnh đạo khai phóng là ai? Trước khi nói về lãnh đạo khai phóng thì trước hết hãy nói về con người tự do. Con người tự do đích thực sẽ không đi theo lãnh đạo, mà chỉ đi theo “lá cờ” đúng đắn mà lãnh đạo phất lên. Còn lãnh đạo khai phóng là người có khả năng dẫn dắt thành công những con người tự do để cùng nhau đạt được tầm nhìn và mục tiêu chung.
Như vậy, khi tập trung làm đúng và làm tốt công việc của mình (làm người, làm dân và làm nghề) cũng chính là cách tốt nhất để phát triển bản thân, đồng thời góp phần phát triển gia đình, tổ chức và đất nước. Có thể ta không thay đổi được hướng gió, nhưng ta có thể điều chỉnh được cánh buồm, vì cánh buồm nằm trong tay ta và thuyền vẫn có thể đi ngược gió. Khi nhiều người nghĩ như vậy và làm như vậy thì đất nước nhất định sẽ đổi thay và phát triển. Thay đổi đến từ “Tôi”, chính “Tôi” là sẽ người thay đổi đất nước!