Những nhân vật hàng đầu khởi xướng Bộ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử Hòa bình và An ninh Internet (ECCC) mong muốn góp phần làm trong lành môi trường Internet, để Internet phát huy cao nhất những điều tốt đẹp, hạn chế thấp nhất những điều xấu xa.

Tờ báo Boston Globe của nước Mỹ đã đưa tin Diễn đàn toàn cầu Boston (BGF) vừa công bố Bộ quy tắc ứng xử Hòa bình và An ninh Internet (ECCC) đầu tiên ra đời.

Bộ chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử đầu tiên trên mạng Internet khá toàn diện, dành cho mọi công dân mạng, những kỹ sư công nghệ thông tin, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo chính phủ, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà giáo dục, và những người có ảnh hưởng với xã hội.

Họ là một nhóm những học giả có uy tín ở Mỹ đã tiên phong xây dựng nên Bộ chuẩn mực đạo đức này. Đó là Ứng viên Cựu Tổng thống Mỹ - Michael Dukakis, ông Nguyễn Anh Tuấn, GS Thomas Patterson - Giám đốc Trung tâm Shoreinstein, Harvard, Gs Carlos Torres - Chủ tịch Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu, Đại học UCLA...

Cách đây một năm về trước, tờ NewYork Times đã đăng lại một câu chuyện cảm động của một người mẹ kể lại đứa con 13 tuổi mắc bệnh tự kỉ của bà hàng ngày trò chuyện với phần mềm Siri của chiếc điện thoại Iphone, cậu bé coi Siri như một người bạn thân nhất trong đời của cậu.

{keywords}

Những nhà lãnh đạo của Diễn đàn Toàn cầu Boston : Cựu ứng cư viên Tổng thống Mỹ  Giáo sư Michael Dukakis (bên trái),  cha đẻ thuyết quyền lực mềm Giáo sư Joseph Nye. Ảnh: BGF

Câu chuyện đó đã mang đến một góc nhìn khác và khiến chúng ta không khỏi suy tư về thế giới mình đang sống với cuộc cách mạng công nghệ thông tin và Internet bùng nổ trên toàn cầu.

Có thể nói Internet là một trong số ít những phát minh vĩ đại của nhân loại nhưng dường như lại chưa thực sự tiên liệu trước những ảnh hưởng, thay đổi của nó trong cuộc sống loài người. Lúc đầu, nó chỉ là một phương tiện điện tử với tính năng đơn giản là truyền thông tin nhưng giờ đây, nó đã có mặt ở khắp mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của mỗi người  trên toàn cầu.

Cứ mỗi giây trôi qua, vai trò của internet càng lớn hơn và thể hiện sự phức tạp khôn lường. Nó là nơi đầy ắp những điều tốt đẹp lớn lao và cũng là nơi chứa chấp những cái xấu khủng khiếp tiềm tàng.

Những điều tốt đẹp lớn lao mà internet mang lại đó là mở ra một chân trời tri thức cho con người có thể tiếp cận, tìm tòi và nghiên cứu. Nó đã góp phần xóa bỏ những rào cản ngăn cách giữa không gian và thời gian, giữa con người với con người mà như người ta vẫn nói với nhau rằng khi có Facebook, Skype, Gmail…chúng ta không còn cảm thấy cô đơn trên mạng nữa. Chỉ cần ngồi một chỗ truy cập internet ở quốc gia này là có thể biết được điều gì đang diễn ra ở mọi quốc gia khác. Mỗi người đều có thể trở thành công dân toàn cầu...

Internet đã góp phần định hình tương lai của con người, quốc gia và doanh nghiệp như thế.

Việc sử dụng Internet rộng rãi khắp mọi nơi đang tạo ra những biến chuyển xã hội, văn hóa và chính trị sôi động nhất trong lịch sử thế giới. Nhìn sâu hơn nữa, có thể thấy chưa bao giờ trong lịch sử lại có nhiều người từ khắp nơi trên thế giới có nhiều quyền lực dưới bàn tay của họ như vậy.

Chủ tịch Google – Eric Schmidt nhận định trong một cuốn sách của mình rằng trong quá khứ cũng như hiện tại, khả năng tiếp cận thông tin và những kênh truyền thông mới từ Internet mang lại những cơ hội mới để các cá nhân có thể tham gia vào những vấn đề chính trị xã hội, buộc người nắm quyền lực cần có trách nhiệm hơn, và để người dân có quyền tự chủ lớn hơn trong cuộc sống cá nhân của mình.

Bên cạnh đó, cũng đã có một cuộc tổng kết rằng phần lớn những hiểm họa từ Internet đều do con người gây nên. Hệ lụy của một không gian tự do không bị kiểm soát trên Internet ảnh hưởng lớn đến các quốc gia trên thế giới đó là vấn đề an ninh mạng, các cuộc tấn công mạng xâm phạm đến quyền bảo mật thông tin của mỗi quốc gia.

Những trang web đầy hận thù được lập nên từ các tổ chức khủng bố càng trở nên nguy hiểm và phức tạp, chưa kể không gian mạng là tự do nên nhiều cá nhân đã bày tỏ ý kiến một cách tuỳ tiện,  thóa mạ, bôi nhọ cuộc sống cá nhân, phát tán thông tin không có sở cứ triệt hạ uy tín cá nhân, tổ chức, hay thương hiệu, coi internet là nơi để trút bỏ mọi thứ…

Chiến tranh vũ trang, quân sự giữa các quốc gia có thể nhìn thấy trong thực tế, tuy nhiên các cuộc chiến trên internet lại là những cuộc chiến ngấm ngầm giữa các quốc gia. Mới đây, Tổng thống Obama đã đe dọa trừng phạt quan chức Trung Quốc vì vấn đề tấn công mạng mà Washington cáo buộc do các hacker Trung Quốc gây ra nhằm lấy các bí mật cũng như sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà trắng Susan Rice cũng đã đưa ra phát biểu cứng rắn xung quanh luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh cũng như hoạt động gián điệp mạng rằng: “Đó không chỉ là khó chịu bình thường, mà là lo ngại về an ninh quốc gia và kinh tế của Mỹ. Vấn đề này chất căng thẳng lên quan hệ song phương và đó là một nhân tố quan trọng trong việc quyết định hướng đi tương lai của quan hệ Mỹ - Trung”.

Một sự thực không thể chối cãi là kết nối mạng có lợi cho những kẻ khủng bố và cực đoan thích bạo lực. Các chuyên gia dự báo những hoạt động khủng bố trong tương lai sẽ bao gồm những khía cạnh thật và ảo, từ khâu tuyển mộ cho đến việc thực hiện kế hoạch. Có thể khả năng kinh khủng hơn xảy ra là một trong những nhóm này sẽ nắm được trong tay vũ khí hạt nhân, hóa học hay vũ khí sinh học. Chúng ta trở nên vô cùng dễ dàng bị tấn công bởi các phần tử, tổ chức khủng bố mạng (cyber terrorism) theo nhiều hình thức khác nhau.

Khi nhìn về tương lai đầy những hứa hẹn và thách thức, chúng ta sẽ nhìn thấy một thế giới mới tốt đẹp hơn mà trong đó công nghệ thông tin, internet sẽ là một phần của tất cả những thách thức cũng như các giải pháp của nhà nước, công dân và doanh nghiệp. Những quy tắc, chuẩn mực về đạo đức và ứng xử trên Internet sẽ góp phần tạo nên một thế giới trí tuệ, nhân ái và đẹp đẽ hơn.

Với phiên bản 1.0, bộ chuẩn mực đạo đức và quy tức ứng xử được công bố ngày 23/9 do các nhân vật có uy tín cao khởi xướng,  và được thảo luận tại Hội nghị ngày 25/9 tại Đại học Harvard với sự tham dự, dẫn dắt của nhiều nhân vật hàng đầu như  Cựu ứng viên Tổng thống Mỹ-  Michael Dukakis Giáo sư John Quelch – Trường kinh doanh Harvard, Giáo sư  Thomas Patterson, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giáo sư Carlos Torres, Đại học UCLA.

Ngoài ra, còn có sự tham gia của các nhân vật được tạp chí  Time xếp vào 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trên thế giới, Tạp chí Foreign Policy bình chọn là 100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới, những nhà lãnh đạo hãng truyền hình lớn như ABC News…

BGF thành lập Mạng các nhà báo toàn cầu  an ninh Internet (Global Cybersecurity Journalists Network-GCJN), những người sáng lập và dẫn dắt gồm: Chủ tịch Michael Dukakis, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giáo sư Thomas Patterson (Giám đốc Trung tâm Truyền thông, chính trị, và chính sách công  Shorenstein, Đại học Harvard), Giáo sư Thomas Fiedler, Hiệu trưởng trường Truyền thông, Đại học Boston, nguyên Tổng biên tập Miami Herald, nhà báo xuất sắc được giải Pulitzer.

Xem thông tin Bộ quy tắc, chuẩn mực về đạo đức và ứng xử trên Internet tại website: bostonglobalforum.org

Lan Anh