Những người hùng ở Vũ Hán |
Các nhân viên giao hàng không muốn lên lầu.
Tài xế Zhang Sai đang ở bên ngoài một toà nhà chung cư ở Vũ Hán - tâm dịch Covid-19 đang làm tê liệt thành phố sôi động này. Anh được yêu cầu không giao đồ ăn tới tận cửa nhà khách hàng để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh.
Nhưng người phụ nữ trên điện thoại đã van nài anh. Chỗ đồ ăn là dành cho mẹ cô ấy – người không thể đi xuống sảnh để gặp anh.
Zhang mủi lòng. Anh bỏ qua yêu cầu của ông chủ và chạy lên trên. Khi anh vừa đặt túi đồ ăn xuống sàn nhà, cánh cửa mở ra. Ngay lập tức, anh vội vã bỏ đi. Anh cuống cuồng dùng ngón tay bấm nút thang máy, chạm vào bề mặt mà anh sợ rằng có thể lây truyền virus.
Cứ thế, Zhang - tài xế 32 tuổi - phi hết tốc lực tới điểm giao hàng với một ngón tay duỗi thẳng đứng để không chạm vào những ngón tay còn lại. Ngón tay ‘nguy hiểm’ kia có thể coi là khu vực cách ly thu nhỏ.
‘Tôi rất sợ. Vì đang đi xe máy nên tôi cảm thấy ngón tay mình giống như một lá cờ’ - anh nhớ lại trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Với nhiều người Trung Quốc thời điểm này, những nhân viên giao hàng như Zhang là kết nối duy nhất giữa họ và thế giới bên ngoài. Khác với những ngày thường, các tài xế trên đường phố Vũ Hán giờ đây được tôn vinh như những người hùng.
Trên khắp mọi miền của Trung Quốc, có ít nhất 760 triệu người - gần 1/10 dân số thế giới - đang phải đối mặt với một số hình thức cách ly. Yêu cầu này đặc biệt nghiêm ngặt hơn ở Vũ Hán - nơi mà những nỗ lực của Chính phủ trong việc ngăn chặn virus đã khiến gần 11 triệu dân phải đóng chặt cửa trong nhà.
Mỗi hộ gia đình được cử 1 người ra ngoài mua nhu yếu phẩm 3 ngày 1 lần. Nhiều người không muốn mạo hiểm tính mạng mình một chút nào vì sợ bị lây nhiễm. Trong số hơn 2.200 người chết và 75.000 ca nhiễm bệnh, phần lớn đều ở Vũ Hán.
Nhưng con người thì vẫn phải ăn. Đó là lý do tại sao Zhang và cộng đồng tài xế của mình chạy xe ngoài đường mỗi ngày. Khi Vũ Hán và các thành phố khác đóng cửa, họ trở thành động mạch chủ của quốc gia, là người giữ cho những miếng thịt, mớ rau còn tươi ngon đến tay người dân.
Zhang Sai - nhân viên giao hàng ở Vũ Hán những ngày dịch bệnh |
Rõ ràng họ đang làm một công việc vô cùng nguy hiểm và vất vả. Hiện Zhang đang làm việc cho Hema - một chuỗi siêu thị được sở hữu bởi gã khổng lồ Alibaba. Anh đi khắp thành phố mà chỉ có thiết bị bảo hộ là chiếc khẩu trang và chai nước rửa tay mà công ty cấp cho mỗi buổi sáng.
Đồng phục của anh là bộ quần áo màu xanh sáng với logo con hà mã. Đó là dấu hiệu để thông báo với các cơ quan chức năng rằng anh được phép lưu thông trên đường phố.
Ban đêm, anh cố gắng không nghĩ đến dịch bệnh. Anh nghe nhạc trữ tình và theo dõi những thông tin tích cực trên tivi.
Hàng chục chuyến giao hàng mỗi ngày của anh không chỉ vì người dân Vũ Hán, mà còn vì cuộc sống của chính gia đình anh. Cả nhà 3 người lớn và 2 đứa con sinh đôi 4 tuổi đều trông cậy hết vào nguồn thu nhập của Zhang. Anh không bao giờ nghĩ tới việc nghỉ làm, ngay cả khi sự nguy hiểm hiển hiện rõ ràng. Khi gia đình bảo anh nên nghỉ, anh cũng phớt lờ lời khuyên ấy.
Gia đình Zhang hiện đang sống ở khu ngoại ô TP. Vũ Hán. Anh không thể về thăm nhà vì dịch bệnh, nhưng ngày nào cũng trò chuyện qua video. Zhang cho biết, nếu đi nhanh và làm nhiều giờ mỗi ngày, anh có thể kiếm được 8.000 tệ (khoảng 26,5 triệu đồng) mỗi tháng – nhiều hơn thu nhập cũ của anh là bưu tá. Trong khi mức thu nhập trung bình ở Vũ Hán năm 2017 là khoảng 6.640 tệ/ tháng (22 triệu đồng).
Zhang và các đồng nghiệp liên tục chia sẻ kinh nghiệm ngăn ngừa việc nhiễm bệnh. Một đồng nghiệp khuyên anh nên dùng chìa khoá để bấm nút thang máy. Vào một buổi chiều, có người chia sẻ trong nhóm ‘chat’ của công ty là một bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 đã chết ở khu vực 125. Anh ta khuyên đừng giao hàng tới khu vực đó nữa.
‘Chết tiệt. Tôi phụ trách giao hàng khu vực này’ – một người nói.
Nhưng đến giờ, vẫn chưa có đồng nghiệp nào của Zhang bị nhiễm bệnh.
Tuy vậy, dịch bệnh lại mang đến những màu sắc tươi sáng khác trong công việc của Zhang. Trước đây, đường phố đông đúc vào giờ cao điểm. Còn bây giờ, đường xá vắng tanh, giúp anh đi khắp thành phố một cách dễ dàng.
Và điều đặc biệt là con người ta cũng tử tế hơn. Trước kia, một số khách hàng còn không thèm mở cửa hay liếc nhìn anh. Sau khi dịch bệnh bùng phát, ai cũng nói lời cảm ơn anh khi nhận hàng.
‘Có một câu nói như thế này: ‘Mọi lời nói của con người đều trở nên tử tế khi cái chết cận kề’. Ai cũng rất mệt mỏi rồi. Ai cũng phải chịu đựng quá lâu’ – Zhang nói.
Chính quyền thành phố Vũ Hán vừa yêu cầu các khu dân cư thành lập các điểm giao hàng ‘không tương tác’. Khi Zhang giao hàng, anh chỉ cần đưa hàng tới một trạm kiểm soát được chỉ định trong khu phố và rời đi.
Tuy nhiên, bỏ qua mọi thứ bất thường của những ngày này, với Zhang, thay đổi lớn nhất lại là thói quen giải trí sau một ngày làm việc của anh. Trước kia, khi về nhà, anh chỉ xem tivi hoặc đi chơi với bạn bè. Còn bây giờ, mỗi tối, anh lại viết bài cho tạp chí. Những bài viết được đăng tải và chia sẻ khiến anh rất vui.
Bài đăng đầu tiên của anh là vào ngày 30/1 trên tạp chí điện tử Single Read với tựa đề ‘Tự thuật của một người giao hàng ở Vũ Hán’. Kể từ đó, anh đã được đăng thêm 5 bài viết nữa.
Anh viết về chuyện mình đã nhờ một người bạn chăm sóc các con trai nếu anh bị bệnh, về chuyện nhìn thấy 2 ông già chơi cờ ngoài đường mà không hề đeo khẩu trang…
‘Bình thường, bạn sẽ thấy nhiều người ra ngoài tắm nắng, chơi cờ, mua sắm hoặc chẳng làm gì cả’ – anh viết. ‘Thường thì tôi cho rằng họ quá ồn ào. Nhưng bây giờ tôi phát hiện ra rằng một thành phố không có ai la hét thật là nhàm chán’.
Zhang kể, anh vốn nuôi dưỡng khát vọng văn chương. Anh từng viết tiểu thuyết, làm thơ nhưng chưa từng được đăng tải bất cứ tác phẩm nào.
Anh chỉ học hết cấp 2. Anh nghĩ rằng điều đó sẽ khiến các biên tập viên e ngại. Nhưng cuối cùng, họ đã xuất bản những bài viết của anh mà chỉ sửa một chút ngữ pháp.
Anh đọc tất cả bình luận phía dưới bài viết của mình. Nhiều người nói họ không tin rằng một nhân viên giao hàng lại viết được như thế.
‘Tôi nghĩ người ta thích tôi vì tôi giống như họ’ – anh nói.
Zhang nói anh sẽ tiếp tục viết ngay cả khi dịch bệnh đã được đẩy lùi. Anh bắt đầu nhận ít đơn hơn để có thời gian viết lách.
Nếu các tạp chí dừng xuất bản bài viết của anh, anh vẫn sẽ đi giao hàng để kiếm tiền, nhưng sẽ không ngừng viết.