Giữ tiếng Việt với tình yêu quê hương
Tỉnh Udon Thani cách Thủ đô Bangkok khoảng 560km, là một trong những tỉnh có cộng đồng người Thái gốc Việt đông đảo nhất ở Thái Lan. Đến nay, cộng đồng người Thái gốc Việt ở Udon Thani đã trải qua nhiều thế hệ với hơn 60.000 người.
Đến Udon Thani, bạn sẽ thấy các quán ăn Việt Nam ở hầu hết các con phố. Người Việt sinh sống đông đúc trong cộng đồng Bản Chik ngay giữa Udon Thani và rải rác khắp nơi trong tỉnh.
Udon Thani còn được biết đến là nơi tập kết quân đội chống Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện tại, ở đây còn có cả Khu Nghiên cứu và du lịch lịch sử Hồ Chí Minh.
Hàng chục năm qua, phong trào dạy học tiếng Việt luôn được bà con duy trì, gìn giữ. Nhiều thầy cô tham gia phong trào ở những ngày đầu tiên, giờ đã lên chức ông, bà.
Điển hình như cô giáo Nguyễn Thị Xuân Oanh, người đã gắn bó với việc dạy tiếng Việt trong hơn 60 năm qua ở Udon Thani. Theo cô giáo, ngay sau khi bà con người Việt tản cư từ Lào sang Thái Lan năm 1946, Tổng hội Việt kiều cứu quốc đã tổ chức cho con em Việt kiều được đi học. Các lớp học tổ chức tại các làng Việt kiều, bắt đầu với những lớp vỡ lòng, lớp 1, 2.
Khi cuộc sống kiều bào đã tạm ổn định, Tổng hội tiếp tục mở những lớp có trình độ cao hơn như lớp 5, lớp 6 và cao nhất là lớp 8. Những học sinh học lớp này thường là các học sinh lớn, được hướng trở thành giáo viên để quay lại dạy cho con em Việt kiều. Lực lượng giảng dạy khi đó, ngoài một số các thầy giáo cũ từ bên Lào tản cư sang còn có một số người có trình độ.
Mặc dù khó khăn, kinh phí hạn hẹp nhưng bà Oanh và các giáo viên đi dạy rất nhiệt huyết. Ban ngày bà Oanh đi dạy, tối đi học thêm văn hóa. Các ngày thứ 5 phải tham gia bồi dưỡng cách giảng dạy, chủ nhật thì sinh hoạt giáo viên, chưa kể tham gia các hoạt động thanh niên.
Ngoài cô Oanh, có thầy Phạm Văn Tuấn (tức Diệm) và thầy Lê Văn Nghĩa là những người thuộc thế hệ thầy giáo dạy tiếng Việt đầu tiên ở Udon Thani.
Trước đây, khi mới bắt đầu dạy học, trình độ thầy Diệm chỉ ở mức độ lớp 5 nhưng vì đam mê công việc giáo dục nên thầy tự học theo sách bổ túc bên Việt Nam gửi sang. Nhờ đó, thầy có thêm kiến thức truyền tải đến học trò.
Các thầy, cô vừa tham gia dạy cho các lớp học, vừa phải tự biên soạn giáo trình giảng dạy. Khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là không có tài liệu tham khảo vì không ai mang được sách giáo khoa khi tản cư qua Thái Lan. Tất cả phải dựa vào trí nhớ của các thầy cô.
Các thầy, cô còn phải tự học hỏi để tự nâng cao trình độ bản thân để có thể dạy cho các em lên lớp cao hơn. Sau này, các thầy cô cũng tìm cách chuyển sách giáo khoa từ Việt Nam sang, nhưng do số lượng ít, các thầy cô phải chia nhau chép thành nhiều bản để giảng dạy.
Trong khi đó, thầy Nghĩa bắt đầu đi dạy lúc còn trẻ, chưa lập gia đình, chưa có lương. Sau năm 1950, các giáo viên mới có phụ cấp của đoàn thể nhưng cũng chỉ đủ ăn trong nửa tháng.
Dù khó khăn, vất vả là thế song với tình yêu quê hương, với quyết tâm giữ gìn tiếng Việt, những nét văn hóa tốt đẹp, truyền thống yêu nước, các thầy cô đã nỗ lực, bền bỉ truyền dạy các kiến thức của mình cho các em, các cháu trong cộng đồng. Nhiều học trò của thầy Diệm, thầy Nghĩa cũng đã tiếp nối con đường của các thầy và trở thành giáo viên dạy tiếng Việt như cô Oanh, cô Hằng, cô Tuất. Cô Oanh còn được các thầy tín nhiệm cho lên lớp dạy từ khi mới 14 tuổi.
Với nỗ lực của đoàn thể, các thầy cô, phong trào dạy và học tiếng Việt ở Thái Lan ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đến năm 1964, số lượng học sinh tại mỗi địa phương đã lên tới hơn một nghìn học sinh. Số giáo viên cũng tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu. Mỗi địa phương khi đó có trên dưới 100 thầy cô. Trên toàn Thái Lan có tới 500 đến 600 thầy cô.
Thầy cô kiều bào còn tự soạn bài giảng 2 môn Công dân và Đạo đức hay còn gọi là Đức dục. Hai môn này được đưa vào giảng dạy nhằm giáo dục cho các em lòng yêu quê hương đất nước, yêu Bác Hồ, hiểu biết thêm về Tổ quốc và con người Việt Nam.
Hiện thầy Diệm và thầy Nghĩa đã có tuổi, sức khỏe kém không tham gia đứng lớp nhưng cô Oanh và các thầy, cô giáo khác vẫn tiếp tục nỗ lực duy trì và thúc đẩy phong trào tiếng Việt. Những lớp tiếng Việt vẫn được đều đặn mở ra cho các các em, các cháu ở chùa Khánh An (Udon Thani) vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần.
Sau bao thăng trầm, nhờ những nỗ lực của các thầy, các cô, đến nay, các thế hệ người Việt trẻ ở Udon Thani đang tích cực tham gia vào việc gìn giữ, không để tiếng Việt bị mai một trong cộng đồng. Từ đó giúp duy trì những nét văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trên mảnh đất Đông Bắc Thái Lan.
Đam mê truyền dạy tiếng Việt
Trong Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt năm 2023 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam tổ chức, đoàn đại biểu từ Thái Lan có nhiều cô giáo ở tuổi U60 nhất. Với đam mê truyền dạy tiếng Việt, họ vẫn quyết tâm nâng cao năng lực bản thân, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, phục vụ cho công tác bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ.
Tất cả đều tự hào vì đã góp sức giúp tiếng Việt, phong tục tập quán Việt Nam duy trì, phát triển ở đất nước bạn. Các cô còn là cầu nối hữu nghị, giúp hai nước tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị. Qua đó, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, để người dân Thái Lan biết đến Việt Nam nhiều hơn.
Cô giáo Phạm Thị Mai Nang (SN 1957) tên Thái là Boonthida Phansuvandee chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi dạy theo giáo trình tự biên soạn, dạy cho các em học nói và viết theo trình độ. Sách giáo khoa phù hợp với các em hiếm và chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng từ tháng 9/2023, khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản bộ sách “Chào tiếng Việt”, chúng tôi đã có thêm giáo trình để dạy các em.
Hàng năm, chúng tôi đều có giáo viên tham gia các khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức. Qua đó, lực lượng giáo viên sẽ ngày càng vững chuyên môn, có thêm kinh nghiệm để dạy học sinh bên Thái Lan được tốt hơn.
Nếu trẻ em sống ở Việt Nam, nói tiếng Việt, cách dạy sẽ khác với phương pháp dành cho các em đang sử dụng hoàn toàn tiếng Thái trong giao tiếp. Chúng tôi phải cố gắng gắn lý thuyết với thực tiễn, có giáo cụ trực quan, sinh động để mô tả…”.
Cô Trần Thị Phượng (SN 1958) có tên Thái là Fueangfa Woraditsakunchai cũng gắn bó nhiều năm với công tác dạy tiếng Việt. Học viên của cô có học sinh lứa tuổi cấp 2, cấp 3 và cả sinh viên, người lớn.
“Chúng tôi không chỉ là người dạy học mà còn đóng vai trò truyền lửa, tuyên truyền, khích lệ và vận động các gia đình, các học sinh tự giác học tiếng Việt. Bởi không phải gia đình nào cũng có điều kiện thời gian đưa con em đến lớp tiếng Việt.
Khi tiếng Việt ngày càng lan tỏa rộng khắp, len lỏi trong trái tim cộng đồng người Việt Nam, chúng tôi càng có động lực để cố gắng”, cô Phương tâm sự.
Theo lời cô Phượng, có nhiều học sinh người Việt là thế hệ thứ ba, thứ tư không biết tiếng Việt. Khi được gia đình đưa đến lớp, các em không thích học. Tuy nhiên, với sự nhẫn nại, kiên trì, mỗi ngày một chút, cô thu hút các em bằng hoạt động tập thể, cuộc thi… dần dần các em chủ động học, thích đến lớp và giờ đã nói trôi chảy tiếng Việt.
“Học ngôn ngữ quan trọng phải tạo được niềm yêu thích. Tôi từng đến một số trung tâm tiếng Anh ở Thái thấy cách dạy của họ rất sinh động, sử dụng hình ảnh, video, trò chơi, diễn kịch, biểu diễn âm nhạc nên học sinh rất hứng thú. Tôi nghĩ, tại sao mình không áp dụng phương pháp đó để dạy tiếng Việt? Sau khi trở về áp dụng thử, vừa làm vừa nghiên cứu, cuối cùng sự đổi mới trong giảng dạy đã có hiệu quả”, cô Phương kể.