9h sáng 7/1/2022, Phòng Giám định kỹ thuật và cháy nổ (Phòng 2), Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an tiếp nhận thông tin về một vụ cháy vừa được dập tắt tại phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Với "đồ nghề" là một túi máy ảnh, thước dây cùng các dụng cụ tác nghiệp, hai giám định viên của phòng nhanh chóng vào hiện trường, tỉ mỉ quan sát và thu những vật chứng liên quan để phục vụ công tác giám định.
Đây là một trong số hàng trăm vụ cháy mỗi năm mà Phòng 2 thực hiện giám định, góp phần tìm ra nguyên nhân các vụ cháy trên toàn quốc. Kết quả giám định từ Viện Khoa học hình sự là căn cứ quan trọng để các cơ quan tiến hành tố tụng thực thi nhiệm vụ dựa vào căn cứ khoa học, khách quan, đưa vụ việc về đúng bản chất.
Với những đóng góp thầm lặng khi xả thân vào khu vực nguy hiểm, độc hại, lực lượng giám định viên được nhắc đến với câu là người “đi sau về trước”. Lực lượng này đến khi đám cháy đã được khống chế và đưa ra những kết luận giám định sớm nhất để phục vụ cho công tác điều tra.
Phòng 2, C09 Bộ Công an quy tụ những nhân lực chuyên môn sâu về mặt khoa học, có đủ kiến thức nghiên cứu, đánh giá và buộc các dấu vết hình thành từ quá trình cháy nói lên sự thật, để chứng minh các nhận định nào đúng và nhận định nào chưa đúng.
Đầu năm 2021, căn nhà gỗ ba gian nằm sát chân núi thuộc tỉnh Nghệ An bốc cháy dữ dội. Sau khi lính cứu hỏa khống chế ngọn lửa thành công, báo cáo ban đầu cho thấy nguyên nhân vụ hỏa hoạn là do chập mạch điện.
Tuy nhiên, vài ngày sau, một người đàn ông ra trình diện công an và tự nhận bản thân là người phóng hỏa đốt nhà do ghen tuông. Việc xuất hiện tình tiết mới đã phủ nhận gần như toàn bộ kết quả giám định bước đầu về vụ việc. Để nhanh chóng tìm nguyên nhân vụ cháy, Công an tỉnh Nghệ An đề nghị Viện Khoa học hình sự vào cuộc hỗ trợ. Các giám định viên của Phòng 2 tức tốc lên đường để tìm sự thật.
Căn nhà nằm sâu phía gần chân núi, trên nền nhà của phòng ngủ có dấu hiệu phồng rộp, các dấu vết khác ở hiện trường đều thể hiện vị trí xuất phát cháy là từ giường ngủ của chủ nhà.
Từ công tác giám định hiện trường và các mẫu vật được giám định tại phòng thí nghiệm, Phòng 2, C09 xác định đám cháy bắt nguồn do việc đốt chăn, màn ở khu vực phòng ngủ gây ra rồi cháy lan ra căn nhà gỗ.
Trực tiếp tham gia quá trình giám định, Trung tá Phạm Ngọc Bảo, Phó trưởng Phòng 2 cho biết vụ việc trên cho thấy vai trò rất lớn của kết luận giám định. Nếu nhận định nguyên nhân cháy do chập mạch điện, trong khi kết quả không phù hợp với lời khai sẽ gây khó cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Và khi kết luận nêu đúng bản chất bằng các căn cứ khoa học, phù hợp với lời khai thì mang lại giá trị rất lớn để thực hiện các biện pháp sau đó.
Năm 2020, một xưởng gỗ lớn tại tỉnh Bắc Ninh bốc cháy dữ dội thiêu rụi nhiều hàng hóa. Phải mất hàng chục tiếng đồng hồ lực lượng cứu hỏa mới khống chế được đám cháy. Hiện trường được bảo vệ nghiêm ngặt, một cuộc họp ở gần khu vực cháy được tổ chức dưới sự có mặt của các giám định viên thuộc Phòng 2, C09.
Nhận định ban đầu, lửa bùng phát từ một nhà kho bên trong xưởng gỗ. Chủ doanh nghiệp này quả quyết, từ rất lâu nhà kho này không hề hoạt động và không sửa chữa.
Hai giám định viên trực tiếp vào hiện trường làm nhiệm vụ. Một số mẫu vật được tìm thấy như các que hàn dở, đoạn dây điện bị đứt, các vật dụng cơ khí như búa, cờ lê được phát hiện tại khu vực nhà kho. Đặc biệt, các giám định viên còn phát hiện các hạt kim loại còn mới nghi vấn hình thành từ việc cắt kim loại tạo ra. Các vật chứng trên cho thấy có hoạt động sửa chữa trước khi xảy ra đám cháy.
Từ nhận định ban đầu của cơ quan giám định, rất nhanh sau đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan điều tra, hai công nhân của công ty thừa nhận trước khi xảy ra đám cháy họ có dùng thiết bị cắt một xà ngang ở trên nhà kho. Quá trình cắt tạo ra các hạt kim loại và gây ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng.
Trưa 4/2/2021, căn nhà trọ ở phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội bốc cháy dữ dội cướp đi 4 sinh mạng tuổi đời còn rất trẻ. Dư luận tập trung vào người sống sót duy nhất sau đám cháy – anh Lê Khắc Sơn (quê Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Sau bữa cơm trưa cúng ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), Sơn khóa cổng rồi ra đầu ngõ uống trà đá. Khoảng 20 phút sau quay lại phòng trọ, Sơn thấy khói lửa bủa vây nhà trọ và cướp đi sinh mạng 4 người đang nằm ngủ bên trong. Dư luận mạng xã hội nhanh chóng truyền đi nguyên nhân đám cháy là do việc đốt vàng mã gây ra.
Sau khi nhận được đề nghị của Công an TP Hà Nội, Trung tá Phạm Ngọc Bảo trực tiếp vào hiện trường làm nhiệm vụ. Công tác khám nghiệm cho thấy, các dấu vết đặc trưng do đám cháy gây ra không phải từ khu vực đốt vàng mã.
Các dấu hiệu cho thấy, nhiều khả năng lửa xuất phát ở khu vực giữa phòng vì nơi đây nền nhà bị bong tróc, ám khói đen. Việc khám nghiệm còn phát hiện một đoạn dây điện có dấu hiệu nóng chảy đặc trưng do chập mạch điện. Các mẫu vật được đưa đi trưng cầu giám định sau đó.
Kết quả giám định cho thấy, các vật chứng thu tại hiện trường có dấu vết của chập mạch điện. Việc chập mạch điện này hình thành trước khi xảy ra vụ cháy và là nguyên nhân chính của vụ hỏa hoạn.
Kết luận trên đã giúp cho cơ quan điều tra có được căn cứ quan trọng, then chốt để tiến hành các trình tự tố tụng liên quan đến vụ cháy. Bản thân người sống sót duy nhất trong nhóm năm người cũng trút bỏ gánh nặng khi được “giải oan”, tránh việc vướng vào vòng lao lý.
Câu chuyện về người phụ nữ già bán hàng ở chợ Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) là một dẫn chứng trong việc kết quả giám định đã “giải oan” cho chính người trong cuộc.
Vụ hỏa hoạn xảy ra vào đúng ngày mùng 4 Tết năm 2015. Cả dãy chợ chìm trong biển lửa. Các tiểu thương truyền tai nhau về việc lửa xuất phát từ gian hàng bà Nụ khi người này đốt vàng mã đầu năm mới. Tuy nhiên, lực lượng giám định viên của Bộ Công an lại đưa ra kết luận hoàn toàn trái ngược.
Khi tới hiện trường, các giám định viên xác định, các dấu vết cháy cho thấy ngọn lửa bắt nguồn từ gian hàng bà Nụ, tuy nhiên nguyên nhân cháy không phải do đốt vàng mã mà là chập đường điện chiếu sáng.
Kết luận dựa trên cơ sở khoa học trên đã giải tỏa cho chính người trong cuộc về những nghi kị đang bủa vây. Bởi, việc đốt vàng mã gây ra cháy và chập điện do khách quan là hai yếu tố khiến bản chất vụ việc thay đổi hoàn toàn.
Theo Trung tá Bảo, hai vụ việc trên là điển hình cho việc công tác giám định làm sáng tỏ nguyên nhân cháy, giúp cơ quan điều tra áp dụng đúng các biện pháp tố tụng. Nếu theo ám thị hoặc dư luận nhận định thì rõ ràng sẽ dẫn đến oan sai.
Ngày 29/7/2011, vụ cháy kinh hoàng xảy ra tại một xưởng may tại huyện An Lão (TP Hải Phòng) đã cướp đi sinh mệnh của 13 người và làm 25 người bị thương nặng. Vụ cháy xảy ra đúng thời điểm cơn bão từ Biển Đông sắp đổ bộ vào các tỉnh ven biển, trong đó có Hải Phòng. Cũng chính vì sắp có bão, chủ công ty trên thuê người đến để hàn cột chống sét. Đây chính là nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn thương tâm.
19h30 cùng ngày, hai cán bộ giám định của Viện Khoa học hình sự tức tốc xuống hiện trường nhận nhiệm vụ với tâm thế phải ”chạy đua với cơn bão sắp đổ bộ”. Ngay khi có mặt tại hiện trường, quá trình khám nghiệm được thực hiện sau cuộc hội ý nhanh với các đơn vị chức năng liên quan.
Lực lượng chức năng địa phương dùng hệ thống đèn cao áp chiếu sáng các sân vận động để phục vụ cho quá trình các giám định viên làm nhiệm vụ.
Trực tiếp có mặt tại hiện trường, Trung tá Phạm Ngọc Bảo cho biết giây phút anh đến hiện trường, các chuyến xe cứu thương vẫn hú còi để đưa thi thể các nạn nhân rời đi. Tiếng khóc xé lòng của thân nhân như thôi thúc anh và đồng nghiệp cần làm rõ nguyên nhân vụ cháy.
Phía trước các giám định viên của Phòng 2 là nhà xưởng rộng lớn với sự hoang tàn, đổ nát, xáo trộn. Từ nhận định ban đầu về việc hàn cột chống sét gây ra hỏa hoạn, các giám định viên vào sâu trong hiện trường thu giữ các mẫu vật về các vảy hàn và đưa ra kết luận ban đầu.
Theo đó, quá trình hàn cột chống sét, các tia lửa đã bắn xuống, xuyên qua mái tôn và bám vào lớp vải chống bụi. Từ đây, lửa cháy men vào trong. Các đốm lửa rơi vào các thùng đựng dung môi rồi gây ra vụ cháy.
“Quá trình giám định hiện trường kéo dài đến 2h sáng. Sau khi thông báo kết quả tại hiện trường, chúng tôi vội lên đường trở về Hà Nội. Vài giờ sau, cơn bão chính thức đổ bộ vào Hải Phòng”, Trung tá Bảo chia sẻ.
Việc kịp thời giám định hiện trường giúp cho kết luận nguyên nhân cháy được thực hiện chính xác nhất. Nếu để cơn bão đổ bộ vào, hiện trường sẽ bị xáo trộn, gây mất dấu vết vật chứng, làm khó cho quá trình khám nghiệm.
Các vụ hỏa hoạn đều không hẹn trước, chính vì thế công việc của những giám định viên kỹ thuật cháy nổ của Viện khoa học hình sự Bộ Công an càng thêm vất vả. Bất cứ ở đâu xảy ra hỏa hoạn cần đến công tác giám định là ở đó lực lượng của Phòng 2 có mặt. Họ làm việc thầm lặng, tỉ mỉ, mang tới bản kết luận có giá trị rất lớn, quyết định đến bản chất vụ việc.
Đoàn Bổng - Thiết kế: Phạm Luyện
Cuộc săn lùng người phụ nữ bí ẩn của ‘khắc tinh’ tội phạm truy nã ở Thủ đô
Người phụ nữ bị truy nã vứt cả sim và điện thoại sau mỗi cuộc gọi. Manh mối hé mở khi Trung tá Phan Anh Tú và các trinh sát phát hiện dấu hiệu từ người giúp việc và chiếc xe chờ ở đầu ngõ rồi tới bệnh viện tâm thần…