Vịnh Hạ Long rộng hơn 1.500m2 với nhiều điểm tham quan độc đáo. Mỗi ngày nơi đây đón hàng nghìn du khách. Vịnh Hạ Long cũng được coi là kế sinh nhai của rất đông ngư dân đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản.

Do vậy, mỗi ngày vịnh Hạ Long nhận hàng tấn rác thải đủ loại. Ngoài ra, rác thải còn theo dòng hải lưu trôi dạt vào vùng vịnh.

Ở đây, những nhân viên dọn rác được mệnh danh là "chiến binh gìn giữ màu xanh" cho vịnh di sản.

7h sáng, sau khi vệ sinh cá nhân, trên chiếc tàu gỗ quen thuộc, chị Nguyễn Thị Dung (trú phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, Quảng Ninh) cùng chồng đã sẵn sàng cho một ngày thu gom rác trên mặt nước.

Trong thời gian di chuyển tới khu vực vớt rác, chị Dung cùng chồng tranh thủ ăn bữa sáng. Không ai nghĩ người phụ nữ này 48 tuổi, bởi gương mặt đã sạm đen vì nắng gió nhiều năm lênh đênh trên biển.

W-IMG_5449 (1).JPG.jpg
Nhân viên môi trường trên vịnh Hạ Long dùng thuyền gỗ loại nhỏ để có thể len lỏi vào tận chân núi đá vôi khi đi thu gom rác

Chị Dung và chồng đều là nhân viên môi trường thuộc Công ty Cổ phần Cây xanh công viên Quảng Ninh, chuyên đảm nhiệm thu gom rác tại các khu vực hang Trinh Nữ, hang Trống và gần đảo Ti Tốp.

Nơi đây được coi là "rốn rác" vì là điểm đầu của dòng hải lưu cuốn rác thải từ ngoài biển vào vịnh. Ngoài ra, mỗi ngày những điểm này còn đón lượng khách du lịch rất lớn ghé thăm, nên số lượng rác phát sinh cũng rất lớn.

Do đã có hơn 5 năm gắn bó với việc thu gom rác mặt nước, trước khi vào làm việc, chị Dung trang bị cho mình kỹ lưỡng, từ bộ quần áo xanh công nhân đến vợt để vớt rác mặt biển.

Đứng trên thuyền gỗ, mới thấy lượng rác phủ kín mặt nước, chồng chất thành nhiều lớp sau mỗi trận mưa ngoài biển. 

Tới gần bãi tắm Ti Tốp, chị Dung ra hiệu cho chồng điều khiển thuyền tấp vào gần một núi đá vôi để thu gom rác. Trên đường di chuyển, tay chị thoăn thoắt vớt những miếng phao xốp, chai nhựa nổi trên mặt nước.

"Chân núi đá vôi là nơi rác tập trung nhiều nhất, bởi thủy triều lên xuống sẽ làm rác trôi và mắc vào chân núi. Nhiều hôm vừa mưa xong, chất đầy thuyền gỗ vẫn chưa hết rác.

Làm nghề thu gom rác rất cực khổ. Thu gom rác trên mặt biển càng cực hơn vì hàng ngày phải lênh đênh trên biển, nhiều khi đứng không vững là ngã xuống nước ngay", chị Dung nói.

Do số lượng rác quá nhiều, chồng chị sau khi neo thuyền lại, nhanh chóng tới phụ vợ. Những chỗ thuyền không vào được, chồng chị nhảy xuống trước đầu thuyền để thu gom, vì không muốn vợ mình tiếp xúc với chỗ nước có thể gây độc hại cho da.

W-IMG_5508 (1).JPG.jpg
Sau mỗi trận mưa, chân các núi đá vôi trên vịnh Hạ Long có hàng tấn rác

Khi rác chất đầy thuyền, chị Dung cùng đồng nghiệp lại tất bật phân loại rác. Đến khi tàu lớn tới thu gom, chị và các đồng nghiệp mới được nghỉ, lúc này đã gần 12h. Buổi chiều, công việc kéo dài từ 13h30 đến 18h.

Chị Dung chia sẻ, do tính chất công việc thường xuyên trên biển, nên chỉ khi có việc thật sự quan trọng, chị mới vào đất liền.

W-IMG_5531.JPG.jpg
Chỉ trong vài tiếng buổi sáng, chiếc thuyền gỗ chất đầy rác, đa số là rác thải nhựa

"Làm lâu thành thói quen, công việc vất vả nhưng mình góp một phần nhỏ công sức để vịnh Hạ Long thêm sạch. Mỗi tháng, tôi nhận lương 15 triệu đồng, nhưng chỉ giữ 1 phần, còn lại gửi về đất liền nuôi 2 con ăn học", chị Dung tâm sự.

W-IMG_5529.JPG.jpg
Phút nghỉ ngơi của chị Dung khi chờ tàu lớn đến gom rác từ những tàu gỗ nhỏ

Trao đổi với VietNamNet, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long - ông Vũ Kiên Cường cho biết, vào dịp cao điểm du lịch như hiện tại, mỗi ngày lực lượng vệ sinh môi trường thu gom khoảng 70 đến 100m3 rác thải.

Số rác này đến từ nhiều nguồn như dòng hải lưu cuốn rác sau mỗi cơn mưa lớn, du khách và người dân vô ý thức vứt xuống biển...