Chủ tàu đánh cá BD 763, ông Nguyễn Văn Tố cho biết, vào lúc 3h sáng ngày 31/3/2009, tàu BD 763 bị sóng đánh va vào rặng san hô gần khu vực Đảo Đá Tây. Tầu đã bị thủng đáy và chìm dần nhưng may mắn được cứu thoát.

Chị Nguyễn Thị Lan ở đảo Phú Quý, Bình Thuận nhớ lại giáp Tết năm 2018 chồng chị đang ở nhà thì nhận được cuộc gọi đi cứu hộ giúp 1 tầu cá đang gặp nạn trên biển. Sau khi nhận được tin này chồng chị cùng 6- 7 người nữa trong xóm đi tầu ra ứng cứu. Thế nhưng, không may là chính tầu của chồng chị đi cứu nạn đã bị sự cố và chìm tầu. Trong lúc tầu chìm mọi người tìm các vật nổi để bám vào thì chồng chị nhìn thấy chiếc điện thoại “đặc công nước’ (chiếc điện thoại cục gạch nhưng có khả năng chống nước của Viettel) và điện thoại về nhà cho vợ để thông báo khu vực tai nạn.

“Tôi nhớ chồng tôi đi khoảng tầm 11 h trưa thì đến khoảng 2 giờ chiều tôi nhận được cuộc gọi của chồng báo là tầu đang bị chìm và thông báo tọa độ của tầu cho tôi. Sau khi nhận được điện thoại của chồng tôi thông báo ngay cho chính quyền để nhờ sự ứng cứu cho chồng tôi. Ngay sau đó, chuyến tầu cứu hộ đã đến kịp thời và đã cứu được chồng tôi cùng các anh em trên tầu. Nếu không có chiếc điện thoại di động này chắc là chồng tôi đã không thể trở về với gia đình” Chị Lan kể lại.    

Một trường hợp khác khá may mắn cũng đã thoát chết nhờ điện thoại di động khi đang đánh cá ở khu vực Trường Sa. Chủ tàu đánh cá BD 763, ông Nguyễn Văn Tố cho biết, vào lúc 3h sáng ngày 31/3/2009, tàu BD 763 bị sóng đánh va vào rặng san hô gần khu vực Đảo Đá Tây. Tầu đã bị thủng đáy và chìm dần. "Khi tầu gặp nạn chúng tôi đã liên lạc với các tầu cá khác bằng thiết bị icom để cầu cứu họ giúp đỡ, một số tầu cá cũng đã nhận được tín hiệu của chúng tôi nhưng họ nói đang ở xa toạ độ nơi tầu của chúng tôi gặp nạn nên không thể đến cứu giúp được”, ông Nguyễn Văn Tố nhớ lại.

Nhưng một điều bất ngờ đã xảy ra, trong lúc thu dọn đồ đạc để chuẩn bị tinh thần rời tầu trước khi chìm hẳn, thì một thành viên trên tầu phát hiện chiếc điện thoại sử dụng mạng Viettel có hiển thị vạch sóng. Lúc đó không ai tin rằng ở giữa mịt mù khơi này có thể có sóng di động. Nhưng dù sao đó cũng là tia hy vọng cuối cùng để có thể cứu sống những người đang có mặt trên tàu- đều là trụ cột trong gia đình. Như “chết đuối vớ được cọc”, cả 8 người xúm lại tìm cách liên lạc về gia đình và tìm quần áo đốt làm hiệu.

Kỳ diệu thay, sóng di động đã giúp những người trên tàu liên lạc được với người thân thông báo toạ độ tầu gặp nạn. Từ cuộc điện thoại này, người nhà lập tức gọi tới trung tâm cứu hộ và 5h sáng ngày 1/4/2009, cả 8 ngư dân đã được các chiến sĩ đảo Đá Tây đưa lên bờ an toàn.

8 ngư dân đã được các chiến sĩ đảo Đá Tây đưa lên bờ an toàn.

Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel đã phủ sóng dọc bờ biển Việt Nam và phủ xa ngoài khơi tới 100 km. Thậm chí trên lý thuyết với cách thức triển khai kỹ thuật của Viettel, có thể phủ sóng xa tới 121 km. Thực tế đã có những thuê bao di động của ngư dân sử dụng gọi vào bờ, hệ thống ghi nhận được cuộc gọi ở xa 119 km. Sau khi Viettel tiến hành phủ sóng dọc bờ biển Việt Nam thì lưu lượng cuộc gọi cũng tăng rất nhanh. Đến nay, Viettel đã sở hữu mạng lưới phục vụ biển đảo lớn nhất Việt Nam với hơn 2000 trạm BTS dọc bờ biển và ngoài khơi.

Cùng với Viettel, VinaPhone và MobiFone cũng đã phủ sóng dọc bờ biển để phục vụ bà con ngư dân cũng như an ninh quốc phòng.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thông tin và truyền thông các vùng biên giới biển, vùng biển, đảo Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020 sẽ phát triển mạng viễn thông cố định và di động băng rộng, phủ sóng truyền hình số để cung cấp các dịch vụ viễn thông và truyền hình số tới các xã khu vực biên giới biển, các huyện đảo, các vùng biển có bán kính 100 km tính từ bờ. Tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng và nâng cao chất lượng dịch vụ phát thanh trên biển phục vụ ngư dân. Đến năm 2020, bảo đảm 100% các xã khu vực biên giới biển, các xã đảo có điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng và được trang bị hệ thống truyền thanh cơ sở.