Chỉ nghe cái tên “tín dụng đen” là đủ hiểu nguồn gốc, đường đi và cách thức vận hành của những đồng tiền này. “Con mồi” dính đến “tín dụng đen” sẽ bị khống chế dồn đến chân tường.
Hoạt động “tín dụng đen” len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm, khống chế, gây sức ép đối với các con nợ và người thân của họ cho đến khi những tài sản người vay mang ra cầm cố bị chủ nợ “hóa giá”.
Con bán nhà, mẹ ra đường
Từ lúc còn là lính hình sự cho đến khi đứng đầu một đơn vị công an cơ sở, Thiếu tá Vũ Văn Bằng, Trưởng CAP Cổ Nhuế 2, CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội chẳng thể nào nhớ được hết đã từng thụ lý bao nhiêu vụ án liên quan đến tranh chấp, cầm cố, “tín dụng đen”. Chứng kiến nhiều trường hợp người dân mất nhà, hay cay đắng hơn là bị đuổi ra khỏi nhà ngay trong đêm vì liên quan đến vay nợ “tín dụng đen”, những người thực thi pháp luật như anh không khỏi ái ngại.
Vài năm trước, trên địa bàn anh phụ trách có đối tượng Nguyễn Văn Hóa, kẻ máu mê cờ bạc, lô đề. Từ những ván bài, hay một vài con lô, vòng xoáy của cờ bạc, cá độ đã cuốn Hóa rơi vào cảnh vào nợ nần với số tiền ngày càng lớn. Những đồng tiền trong nhà dần đội nón ra đi. Để có tiền “ăn thua”, Hóa đi vay mượn khắp nơi và đương nhiên, một trong những địa chỉ được tìm đến chính là các ổ nhóm “tín dụng đen”. Khi số tiền nợ lên tới hàng tỷ đồng, mất khả năng chi trả, cũng là lúc các chủ nợ yêu cầu Hóa phải đặt ngôi nhà mà hai mẹ con đang ở để làm tin.
Cờ bạc là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người rơi vào bẫy “tín dụng đen” |
Hóa đã ngon ngọt dỗ dành để mẹ đưa giấy tờ của ngôi nhà duy nhất còn lại cho con trai để “cầm cố lấy vốn làm ăn”, rồi nhanh chóng đưa đến cho đám “anh chị xã hội” trên địa bàn kiếm thêm ít vốn vào cuộc đỏ - đen. Số tiền ấy cũng nhanh chóng bị nướng sạch vào cờ bạc. Nhà mất, Hóa bỏ đi vì sợ mẹ la mắng. Tuy nhiên, Hóa không hề biết rằng, buổi chiều anh ta rời khỏi nhà thì ngay đêm hôm ấy, những tay “anh chị” và đám “đàn em” bặm trợn đã mò đến nhà, đẩy bà cụ gần 80 tuổi ra đường với lý do “con trai bà đã bán căn nhà này cho chúng tôi”. Mặc cho bà cụ van xin, lạy lục, đám côn đồ này vẫn nhẫn tâm hất bà cụ ra đường, khóa cửa căn nhà một cách lạnh lùng. Mẹ của Hóa đành phải đến cơ quan công an cầu cứu.
Truy cùng, đuổi tận để xiết nợ
Trên đây chỉ là một ví dụ cụ thể liên quan đến hoạt động cũng như hệ lụy của “tín dụng đen”. Bắt cóc, giam giữ người trái pháp luật để xiết nợ, ném chất bẩn, đặt vòng hoa hay nguy hiểm hơn là dùng vũ khí “nóng” để đòi nợ đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện” trong thời gian những năm 2012-2013.
Nhớ lại thời gian đó, Thượng tá Nguyễn Văn Lân, Phó trưởng CAQ Nam Từ Liêm cho hay: “Năm 2013, CAH Từ Liêm nhận được tin báo tại thôn Yên Nội, xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm (cũ), Hà Nội xảy ra vụ gây rối trật tự công cộng do 1 nhóm đối tượng có sử dụng súng gây ra thương tích cho nhiều người. Cơ quan CSĐT - CAH Từ Liêm đã điều tra ban đầu, xác định nội dung sự việc có liên quan đến chuyện nợ nần tiền bạc”.
Theo hồ sơ của cơ quan công an, năm 2011, anh Hoàng Văn Minh, trú tại thôn Yên Nội xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm vay của Nguyễn Đỗ Hoàn số tiền là 80 triệu đồng với lãi suất “cắt cổ” là 10.000 đồng/triệu/ngày (tương đương 360%/năm). Đến tháng 3-2012, anh Minh không có khả năng trả lãi cho Hoàn nên đã khất nợ khi nào có tiền sẽ trả sau. Hoàn và đồng bọn đã nhiều lần đến quậy phá gia đình anh Minh để đòi nợ.
Đỉnh điểm của vụ việc là Hoàn dẫn theo 20 đối tượng mang theo dao kiếm tìm đến nhà anh Minh nhưng không gặp. Đối tượng đã dùng dao làm bị thương nhiều người là hàng xóm của anh Minh. Đối tượng Phùng Văn Thanh, đàn em của Hoàn còn rút khẩu súng Colt tự chế bắn 3 phát đạn hoa cải vào người ra can ngăn là anh Nguyễn Vũ Quý.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, CAH Từ Liêm khi đó đã khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ. Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định đây không phải là vụ việc duy nhất nhóm đối tượng này sử dụng hung khí, “vũ khí nóng” để uy hiếp con nợ hòng thu hồi tiền cho vay, tiền lãi hàng tháng.
Đối với những khoản nợ khó đòi, tùy từng gia cảnh, địa vị, chúng sẽ sử dụng các “ngón đòn” khác nhau, miễn sao “con nợ” phải chi tiền ra càng nhanh càng tốt. Trong trường hợp con nợ chây ì không trả, bọn chúng thường xuyên đến quấy rối, đập phá đồ đạc để uy hiếp. Một số người vì không chịu được sự thúc ép này cũng như muốn đảm bảo an toàn cho người thân xung quanh đã phải bỏ trốn khỏi địa phương.
Có những gia đình ngậm đắng nuốt cay phải bán nhà, tài sản để có tiền trả nợ mong thoát cảnh bị uy hiếp. Cho đến thời điểm này, dù ổ nhóm trên đã bị Cơ quan CSĐT - CAH Từ Liêm triệt xóa, nhưng mỗi khi nhắc lại “bóng ma tín dụng đen” với cái tên Nguyễn Đỗ Hoàn, nhiều gia đình vẫn còn giật mình thon thót bởi sự tàn bạo của các đối tượng.
(Theo ANTĐ)