Những ngày này, việc thi công quốc lộ 19 thuộc dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, đoạn qua địa phận thôn Tả Giang 2, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn đang tạm dừng do nhiều hộ dân phản ứng.
Lý do người dân đưa ra là, việc thi công đường quá cao khiến đời sống người dân gặp khó. Nhiều hộ dân từ nhà mặt tiền trở thành hầm không kinh doanh buôn bán được…
Bà Thái Thị Sương (62 tuổi, thôn Tả Giang 2) phản ánh, đường làm cao hơn nhà dân có đoạn cả 4m, nhà người dân lọt ở dưới, không buôn bán làm ăn được gì nên "chúng tôi yêu cầu dự án dừng thi công cho đến khi có giải pháp thỏa đáng"…
Việc tạm dừng thi công quốc lộ 19 từ tháng 10/2022 qua thôn Tả Giang 2 khiến mặt đường nham nhở thời gian dài, gây khó khăn cho việc lưu thông qua lại.
Không chỉ vậy, những lúc trời nắng, xe qua lại nhiều, đơn vị thi công chưa kịp tưới nước, bụi bay phủ kín nhà dân.
“Có bữa tưới, có bữa không tưới, bụi bay trắng hết trong nhà. Chúng tôi phải lấy bạt che lại không thì trong nhà cũng như ngoài đường. việc thi công dự án cũng khiến cho một số ngôi nhà bị nứt…”, bà Sương nói thêm.
Lên phương án đền bù và công khai với dân
Theo tìm hiểu, việc thi công dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên do Ban quản lý dự án 2 (QLDA 2 - Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài 143 km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định. Tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (hơn 3.600 tỷ đồng), thời gian thi công từ tháng 8/2021, dự kiến hoàn thành năm 2023.
Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định cũng đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT về xử lý cao độ nền đường của quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn xã Tây Giang, huyện Tây Sơn.
Đại diện Ban QLDA2 cho biết, cao độ mặt đường cũ so với mặt bằng khu vực lân cận nền đường (nền nhà các hộ dân) khu vực thôn Tả Giang 2 chênh cao trung bình 0,5-3m do nền đường cũ quốc lộ 19 thiết kế đi trên đường phân thủy.
Ngày 29/4, UBND Huyện Tây Sơn và ban QLDA 2 đã họp tham vấn cộng đồng cư dân và thống nhất phương án thiết kế cầu, đường cũng như công trình phụ trợ đảm bảo cho người dân, trong đó có xây dựng và mở rộng tuyến đường gom ngay trước nhà máy đường và bên trái tuyến giáp Quy Nhơn.
Ban QLDA 2 đã cho điều chỉnh phương án thiết kế, thực hiện bàn giao cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) cho chính quyền địa phương để thực hiện kiểm đếm áp giá đền bù và lên phương án đền bù hỗ trợ GPMB.
Hiện dự án chưa nhận được mặt bằng thi công và chưa được cộng đồng dân cư cho phép triển khai thi công.
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết, UBND huyện đang thực hiện kiểm đếm áp giá đền bù và lên phương án đền bù hỗ trợ GPMB. Tuy nhiên, do mốc GPMB Ban QLDA 2 giao chưa rõ ràng nên UBND huyện đang đề nghị Ban QLDA 2 giao mốc GPMB lại. Sau đó, tính toán rồi công khai trước dân.
Người dân cho biết, nhiều ngôi nhà bị nứt do quá trình thi công lu đường
“Chúng tôi chỉ đạo, nội dung nào chưa rõ phải liên hệ với Ban QLDA 2 ngay, giao mốc cụ thể, tính toán khẩn trương để công khai cho dân. Về việc nứt nhà phải làm việc với Ban QLDA 2, nếu được phải cho đền bù liền…