Bảo hiểm phòng khi bị cá sấu cắn, mỡ ngỗng chữa cảm lạnh, hay trò chơi điện tử là những món quà ngoại giao khiến các nguyên thủ thế giới tỏ ra bối rối khi được tặng.
Lời tòa soạn:
Việc tặng quà lẫn nhau là một nghi thức mang tính truyền thống lâu đời giữa các nguyên thủ quốc gia nhân những chuyến thăm viếng. Món quà được chọn thường mang một ý nghĩa biểu tượng nào đó của quốc gia. Một trong những món quà luôn thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế là động vật quý hiếm hoặc những con thú cưng.
Trong lịch sử, rất nhiều quốc gia đã chọn động vật làm quà tặng trong các nghi thức ngoại giao. Chẳng hạn như vào năm 1514 tại Bồ Đào Nha, vua Manuel I đã tặng cho Giáo hoàng Leo X một chú voi khổng lồ. Hay vào cuối thế kỷ 18, Tổng thống Mỹ John Quincy Adams được Hầu tước La Fayette của Pháp tặng một con cá sấu Nam Mỹ…
VietNamNet trân trọng giới thiệu cùng độc giả loạt bài về những món quà ngoại giao đặc biệt kiểu này trên thế giới cùng với ý nghĩa đặc biệt được các quốc gia gửi gắm phía sau.
Tặng quà là một thông lệ ngoại giao của các nguyên thủ quốc gia trong các chuyến công du nước ngoài. Không ít nhà lãnh đạo đã nhận được những món quà độc đáo, thậm chí là kỳ lạ.
Theo tờ Telegraph, vào tháng 4/2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chọn chiếc máy nghe nhạc iPod chứa các video và hình ảnh chuyến thăm của Nữ hoàng Anh tới Mỹ vào tháng 5/2007, cùng nhiều bài hát để làm quà tặng cho Nữ hoàng Elizabeth II.
Cũng trong năm 2009, ông Obama còn tặng cho Thủ tướng Anh Gordon Brown một bộ đĩa DVD gồm những bộ phim nổi tiếng. Tuy nhiên, bộ đĩa này không tương thích với các đầu DVD của châu Âu nên không thể xem được.
Món quà ngoại giao kỳ quặc nhất mọi thời đại phải kể tới món quà mà Tổng thống Iraq lúc đó là Saddam Hussein từng tặng ông Donald Rumsfeld, đặc phái viên đặc biệt của Mỹ sang thăm Iraq vào năm 1983. Một đoạn video 3 phút được tặng cho ông Rumsfeld có các cảnh quay thanh niên Syria cắn cổ rắn...
Người dân trên đảo Tana ở Nam Thái Bình Dương tôn kính Công tước Edinburgh, chồng Nữ hoàng Anh Elizabeth II như một vị thần. Vào năm 2010, họ đã tặng cho ông một cái váy rơm truyền thống dùng để che phần nhạy cảm trên cơ thể. Do Công tước không tới thăm được, Tana đã để một giáo viên người Anh trên đảo mặc thử.
Động vật càng độc lạ càng được xem là món quà ngoại giao đáng giá. Vào thế kỷ 19, Hầu tước La Fayette của Pháp đã tặng Tổng thống Mỹ John Quincy Adams một con cá sấu. Con vật sau đó được nuôi nhốt trong phòng tắm của Nhà Trắng. Trong vài tháng trước khi được chuyển đến nơi ở khác, chú cá sấu trở thành thú vui, và thường được Tổng thống Adams mang ra khoe.
Pho mát Parmesan hiện được sử dụng thường xuyên trong các bữa ăn. Nhưng cách đây hàng trăm năm, nó lại rất đắt đỏ và từng được các nhà ngoại giao Italia sử dụng làm quà tặng. Vào năm 1502, Đại sứ Venice Benedetto Sanudo đã tặng một miếng pho mát Parmesan cho một vị quý tộc ở thành phố Alexandria của Ai Cập.
Trong chuyến thăm tới Australia tháng 11/2011, Tổng thống Mỹ Obama đã được tặng bảo hiểm cá sấu. Theo đó, nếu nhà lãnh đạo Mỹ bị cá sấu cắn, Đệ nhất phu nhân Michelle sẽ nhận được khoản tiền bồi thường 50.682 USD. “Tôi phải thừa nhận, khi chúng tôi cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Mỹ, bảo hiểm cá sấu là thứ mà chúng tôi đã bỏ qua”, ông Obama nói đùa.
Trong hơn 1.000 năm qua, Trung Quốc thường chọn gấu trúc làm quà tặng ngoại giao.
Vào năm 1977, các đầu bếp tại Fiji đã tặng Nữ hoàng Anh một chiếc răng cá voi còn gọi là "tabua" để xin lỗi về việc trở thành một quốc gia độc lập. Dù món quà này khá kỳ lạ, nhưng tabua là thứ rất đắt đỏ tại Fiji.
Vào năm 2009 tại Geneva, Thụy Sĩ, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tặng người đồng cấp Nga Sergei Lavrov chiếc nút màu đỏ có chữ “reset“ để biểu tượng cho nguyện vọng điều chỉnh lại quan hệ giữa hai nước.
Tuy nhiên, chữ “reset“ mang ý nghĩa “điều chỉnh” trong tiếng Anh đã bị dịch nhầm sang tiếng Nga thành “Peregruzka” có nghĩa là “quá tải”. Ông Lavrov đã nói trực tiếp với bà Clinton về sự cố này.
Hồi năm 2004, Tổng thống Mỹ George W. Bush từng được vua Abdullah của Jordan tặng cho 6 bình “phân bón các loại”. Giải thích về món quà, Jordan khẳng định trong bình không hề có phân bón hay các loại hóa chất có thể chế tạo bom, mà là các loại đất nham thạch phì nhiêu có trên khắp lãnh thổ Jordan.
Vào năm 1826, nhà vua Ai Cập Muhammad Ali đã tặng vua Pháp Charles X một con hươu cao cổ. Hơn 100.000 người đã tới xem con hươu tại khu vườn Jardin des Plantes ở thủ đô Paris. Nó là một trong những con hươu cao cổ đầu tiên được nhìn thấy ở châu Âu trong hơn 300 năm.
Tháng 11/2011, Ngoại trưởng Anh William Hague đã tặng cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd một lọ mỡ ngỗng. Ông Rudd bị cảm lạnh. Hỗn hợp mật ong kết hợp với mỡ ngỗng cùng nước nóng được cho là thức uống khá kỳ quặc của ông Hague để giúp chữa bệnh.
Trong chuyến thăm tới châu Âu vào tháng 5/2011, Tổng thống Mỹ Obama đã được Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tặng bộ trò chơi điện tử của Ba Lan có tên The Witcher 2: Assassins of Kings. Đây là loạt game rất được người Ba Lan ưa chuộng.
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro thường tặng xì gà Cohiba cho các nhà ngoại giao tới thăm. Ra đời vào năm 1966, Cohiba được đặt tên theo cách thổ dân da đỏ Taíno gọi loại thuốc lá cuốn của họ. Tới năm 1982, xì gà Cohiba đã được bán rộng rãi cho người dân sử dụng.
Bài 2: Tình yêu với những chú chó của Tổng thống Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận được một món quà khác thường từ người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của ông - một chiếc máy kéo tốt nhất của Belarus.