1. Khử mùi giấm
Nhiều gia chủ sử dụng giấm để làm sạch các đồ dùng gia đình nhưng họ lại không thích mùi của nó. Nếu vậy, bạn hãy trộn giấm vào nước chanh. Cách này sẽ làm giảm mùi của giấm nhưng không ảnh hưởng đến hiệu quả làm sạch.
2. Làm sạch vật dụng bằng thuỷ tinh
Nếu gia chủ đang tìm một cách làm sạch khung kính cửa sổ hay các vật dụng thuỷ tinh bằng chất tẩy tự nhiên thì nên sử dụng nước chanh hoặc hỗn hợp giấm và chanh.
Để tự làm một chai nước xịt rửa, gia chủ có thể pha 1 muỗng giấm trắng và 2 muỗng nước cốt chanh vào chai xịt rỗng. Sau đó, đổ 1 cốc nước ấm vào chai xịt và lắc đều rồi sử dụng.
3. Khử trùng bằng nước chanh
Nước chanh và giấm cũng là một hỗn hợp khử trùng rất hiệu quả. Khi mặt bếp của gia đình dơ bẩn, gia chủ hãy trộn nửa chén nước chanh và 2 chén giấm trắng vào trong chai xịt để tự làm bình xịt tẩy rửa. Xịt hỗn hợp này vào khu vực bẩn rồi lau lại bằng giẻ lau hoặc khăn giấy.
4. Tẩy rửa chén bát bằng hỗn hợp chanh và muối
Nếu chén bát bị thức ăn dính bám và các chất bẩn “cứng đầu”, gia chủ có thể sử dụng hỗn hợp nước chanh và muối thô để tẩy rửa.
5. Làm sạch lò vi sóng
Theo các chuyên gia về làm sạch, để vệ sinh lò vi sóng, gia chủ chỉ cần một ít nước và chanh. Cụ thể, chỉ cần đặt nửa cốc nước vào lò vi sóng và vắt một trái chanh vào cốc này. Có thể bỏ vỏ của nửa quả chanh vào cốc.
Bật lò vi sóng trong khoảng 3 phút hoặc cho đến khi nước chanh trong cốc sôi lên. Sau khi lò tắt, không nên mở ra ngay mà chờ khoảng 5 phút sau để hơi nước chanh lan toả, làm mềm các vết bẩn. Sau đó, gia chủ lau sạch lò vi sóng.
6. Đánh bay vết bẩn rỉ sét nhưng cẩn thận với vài màu
Nước cốt chanh là một chất tẩy trắng tự nhiên và bạn có thể sử dụng nó như một chất để tẩy vết bẩn. Sẽ rất hiệu quả nếu dùng nước cốt chanh để tẩy các vết bẩn rỉ sét. Tuy vậy, nếu sử dụng chanh để tẩy các vết bẩn trên vải màu thì không nên vì nó có thể làm đổi màu.
7. Vỏ chanh giúp xua đuổi kiến
Nếu bạn đang đau đầu vì trong nhà có nhiều kiến, hãy sử dụng vỏ chanh để xua đuổi chúng. Cách làm đơn giản là bỏ vỏ chanh vào nồi, thêm một lượng giấm vào cho ngập vỏ chanh rồi đun lên. Lưu ý là không nên đun sôi, chỉ cần cho hỗn hợp này nóng lên rồi tắt bếp.
Để hỗn hợp vỏ chanh và giấm nói trên qua đêm, lọc lấy nước và cho vào bình xịt. Dùng bình xịt này xịt vào những khu vực có kiến.
8. Mua nước cốt chanh có sẵn
Để lúc nào có nước chanh phục vụ cho việc làm sạch vật dụng trong nhà, bạn không nhất thiết phải mua chanh về và vắt lấy nước mỗi khi cần. Bởi có những trường hợp bạn không dùng hết hoặc chỉ cần vỏ chanh. Có thể tiết kiệm bằng cách mua nước cốt chanh có sẵn.
9. Tránh dùng chanh làm sạch bề mặt đá cẩm thạch hoặc mạ đồng
Nếu có vật dụng trong nhà nào được làm bằng đá cẩm thạch, gia chủ lưu ý không nên dùng chanh để làm sạch bề mặt các vật dụng này. Bởi nước chanh có thể làm ảnh hưởng bề mặt đá cẩm thạch, để lại các dấu vết và vết bẩn. Lưu ý nữa là không nên dùng chanh để làm sạch các bề mặt mạ đồng.
10. Không nên trộn chanh với thuốc tẩy
Bạn nên biết rằng, trộn amoniac và thuốc tẩy sẽ thải ra một loại khí độc rất nguy hiểm. Nói chung về axit, như giấm, nước chanh và thuốc tẩy không nên pha trộn với nhau. Trộn nước chanh và chất tẩy có thể thải ra khí clo độc hại. Vì vậy, các gia chủ nên cẩn thận và luôn để các chất có tác dụng tẩy rửa này tách biệt, an toàn.
Quang Đăng (dịch)