Theo khảo sát của một số tổ chức tâm lí, khi họ hỏi về mục đích chơi game, cộng đồng trên thế giới thường cho rằng họ đến với game chỉ để giải trí, thư giãn, giải tỏa xì trét, áp lực trong công việc và quên đi nỗi buồn.

Tuy nhiên, người chơi ở Việt Nam đang đi ngược lại những giá trị vốn có trong vài năm gần đây. Họ tiếp cận với một thái độ khác nên chính vì điều đó tạo một áp lực vô hình cho mọi người. Chúng ta cùng nhìn lại những vấn đề cần phải giải quyết ngay của cộng đồng game thủ Việt Nam.

 

I. Điều chỉnh lại mục đích chơi game

Cách đây khoảng 6-7 năm trở về trước, game mang lại cho các game thủ rất nhiều giá trị về mặt tinh thần. Dù mất đi một lượng tài chính nhất định, ít nhất chúng cũng giúp người chơi quên đi những muộn phiền của cuộc sống để du nhập thế giới ảo, đặc biệt khi có bạn bè, chiến hữu kề bên. Thời đó, game thủ tiếp cận game với mục đích đúng đắn, khác hẳn với phong cách các game thủ bây giờ.

Thiên Long Bát Bộ từng đem lại kỉ niệm cho không ít game thủ.

Từ khi game MOBA xuất hiện, mục đích của các game thủ chuyển dần sang một trạng thái khác. Nhiều game thủ vừa trẻ vừa trâu bắt đầu xuất hiện cùng với mục đích vượt lên đối thủ trong tất cả các tựa game. Tất nhiên, việc cay cú ăn thua không xấu bởi từ đó, các game thủ có thêm động lực trong hành trình “Phá đảo thế giới ảo” nhưng nếu đi quá giới hạn, đó là “Game chơi bạn chứ không phải bạn chơi game”.

Trẻ Trâu Everywhere.

II. Tìm “tâm lí” chơi game đúng đắn

Ngày nay, tâm lí chơi game của đa số game thủ đang đặt vào tình trạng báo động. Ngoài đời, nhiều người hiền lành, ít nói, tính cách thoải mái, phóng khoáng nhưng khi bước vào thế giới ảo, mọi chuyện xảy ra theo thiên hướng hoàn toàn khác. Bỗng chốc họ trở thành một người thô thiển, cực xúc, chửi bới điên loạn, tay khua bàn phím với tốc độ chóng mặt. Ngoài ra, họ còn bảo thủ, cố chấp và cho rằng mình luôn đúng. Hai tính cách hoàn toàn khác nhau bởi chỉ một thứ đơn giản tác động: “Game”.

Ơn giời, các ông bà thần đây rồi.

Chắc hẳn, khi bất cứ ai nhìn vào một game thủ như vậy, họ thường lắc đầu lè lưỡi, tốt nhất không dây vào cơn điên này. Vậy khi chơi game, ta nên có tâm lí như thế nào? Khi chơi game, bảo bất cứ ai đó không bực mình chắc chắn không ổn bởi ai cứ bình thản, giải trí mãi được.

Do đó, khi gia nhập thế giới ảo, người chơi cần có cái nhìn đa chiều nhất về toàn cảnh game. Điển hình với tựa game MOBA, đa số game thủ thường chửi bới đồng đội mỗi khi họ thi đấu không tốt. Tại sao mọi người không coi đó chỉ là mình thiếu may mắn đi bởi bạn cũng có lúc sơ sẩy chứ.

Chửi bậy là một hiện tượng quá đỗi thường ngày của game thủ.

Tâm lí chơi game cũng khá quan trọng, nó có thể đánh giá một khía cạnh nào đó của con người. Khi tìm ra vấn đề của bản thân, người chơi mới tìm được cách tiếp cận game đúng đắn. Bởi vậy, nếu bạn chơi game mà không than phiền khi đồng đội mắc lỗi, bạn đã đạt tới cảnh giới chơi game rồi đấy.

III. Nản lòng, không kiên trì khi đồng đội mắc lỗi

Mỗi khi đồng đội mắc lỗi, các game thủ thường xuyên nhìn vào lỗi của đồng đội để quở trách, chửi bới mà quên đi nhiệm vụ chính của bản thân. Như các bạn đã biết, nếu làm vậy, bạn không chỉ ảnh hưởng tới một người mà còn tới cả toàn đội còn đang thi đấu. Tại sao bạn không động viên hoặc nhắc nhở khéo đồng đội hơn bởi ai chẳng thích lời ngon tiếng ngọt trong cuộc sống!!!

Dù là một game thủ đẳng cấp, Uzi trẻ trâu không kém người chơi Việt Nam.

Tất nhiên, họ đều biết làm vậy chẳng được gì nhưng họ vẫn làm bởi phải xả “đạn” cho sướng, cho oai cái đã. Chúng tôi dám chắc rằng ai cũng muốn thành tích tốt cho bản thân nhưng vẫn làm thôi, mặc kệ xung quanh đang nghĩ gì. Vì vậy, bài học được đặt ra ở đây: “Muốn lên cao, muốn thành tích cao thì cần có sự kiên nhẫn nhất định bởi game cũng giống như cuộc sống, không có gì theo ý mình mãi được đâu”.

IV. Tự cao tự đại sau những chiến thắng

Sau một số chiến thắng trước đối thủ dù có hoặc không có tên tuổi, đa số các game thủ của chúng ta có xu hướng “Nổ” thật to để oai với bạn bè xung quanh. Chúng tôi không hề phản đối sự việc này bởi chúng tôi không có quyền. Tuy nhiên, mức độ “Nổ” cần được chú ý tới. “Núi cao đã có núi khác cao hơn” nên hãy học cách khiêm tốn cho bản thân, bạn mới đạt đến mức cao nhất của một game thủ.

Khiêm tốn - Một tố chất để thành công.

Dù bạn đang ở vị thế cao hay thấp hơn so với đố thủ, bạn cũng nên học cách tôn trọng đối thủ, đừng có ra oai bằng những câu: “Thằng này tuổi gì, Nó làm gì có cửa,…”. Tôn trọng đối thủ sẽ được nhiều người nể phục hơn, đặc biệt đến từ đối phương. Bởi quá nhiều mặt trái, xã hội mới ghét game thủ đến như vậy đó.

GameSao.vn