Trong những năm qua, hoạt động tín dụng, ngân hàng ở nước ta phát triển nhanh và mạnh, nhất là ở những đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Bên cạnh những mặt tích cực thì tình hình vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng cũng có nhiều diễn biến phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng, mức độ thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Theo Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) TP.HCM, trong 506 bị can, bị cáo của hơn 100 vụ án liên quan đến ngân hàng có hơn 200 bị can, bị cáo thuộc nhóm tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”,...
Bị cáo Phạm Công Danh (áo trắng, hàng đầu) cùng đồng bọn tại phiên tòa. |
Hành vi phạm tội trong những vụ án trên đều do các cán bộ ngân hàng bắt tay nhau “rút ruột” ngân hàng. Ngoài vụ Phạm Công Danh ở Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam và đồng phạm “rút ruột” hơn 9.000 tỷ đồng, còn có vụ Phạm Văn Cử, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh 7 TPHCM và các đồng phạm “rút ruột” hơn 600 tỷ đồng; vụ Dương Thanh Cường, Hồ Đăng Trung và đồng phạm cũng ở Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh 6 TPHCM “rút ruột” gần 1.000 tỷ đồng; vụ Nguyễn Hoàng Oanh, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Bến Thành gây thiệt hại hơn 300 tỷ đồng…
Nhiều tình tiết ở những vụ án này cho thấy quy trình thẩm định cho vay đã bị bỏ qua một cách dễ dàng. Trong vụ án Phạm Văn Cử, nhiều cán bộ ngân hàng tiếp nhận hồ sơ vay vốn của Công ty TNHH Mai Khôi, do Dương Thị Kim Luyến làm giám đốc, đã không thực hiện đúng quy định mở L/C, định giá tài sản không có căn cứ, đồng ý thay đổi tài sản đảm bảo không đúng quy định, không kiểm tra, xác minh mục đích vay vốn...
Vụ Dương Thanh Cường, Hồ Đăng Trung và đồng phạm ở Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh 6 TPHCM cũng vậy. Các cán bộ ngân hàng tại đây đã quyết định cho vay khi tài sản thế chấp là dự án chưa có cấp thẩm quyền phê duyệt; tự ý cho vay vượt quyền phán quyết; lấy quyết định nâng quyền phán quyết cho vay của dự án khác đưa vào hợp thức hóa hồ sơ; nhận tài sản thế chấp trái quy định, không công chứng, không đăng ký giao dịch bảo đảm…
Ở nhóm vụ án thuộc hành vi quan liêu, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra hậu quả nghiêm trọng cho ngân hàng có vụ Trần Quốc Hoàng, nhân viên tín dụng Công ty Tài chính Cao su (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) lập hồ sơ giả chữ ký khách hàng, tự định giá tài sản thế chấp, không làm thủ tục công chứng hợp đồng, không đăng ký giao dịch bảo đảm tài sản thế chấp…
Dù biết hồ sơ vay không đúng quy định nhưng một loạt cán bộ ngân hàng vẫn đề xuất, quyết định giải ngân để chiếm đoạt 44 tỷ đồng. Hay vụ Trần Huỳnh Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Cát Phương Nam và Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Cơ điện REE cấu kết với các cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Tân Bình (TPHCM) lập 11 hồ sơ vay giả, thế chấp cổ phiếu giả để “rút ruột” 120 tỷ đồng chia nhau.
Tại Ngân hàng NN-PTNT Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) có vụ Võ Hồng Điệp, nhân viên tín dụng đã lấy 7 sổ đỏ là tài sản thế chấp của khách hàng đem ra ngoài cầm cố bỏ túi 26 tỷ đồng. Một vụ khác ở Ngân hàng Đầu tư Phát triển Đông Đô (Hà Nội), nhân viên Trần Lệ Thủy đã tẩy xóa số dư tiết kiệm từ số tiền 190 triệu đồng, sửa thành… 272 tỷ đồng, rồi thế chấp trở lại ngân hàng, chiếm đoạt 300 tỷ đồng...
Còn nhiều vụ án khác mà đối tượng phạm tội là người ngoài ngân hàng vay vốn, sử dụng ngân hàng để phạm tội. Điển hình là vụ vợ chồng Hồ Minh Hậu - Phạm Thị Ái Loan (ngụ TPHCM) lập nhiều công ty, văn phòng đại diện tại các địa phương rồi thực hiện các giao dịch mua bán lòng vòng, xuất hóa đơn khống cho nhau nhằm hợp thức hóa đầu vào, làm hợp đồng xuất khẩu khống, ký khống hợp đồng thuê kho với bên thứ ba rồi thế chấp tại 5 ngân hàng, chiếm đoạt hơn 400 tỷ đồng…
Đó là nhận định của đại diện Viện KSND TPHCM khi đề cập đến những hạn chế trong công tác phát hiện và xử lý tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Trong đó, theo phân tích của các chuyên gia, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngân hàng chưa đầy đủ, còn chồng chéo; đối tượng phạm tội là những người thông thạo, nắm vững các quy định pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng nên đã lợi dụng những sơ hở để thực hiện hành vi phạm tội.
Trong khi đó, trình độ, kiến thức của đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trong hệ thống tư pháp còn nhiều hạn chế, làm cho hiệu quả công tác phòng ngừa và xử lý tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng thấp.
Theo ông Đỗ Mạnh Bổng, Vụ phó Vụ 3 Viện KSND tối cao, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng gia tăng mạnh thời gian qua phần lớn do hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị, kiểm soát, kiểm toán nội bộ trong các tổ chức tín dụng chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường, dẫn đến sơ hở trong quản lý, điều hành; chưa phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, chậm hoặc không phát hiện được các hành vi vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.
Thời gian tới, nếu không quyết liệt với các giải pháp đấu tranh ngăn chặn và phòng ngừa hiệu quả thì tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tăng mạnh, những thủ thuật “rút ruột” ngân hàng sẽ tinh vi, phức tạp hơn và tiền của của Nhà nước bị thiệt hại cũng sẽ lớn hơn.
“Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có hơn 2.000 đơn vị thuộc hệ thống mạng lưới các tổ chức tín dụng. Trong đó có 129 chi nhánh của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, 11 hội sở chính ngân hàng thương mại cổ phần và các loại hình ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng chính sách - xã hội, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính… Do công tác quản lý tại một số ngân hàng chưa chặt chẽ, chưa theo kịp trình độ quản lý hiện đại, kèm với yếu tố vụ lợi là những điều kiện thuận lợi để tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng phát triển, diễn biến phức tạp và gây ra nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. (Nguồn: Viện KSND TPHCM) |
(Theo báo SGGP)