Chiều một ngày cận Tết Kỷ Hợi, ở trạm xe buýt trên đường Nguyễn Văn Linh (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) có rất đông người ngồi chờ đón xe.

Tường rào phía sau trạm, có dán tờ giấy A4 với nội dung quảng cáo: "Cho vay tiền, trả góp hàng ngày", thu hút khá nhiều ánh mắt dòm ngó. Trên giấy còn ghi: "Nếu có khách giới thiệu sẽ cho tiền cà phê. Thủ tục nhanh gọn, giải ngân trong ngày".

{keywords}
Mẫu dán quảng cáo cho vay tiền với thủ tục nhanh, gọn phía sau trạm xe buýt trên đường Nguyễn Văn Linh (Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh: Minh Anh.

Thủ tục nhanh gọn, nhận tiền ngay

Hồ sơ, thủ tục vay tiền khá đơn giản. Chỉ cần hộ khẩu, chứng minh thư (CMND) hoặc hoá đơn điện, nước tháng gần nhất là có thể vay được từ 3 đến 5 triệu đồng.

Phóng viên liên lạc theo số điện thoại dán trong giấy (0898.158.xxx), một thanh niên giọng Bắc lên tiếng, tự giới thiệu tên Thắng.

{keywords}
Quảng cáo cho vay tiền góp, in cả số điện thoại liên lạc khi khách mua thuốc lá tại Cần Thơ. Ảnh: Minh Anh.

Khi đầu dây ngỏ ý vay khoản tiền 5 triệu, thanh niên này hỏi dồn dập: “Anh tên gì, ở đâu, làm nghề gì”. Khi cung cấp các thông tin, Thắng yêu cầu người vay tiền cần chuẩn bị hộ khẩu gốc, CMND rồi hẹn ra một quán cà phê.

Chị Phạm Thị Hồng Hà (ngụ phường Lê Bình, quận Cái Răng) kể, nhà có việc gấp nhưng không biết phải vay mượn ai. Thấy tờ giấy trên chị quyết định tìm hiểu.

“Lãi suất cũng hơi cao. Nó đưa mình 5 triệu mà lấy lại 500.000 đồng, với 200.000 đồng tiền cò nữa nên chỉ còn 4,3 triệu đồng”, chị Hà nói. Để trả số tiền này, chị phải góp mỗi ngày 200.000 đồng trong thời gian 30 ngày.

Nhiều người công việc thuận lợi hoặc buôn bán trôi chảy thì có đủ tiền góp hàng ngày, nhưng không ít trường hợp không đủ tiền trả bị đe doạ, đánh đập. Nhiều người túng quẫn, phải đóng cửa bỏ trốn vì liên tục bị nhóm người đòi nợ “khủng bố” tinh thần như chửi bới, tạt nước sơn, mắm tôm...

Bà Võ Thị Gái (58 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long), sống bằng nghề bán tạp hoá nhỏ tại nhà. Cần tiền, người phụ nữ này cũng hỏi vay tiền qua số điện thoại dán quảng cáo ở khu dân cư.

“Sau khi hỏi nhà, có hai thanh niên chạy xe máy đến. Một người thì xăm trổ khắp người nhưng nói chuyện rất nhỏ nhẹ, thủ tục cho vay cũng đơn giản”, bà Gái kể.

Khi vay 5 triệu đồng, bà Gái được hướng dẫn ký vào tờ hợp đồng mua trả góp điện thoại di động, mỗi ngày góp 200.000 đồng, trong vòng 30 ngày. Người phụ nữ này nhận được 4,1 triệu đồng vì bị trừ 500.000 đồng tiền hồ sơ và góp trước 2 ngày.

Việc buôn bán ế ẩm, bà Gái góp được hơn mười ngày thì không còn khả năng nên buộc lòng phải vay tiếp. “Mình góp được 17 ngày, còn lại 13 ngày nên phải vay thêm 5 triệu đồng để góp tiếp”, bà Gái nói.

Trong lần vay thứ hai, bà gái bị trừ mất 2,6 triệu đồng cho 13 ngày chưa góp, trừ 500.000 đồng phí hồ sơ và bị thu tiếp 2 ngày đầu mất 400.000 đồng.

Số tiền người phụ nữ này nhận được chỉ có 1,5 triệu đồng nhưng phải tiếp tục trả góp trong 30 ngày, mỗi ngày 200.000 đồng.

Nhiều nạn nhân, vì không đủ tiền trả góp tiếp tục hỏi vay dẫn đến lãi mẹ đẻ lãi con. Từ số tiền ban đầu hỏi vay chỉ vài triệu đồng, với hình thức góp tiền trên dẫn đến số nợ hàng chục, hàng trăm triệu đồng.

{keywords}
Một trụ sở công ty tài chính, hoạt động cho vay tiền tại Cần Thơ. Ảnh: Minh Anh.

Núp bóng doanh nghiệp

Hơn hai năm trước, Thành (đã đổi tên), từ Hải Phòng vào Cần Thơ làm việc cho doanh nghiệp dịch vụ vận tải. Nơi đăng ký quản lý của doanh nghiệp tại quận Ninh Kiều, còn người đăng ký đại diện pháp luật có hộ khẩu tại TP Hải Phòng.

Doanh nghiệp này đăng ký nhiều ngành nghề nhưng hoạt động chính là cho thuê xe máy có động cơ, hoạt động cấp tín dụng…

Là doanh nghiệp, nhưng công ty chỉ 3 người làm việc, do một người làm nhóm trưởng quản lý. Hoạt động chủ yếu của công ty là cho vay tiền, thông qua hình thức cho thuê xe máy.

Trụ sở của Thành là căn nhà thuê, có trang bị bộ máy tính, máy in chủ yếu để in ấn các hợp đồng mua bán và cho thuê xe máy.

{keywords}
Mẫu hợp đồng vay tiền, qua hình thức bán xe máy và thuê lại. Ảnh: Minh Anh.

Hàng ngày, Thành có nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng, làm các thủ tục cho vay tiền và kiêm đi thu nợ. Người có nhu cầu vay tiền sẽ thực hiện đồng thời hai hợp đồng. Một là hợp đồng mua bán và hai là thuê lại tài sản. Công ty mua lại xe của khách hàng trên giấy tờ, sau đó cho thuê lại chính xe máy này.

Thường khách vay chủ yếu với số tiền từ 5 triệu đến 10 triệu hoặc 15 triệu. “Nếu vay 10 triệu, tiền lãi mỗi ngày là 30.000 đồng và 10 ngày mới thu một lần. Nếu người vay không trả tiền, mình doạ ra phường để giải quyết vì có hợp đồng mua bán, cho thuê phương tiện”, Thành tiết lộ mánh khóe làm ăn.

Cũng như Thành, Đỗ Thế Đại (tức Đại Lác, 35 tuổi ở phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) mở Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Đại Tín từ năm 2006. Công ty có 12 điểm kinh doanh tại nhiều huyện, thị xã, TP trong tỉnh.

Sau khi thành lập, Đại thuê Nguyễn Thế Hùng (trú phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) làm giám đốc. Đến tháng 6/2018, Hùng bị bắt do về tội Tổ chức sử dụng ma túy.

Tiếp đó, Đại đã thuê Cao Xuân Thu (28 tuổi, trú phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa) làm giám đốc kiểm trưởng 12 chi nhánh. Tại mỗi điểm kinh doanh, tổ chức này thường thuê 2-3 người thực hiện việc cho vay tiền.

Để qua mắt lực lượng chức năng, khi có khách tới vay tiền, công ty này thường có thủ đoạn yêu cầu khách vay phải làm thủ tục mua bán tài sản. Sau đó, Đại Tín cho khách thuê lại chính tài sản vừa thế chấp để hợp thức hóa việc cho vay với lãi suất 3.000-5.000 đồng/triệu đồng/ngày (tương đương 182%/năm).

Từ năm 2016 đến nay, công ty này đã cho 4.000 khách hàng vay vốn, với số tiền hơn 47 tỷ đồng (trong đó 13 tỷ đồng tiền lãi).

Theo cảnh sát, có nhiều khách hàng vay của công ty này với số tiền 30 triệu đồng, sau 1 năm đã trả hơn 100 triệu đồng tiền lãi mà chưa trả hết tiền gốc.

Một hình thức cho vay “cắt cổ” khác là cho "vay thăm" do Công ty TNHH dịch vụ tài chính Thương Tín thực hiện. Số tiền vay từ 10-60 triệu đồng/1 "bát thăm". Trong đó, khách hàng vay 10 triệu đồng thì nhân viên công ty đưa lại cho khách 8 triệu đồng, cắt 2 triệu đồng tiền lãi. Công ty này sau đó yêu cầu khách đóng tiền vay mỗi ngày 200.000 đồng trong vòng 50 ngày.

Để có nguồn khách hàng, chúng cho người tổ chức dán, phát các tờ rơi, tờ bướm quảng cáo và cho người phát tờ rơi ở các khu chợ, khu dân cư, dán trên cột điện và thông báo trên các trang mạng xã hội quảng cáo cho vay với lãi suất thấp từ 2-3,2% nhưng thực tế cho vay lãi suất từ 20-30% trở lên.

Người vay tiền không cần tài sản thế chấp với lãi suất cao nhưng khi không có khả năng chi trả thì chúng cho người đến uy hiếp, sẵn sàng gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, làm nhục người khác, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng.

Theo số liệu Bộ Công an, từ năm 2015-2018, toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen. Trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản.

Bộ Công an đang đấu tranh 124 băng nhóm, 831 đối tượng hoạt động có tổ chức liên quan đến cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê.

(Theo Zing)