1. Tìm hiểu kỹ về bảo hiểm nhân thọ và công ty bảo hiểm
Hiểu về bảo hiểm nhân thọ và công ty bảo hiểm là điều đầu tiên và quan trọng nhất với những người lần đầu tham gia bảo hiểm. Trước hết bạn cần nắm rõ thông tin hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là gì, mục đích của bảo hiểm nhân thọ mà bạn sẽ mua và nó mang lại cho bạn những lợi ích hay quyền lợi gì... từ đó bạn mới đưa ra quyết định có nên mua hay không.
Sau đó, bạn cần tìm hiểu thông tin cơ bản về công ty bảo hiểm như các hoạt động theo pháp luật, nguồn gốc, lịch sử, mô hình hoạt động… để bạn hoàn toàn an tâm khi quyết định tham gia bảo hiểm. Đặc biệt với công ty mà bạn lựa chọn cần tìm hiểu kỹ về quy mô, đại lý, chi tiết các sản phẩm hiện nay, dịch vụ khách hàng, thông tin lãi suất, quỹ đầu tư...
2. Phân tích tài chính và nhu cầu của bản thân
Trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cần xác định nhu cầu và phân tích tài chính của bản thân để chọn đúng sản phẩm và ký một một hợp đồng có mức phí phù hợp nhất. Mỗi một hợp đồng chỉ duy nhất một người được bảo hiểm chính nên bạn cần xác định rõ mục đích tham gia là gì, mua cho ai.
Ví dụ, trong gia đình nếu chưa dư dả về tài chính nên tham gia cho người trụ cột trước để bảo vệ nguồn thu nhập chính của gia đình. Hoặc nếu mục đích cho con đi du học thì nên để con là người được bảo hiểm, xem xét bố hoặc mẹ ai thu nhập cao hơn và trẻ tuổi hơn chọn là người mua bảo hiểm. Hoặc nếu muốn bảo vệ cả gia đình trước rủi ro nên chọn người trụ cột và ghép tên các thành viên còn lại trong cùng một hợp đồng.
Phân tích tài chính cá nhân bao gồm:
- Nhu cầu tài chính tương lai bao gồm những mục tiêu nào, nên chia ra mục tiêu ngắn - trung - dài hạn. Số tiền mong muốn có được tương ứng từng mục tiêu, số tiền tiết kiệm hiện có, thời gian hoàn thành mục tiêu…
- Khả năng tài chính hiện tại: Tổng nhu nhập bao gồm cả tiền lương thưởng, tiền lãi đầu tư kinh doanh, tiền lãi gửi ngân hàng, tiền cổ tức từ góp vốn, tiền cho thuê nhà/xe...trừ đi tổng khoản chi bao gồm chi phí sinh hoạt cơ bản, chi phí giáo dục cho con, khoản đầu tư, giải trí, đầu tư bản thân, nợ ngân hàng phải trả, tiền hỗ trợ những người phụ thuộc...
3. So sánh đặc điểm các loại bảo hiểm
Bảo hiểm nhân thọ có rất nhiều gói phù hợp với từng nhu cầu khác nhau, đừng quên phân tích và so sánh các loại bảo hiểm để tìm được gói bảo hiểm nhân thọ phù hợp nhất. Nếu trong quá trình lựa chọn gói bảo hiểm có sự khó khăn, bạn có thể tham khảo những lời khuyên từ các tư vấn tài chính để có quyết định chính xác và phù hợp nhất với mong muốn của bản thân.
4. Các trường hợp được chi trả, bồi thường trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Không phải bất cứ trường hợp rủi ro nào xảy ra trong quá trình tham gia bảo hiểm nhân thọ đều được chi trả hoặc bồi thường. Vậy nên, bên cạnh việc tham khảo về quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, bạn cũng cần tìm hiểu kỹ càng các trường hợp bồi thường, chi trả, không bồi thường trong hợp đồng.
5. Phí bảo hiểm nhân thọ và thời gian đóng phí
Mức phí bảo hiểm nhân thọ sẽ có sự khác nhau đối với từng gói bảo hiểm, bạn cần tìm hiểu phí và thời gian được quy định trong hợp đồng để nắm được các thông tin này. Người tham gia bảo hiểm nhân thọ cần phải đóng phí bảo hiểm đúng thời gian để tránh các rủi ro không đáng có.
6. Tìm hiểu kỹ bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm
Trong bộ hợp đồng mà bạn nhận được chắc chắn có bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm, đây là bản hồ sơ chi tiết nhất về quyền lợi giúp bạn nắm rõ các quyền lợi của mình.
Trong đó bạn cần hiểu rõ sản phẩm chính có các quyền lợi nào, những trường hợp loại trừ và thời gian chờ của bệnh là bao lâu. Mức chi trả của từng quyền lợi là bao nhiêu, tổng quyền lợi theo từng năm hợp đồng và chú ý các mức lãi suất minh họa. Các quyền lợi tiền mặt, bảo tức, tạm ứng, rút 1 phần hoặc toàn bộ, đáo hạn hợp đồng được quy định như thế nào trong điều khoản sản phẩm.
Ngoài ra, không thể bỏ qua các sản phẩm bổ trợ: Có bao nhiêu sản phẩm bổ trợ được tham gia kèm, ngày hiệu lực, những sản phẩm này có quyền lợi như nào, có thời gian chờ hay không, mức chi trả bao nhiêu...
7. Lựa chọn mức bảo hiểm hợp lý
Mức phí bảo hiểm rất quan trọng trong việc quyết định khả năng duy trì hợp đồng dài hạn sau này nên cần lưu ý chọn mức phí bao nhiêu thì phù hợp dựa vào phân tích tài chính và nhu cầu cá nhân ở trên. Mức phí hợp lý nhất là khoản 10-15% tổng thu nhập của bạn.
Bên cạnh đó cũng cần chú ý về độ linh hoạt tăng giảm mức phí trong suốt quá trình tham gia, thời hạn đóng phí bao lâu so với thời hạn hợp đồng, định kỳ đóng phí, các hình thức thanh toán phí - chọn hình thức nào lợi thế hơn. Nếu quên đóng phí thì được gia hạn trong bao lâu (thông thường là 60 ngày), khi nào hợp đồng mất hiệu lực, điều kiện khôi phục hiệu lực hợp đồng là gì.
8. Nắm rõ quy định trả quyền lợi của bảo hiểm
Công ty có quyền từ chối giải quyết quyền lợi bảo hiểm nếu khách hàng nộp yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm chậm so với quy định nên một điểm lưu ý không kém quan trọng nữa khi tham gia bảo hiểm là nắm rõ quy định chi trả của công ty cho từng sản phẩm cụ thể.
- Thời hạn nộp đơn sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp rủi ro, thông thường là 12 tháng với trường hợp tử vong hoặc mắc bệnh hiểm nghèo; 30 - 60 ngày với trường hợp nằm viện nội trú hoặc bị chấn thương do tai nạn dẫn đến tổn thương bên trong; từ 60 - 90 ngày kể từ khi người tham gia bảo hiểm được kết luận chính xác về bệnh tình của mình...
- Hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm của từng công ty sẽ khác nhau với từng trường hợp nằm viện, tai nạn, thương tật hay tử vong...bạn cần nắm ngay từ đầu tránh trường hợp chậm trễ do thiếu thủ tục.
- Thời gian giải quyết quyền lợi bảo hiểm thông thường là 30 ngày tính từ ngày công ty nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
Mỗi một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ có những thông tin, quyền lợi, điều khoản rõ ràng nên khi mua bảo hiểm nhân thọ bạn cần tìm hiểu kỹ từng hạng mục trên đây để đảm bảo quyền lợi của mình.
Theo Pháp luật & Bạn đọc/ BĐT Gia đình & Xã hội