Tình trạng hàng loạt du học sinh tại các đại học Mỹ bất ngờ bị tước visa nhưng không nhận được thông báo chính thức nào từ nhà chức trách khiến nhiều sinh viên lo lắng. Tính đến ngày 12/4, gần 1.000 sinh viên quốc tế của hơn 170 trường đại học và cao đẳng tại Mỹ đã bị thu hồi visa, trong đó có nhiều sinh viên đến từ các đại học hàng đầu như Harvard, Stanford hay Columbia...

Loại visa bị tước đa phần thuộc diện F-1 (dành cho sinh viên) hoặc J-1 (dành cho các chương trình trao đổi). Một số trường hợp bị thu hồi là do từng tham gia các cuộc biểu tình, có tư tưởng chống đối hoặc bị xử lý do vi phạm luật tại Mỹ, bao gồm cả vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bị hủy mà chưa rõ lý do cụ thể.

Screenshot 2025 04 14 010308.png
Tính đến ngày 12/4, sinh viên quốc tế của hơn 170 trường đại học và cao đẳng tại Mỹ đã bị thu hồi visa. Ảnh chụp màn hình

Vừa trúng tuyển Đại học Michigan và đang trong quá trình làm visa chuẩn bị bay sang Mỹ vào tháng 9 tới, Trần Anh Duy (Hà Nội) lo lắng khi đọc tin hàng loạt du học sinh Mỹ bị tước quyền visa, dù đang học năm thứ 3 hay thứ 4.

Không chỉ riêng Duy, bố mẹ cậu cũng khá căng thẳng khi đọc được những thông tin này. Nam sinh cho biết, hiện tại bản thân đã phải cẩn trọng hơn trong các hành vi trên mạng xã hội để tránh bị từ chối hoặc thu hồi visa.

Tương tự, Trần Yến Nhi, sinh viên năm 2 tại Đại học Utah cũng cảm thấy lo lắng khi hay tin hàng loạt sinh viên quốc tế tại nhiều đại học Mỹ bất ngờ bị tước visa, dù tự tin hồ sơ của mình “rất trong sạch”. “Em cảm thấy lo lắng và không hiểu chuyện gì đang xảy ra", Nhi nói.

Bà Trần Phương Hoa, Giám đốc Tổ chức giáo dục Summit, cho biết, gần đây có nhiều phụ huynh, du học sinh lo lắng khi thấy hàng trăm sinh viên quốc tế bị hủy thị thực. Bên cạnh đó, một số đại học Mỹ cũng gửi thông báo khuyên du học sinh đang theo học nếu chưa có việc khẩn cấp cần rời Mỹ, nên hạn chế đi lại trong thời gian này để tránh những rủi ro về visa.

Tuy nhiên, theo bà, du học sinh Việt Nam không cần quá lo lắng vì các trường hợp bị hủy visa trong thời gian qua thường do không tuân thủ pháp luật Mỹ hay bị nghi ngờ mang lại rủi ro an ninh cho Mỹ.

“Nếu sinh viên Việt Nam đang học tập tốt, nhân thân tốt và tuân thủ pháp luật thì visa sẽ không bị ảnh hưởng. Mặt khác, Việt Nam cũng không nằm trong nhóm các quốc gia chịu kiểm soát chặt hay giới hạn về visa của Mỹ.

Con số bị tước visa cũng rất nhỏ so với tổng hơn 1 triệu du học sinh Mỹ. Do đó, với các sinh viên Việt Nam đang học tập bình thường, không vi phạm pháp luật, không cần quá hoang mang”, bà Hoa nói.

Dẫu vậy, bà Hoa cũng khuyên du học sinh nên cẩn thận trong việc đi lại, đặc biệt khi đang chuyển diện visa. Ví dụ với du học sinh quay lại Việt Nam để xin chuyển diện hay gia hạn visa với thời gian ngắn, nếu trong quá trình này chẳng may giấy tờ bị thất lạc hay vướng mắc về thủ tục hành chính có thể khiến việc quay lại Mỹ nhập học, làm việc bị chậm trễ, bỏ lỡ các cơ hội quan trọng.

Ngoài ra, du học sinh cũng nên cẩn thận gặp gỡ đại diện hỗ trợ sinh viên quốc tế của trường trước khi rời Mỹ để nhờ kiểm tra các giấy tờ hoặc trạng thái visa đã chính xác hay chưa.

“Du học sinh cần tìm hiểu kỹ các quy định về thời gian làm việc cho phép, số tín chỉ cần thiết để duy trì visa, không dùng các chất cấm, tuân thủ pháp luật, trung thực khi kê khai hồ sơ, tránh trường hợp bị từ chối hay tước visa”, bà Hoa nói.