Những bộ phận ngoại thất không chỉ đại diện cho tính thẩm mỹ, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị, độ bền và khả năng vận hành của mỗi chiếc xe. Đặc biệt, khi thời tiết nắng nóng, các tay lái nên lưu ý những khuyến cáo cần thiết để bảo vệ ngoại thất cho xế yêu.
Lốp xe và la-zăng
Khi vào mùa nắng nóng, lốp xe và la-zăng là hai bộ phận chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi bề mặt địa hình mà xe vận hành. Đặc biệt, khi tay lái gặp phải những cung đường xấu cộng với thời tiết khắc nghiệt càng khiến lốp xe dễ bị rách, hoặc nổ do chịu áp lực lớn. Vì vậy, cứ khoảng 10.000 km, các tay lái nên lưu ý kiểm tra và thay lốp xe.
Hệ thống đèn chiếu sáng
Bộ phận đèn khá quan trọng đối với mỗi chiếc xe, tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng và bảo quản đèn. Các chuyên gia cho biết, tuổi thọ của đèn halogen khoảng 450 – 1.000 giờ chiếu sáng ở điều kiện di chuyển bình thường. Các các loại đèn khác như xenon, HID có tuổi thọ gấp đôi so với đèn halogen, trong khi đó, đèn LED có tuổi thọ cao hơn nữa. Độ bền của đèn cũng phụ thuộc vào địa hình xe chạy, nếu bị xóc mạnh hay có sự cố va chạm thì bóng có thể hỏng nhanh hơn, thậm chí có thể hỏng bất ngờ.
Để đèn pha bị hư hỏng là trường hợp rất nguy hiểm đối với mỗi tay lái, hãy thật cẩn thận và cảnh giác khi di chuyển trong đêm, ngay cả khi xe của bạn có hệ thống chiếu sáng cực tốt, đặc biệt là tại những nơi khuất tầm nhìn.
Bóng đèn phanh
Tín hiệu bóng đèn phanh rất quan trọng, nhất là trong điều kiện đường phố đông đúc, bộ phận này có tác dụng bảo đảm sự an toàn của chính bạn. Khi ngồi trong xe và di chuyển trên đường, rất khó để kiểm tra đèn phanh có đang hoạt động tốt hay không, vì vậy, tay lái nên tự kiểm tra bằng cách lùi gần sát một bức tường (khoảng 50 cm) và đạp phanh rồi quan sát qua gương chiếu hậu hoặc đạp chân phanh trong bóng tối.
Zoăng kính lái và kính cửa sổ
Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm là nguyên nhân hàng đầu khiến các chi tiết cao su ngoại thất xe bị thoái hóa rất nhanh, chai cứng, nứt gẫy, gây ra tiếng kêu do kính cửa không còn được khít chặt, đồng thời zoăng hỏng cũng giảm khả năng chống ồn, làm cho cabin xe càng trở nên ồn hơn.
Tay lái cũng nên hạn chế thao tác lên/xuống kính, để tránh bị bụi bẩn bám lâu ngày. Ngay cả khi zoăng cửa sổ vẫn còn mới, bụi hay bùn bẩn bám dày nếu không được gạt hết sẽ chui vào bên trong, làm kính cửa sổ bị trầy xước, kẹt, hoặc chất bẩn làm cho zoăng cao su nhanh bị thoái hóa.
Sơn bóng vỏ xe
Sự xuống cấp của lớp sơn bóng vỏ xe là điều bạn có thể cảm nhận rõ sau 1 năm sử dụng. Nguyên nhân do quá trình rửa xe không đúng kỹ thuật, hoặc dùng khăn lau xe khi vỏ xe nhiều bụi bẩn. Khi đó, cát bẩn sẽ bám vào chiếc khăn và chà xát vào vỏ xe, làm xước sơn bóng.
Chính vì vậy, khi chăm sóc xe, các tay lái không nên dùng khăn lau xe khi vỏ xe bám bụi bẩn, mà chỉ lau sau khi rửa sạch với mục đích là lau khô nước. Khi rửa xe, phải dùng súng phụt nước áp suất cao phụt kỹ chất bẩn bám trên vỏ xe trước khi rửa lại bằng hóa chất chuyên dùng. Các khu vực vỏ xe bẩn hơn (như nẹp hông, chắn bùn, cản trước và sau…) cần được rửa riêng.
(Theo CafeAuto)